Lối về cho người lầm lỗi
Tạo điều kiện thuận lợi cho người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng, ổn định cuộc sống là giải pháp quan trọng nhằm phòng ngừa tái phạm, góp phần bảo đảm an ninh trật tự (ANTT) trên địa bàn.
Nhiều kết quả
Từ năm 2002 đến nay, toàn tỉnh có 6.718 người chấp hành xong án phạt tù. Trong những năm qua, các địa phương trong tỉnh đều đã xây dựng mô hình “Quản lý, giáo dục, giúp đỡ người lầm lỡ tái hòa nhập cộng đồng”. Hoạt động của mô hình này tập trung vào hai nội dung chủ yếu là quản lý, giáo dục và hướng nghiệp, tạo việc làm cho người chấp hành xong án phạt tù (CHXAPT) trở về địa phương. Đại tá Doãn Bá Hồng - Trưởng phòng Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp Công an tỉnh cho biết, ngay trong thời gian chấp hành án tại Trại tạm giam, 100% số phạm nhân đã được đào tạo nghề, định hướng nghề nghiệp và kỹ năng tìm kiếm việc làm để tái hòa nhập cộng đồng sau khi CHXAPT về địa phương. Sau khi người CHXAPT trở về, công an các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh trực tiếp gặp gỡ, hướng dẫn họ đến UBND cấp xã trình diện, yêu cầu ký cam kết không tái phạm tội trở lại. UBND cấp xã tiếp nhận người CHXAPT, phân công người quản lý, giúp đỡ họ. Người được giao nhiệm vụ này sẽ thường xuyên gặp gỡ, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, hoàn cảnh của từng trường hợp để tham mưu UBND cấp xã có biện pháp quản lý, giáo dục, giúp đỡ, động viên, tạo điều kiện thuận lợi cho người CHXAPT ổn định cuộc sống.
Dạy nghề nhằm giúp phạm nhân tái hòa nhập cộng đồng. Ảnh: PHƯƠNG NAM |
Ông Nguyễn Hữu Vũ - Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc chia sẻ, thực hiện đề án tái hòa nhập cộng đồng, UBND huyện đã chỉ đạo các hội, đoàn thể, cơ quan doanh nghiệp đóng trên địa bàn tạo việc làm cho 100 người CHXAPT. Ngoài ra, có 6 người CHXAPT được vay vốn phát triển kinh tế, 1 người CHXAPT được xóa nhà tạm. Còn anh Trần Công Tân - Trưởng Công an xã Bình Minh (Thăng Bình) vui mừng khi kể về những người CHXAPT tiến bộ ở địa phương. Theo lời anh Tân, năm 2012, V.V.N. (SN 1991) can tội cướp tài sản. Sau thời gian chấp hành án, N. hoàn lương bằng nghê buôn bán mực biển. Ban đầu, chỉ là “buôn thúng bán bưng”, sau đó xã giới thiệu N. vay vốn ngân hàng chính sách (nguồn vốn sản xuất kinh doanh cho vùng khó khăn). Từ đó, N. phát triển thành kho đông lạnh và hiện nay anh đã có vợ con, cuộc sống hạnh phúc. Hay như trường hợp của N.V.L. (SN 1988, Thăng Bình). Trước đây, L. thường xuyên cờ bạc, đánh nhau gây mất ANTT ở địa phương. Để phòng ngừa L. tái phạm, anh Tân đã tham mưu UBND xã tạo điều kiện cho L. giữ xe tại bãi tắm Bình Minh. Từ khi có việc làm ổn định, L. đã tiến bộ rõ rệt và đã lập gia đình.
Còn nhiều khó khăn
Dựa trên Nghị định 80/2011/NĐ-CP ngày 16.9.2011 của Chính phủ về quy định các biện pháp tái hòa nhập cộng đồng đối với người CHXAPT, Đại úy Hoàng Vĩnh An - Đội trưởng Đội hướng dẫn thi hành án hình sự và hòa nhập cộng đồng, Phòng Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp, Công an tỉnh đã thực hiện “Đề án bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng đối với người CHXAPT trên địa bàn Quảng Nam giai đoạn 2015 - 2020”. Đề án đưa ra 4 biện pháp: Tuyên truyền nâng cao nhận thức cho các tầng lớp nhân dân; Hướng dẫn xây dựng các mô hình, cách làm có hiệu quả về hòa nhập cộng đồng tại địa phương cơ sở; Giáo dục, tư vấn, cảm hóa đối với phạm nhân sắp CHXAPT và người CHXAPT; Hỗ trợ dạy nghề cho phạm nhân sắp CHXAPT và người CHXAPT. Đề án đã được UBND tỉnh ban hành vào năm 2015 và được đánh giá là đột phá, sáng tạo nhưng vẫn đảm bảo đúng quy định của Chính phủ, đã huy động được sự đồng thuận cao của các cấp ngành.(MỸ LINH) |
Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu của đề án “Đảm bảo tái hòa nhập cộng đồng đối với người CHXAPT trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2015 - 2020 là không dễ, bởi số người vi phạm pháp luật bị TAND các cấp xét xử, chấp hành án ngày càng tăng; số người CHXAPT về địa phương ngày càng nhiều. Bên cạnh đó, vì điều kiện tài chính, cơ sở vật chất nên việc đào tạo nghề tại các trại giam, trại tạm giam cũng chỉ là những nghề thông thường như chăn nuôi, trồng trọt, thợ xây... Trong khi đó, phần lớn phạm nhân trẻ tuổi khi về địa phương lại không có nhu cầu với những nghề này. Và khi người CHXAPT thất nghiệp thì sẽ dễ dẫn đến tái phạm.
Cũng theo Đại tá Nguyễn Bá Hồng, sự phối hợp giữa các ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội và UBND các cấp trong công tác quản lý, giáo dục người CHXAPT chưa được chặt chẽ, thiếu đồng bộ, chưa có cơ chế ràng buộc. Mặc dù Nghị định 80/2011 ngày 16.9.2011 của Chính phủ quy định, một trong các biện pháp bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng cho người CHXAPT là hỗ trợ kinh phí, cho vay vốn. Tuy nhiên, lại không có cơ chế cụ thể mà phụ thuộc vào điều kiện, tâm huyết của từng địa phương. Thực tế cho thấy, người CHXAPT có nhu cầu trợ giúp tìm kiếm việc làm cao nhưng sự giúp đỡ của các cơ quan, tổ chức, chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể xã hội cũng như các doanh nghiệp còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn đặt ra
Việc hỗ trợ người CHXAPT tái hòa nhập cộng đồng là công tác vừa có tính cấp bách, vừa có tính chiến lược lâu dài, thể hiện chính sách nhân đạo, khoan hồng của Đảng và Nhà nước ta đối với những người có quá khứ lầm lỗi. Làm tốt điều này sẽ góp phần kiềm chế sự gia tăng tội phạm, giữ vững ổn định ANTT, góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
PHƯƠNG NAM