Đồng hành giúp người Co giảm nghèo

LÊ DIỄM 03/10/2016 08:58

Với phương pháp tập trung, chọn đối tượng thực sự nỗ lực thoát nghèo để hỗ trợ, xã Tiên Lập, Tiên An (huyện Tiên Phước) đã từng bước xóa dần hộ nghèo trong đồng bào người Co nơi đây.

Thiết thực

Tại xã Tiên Lập, đồng bào người Co có 34 hộ với 134 nhân khẩu (chiếm 3,64% dân số toàn xã), nhưng chỉ có một hộ thoát nghèo do trường hợp đặc biệt là một cô giáo lấy chồng là người Kinh biết cách phát triển kinh tế. Đồng bào Co sống tập trung ở làng Suối Dưa, đời sống mọi mặt đã đổi khác rất nhiều so với trước. Dù có đi làm rẫy làm rừng ở đâu thì đồng bào vẫn về sinh sống ở khu dân cư tập trung này, bởi ở đây có điện, nước, có ruộng để làm lúa nước. Nhà ở được xã Tiên Lập hỗ trợ người dân làm theo Chương trình 134. Đến thăm gia đình chị Lê Thị Yến, chị cho biết công việc của chị chỉ ở nhà nuôi con, buôn bán lặt vặt thêm, dựng một bàn bi da để có thêm thu nhập.

Hộ chị Đỗ Thị Trang rất quyết tâm thoát nghèo.Ảnh: D.L
Hộ chị Đỗ Thị Trang rất quyết tâm thoát nghèo.Ảnh: D.L

Nhà chị Yến vừa được hỗ trợ một con bò sinh sản từ đầu năm 2016. Chị Yến nói: “Mình được Nhà nước hỗ trợ nhiều thứ như thẻ bảo hiểm y tế, quà tết, gạo ăn, con cái đi học được cho ăn trưa, không phải nộp tiền học… Đặc biệt, xã vừa hỗ trợ gia đình con bò giống, mình sẽ cố gắng nuôi thật tốt để tạo sinh kế ổn định”. Già làng Lê Xuân Ngọc nói rằng, cộng đồng người Co có tính cố kết rất cao, nên muốn tác động đến cộng đồng làng phải có người trong cộng đồng đó đi trước, làm gương để người khác học theo. “Kêu gọi đồng bào thoát nghèo rất khó, phải cầm tay chỉ việc, phải có người thoát nghèo trước rồi cho người khác thấy dù thoát nghèo thì Đảng, Nhà nước cũng dành chế độ, giúp đỡ cho đồng bào chứ không cắt chế độ của đồng bào. Bên cạnh việc người dân không biết cách cũng như điều kiện để làm ăn, họ còn sợ thoát nghèo vì nghĩ rằng các chế độ liên quan sẽ bị cắt” - già Ngọc chia sẻ.

Ông Thái Văn Vinh - Phó Chủ tịch UBND xã Tiên Lập cho biết: “Thực hiện các chính sách dành cho đồng bào người Co, xã xác định muốn giúp đồng bào thoát nghèo cần phải đồng hành với người dân ở nhiều mặt. Xã chọn cách dốc các nguồn lực hỗ trợ tập trung cho một số hộ đồng bào có khả năng thoát nghèo, rồi phân công các hội, đoàn thể của xã trợ giúp cụ thể. Đầu năm 2016, xã đã phân công 5 hội, đoàn thể trợ giúp 5 hộ dân. Từ nguồn vốn chương trình 135 và nông thôn mới, xã hỗ trợ mỗi đoàn thể 1 con bò lai sinh sản để trao lại cho hộ dân mà họ đồng hành và hỗ trợ kỹ thuật nuôi sao cho hiệu quả nhất”. Ngoài ra, đồng bào được hỗ trợ nông cụ sản xuất gồm máy tuốt lúa, máy gặt...

Mạnh dạn vay tiền làm ăn

Đồng bào Co tại xã Tiên An những năm gần đây đã sống tập trung, quần tụ ở thôn 3. Điều đặc biệt của 21 hộ đồng bào dân tộc Co nơi đây là đã mạnh dạn vay các nguồn vốn ưu đãi để phát triển kinh tế gồm: chương trình vay vốn dành cho hộ sinh sống ở khu vực đồng bào dân tộc đặc biệt khó khăn, dự án lâm nghiệp WB3, hộ nghèo. Căn nhà của ông Huỳnh Văn Trịnh nằm trên trục đường chính đi vào thôn 3 khá khang trang. Cả ba chương trình vay vốn dành cho đồng bào đều được ông Trịnh mạnh dạn vay để làm rừng với tổng số tiền hơn 71 triệu đồng.

Ông Phan Hồng Phát - Chủ tịch UBND xã Tiên An cho hay: “Đồng bào Co ở xã đã thay đổi so với trước rất nhiều như biết cách làm ăn, dám mạnh dạn vay vốn phát triển sản xuất, trồng rừng, đã có ý thức hơn đối với việc phải thoát nghèo. Nhưng trong tư tưởng bà con thì sự trông chờ, ỷ lại vẫn còn tồn tại, nhất là ở các chính sách ưu đãi. Với những hạn chế trên, xã xác định tập trung làm công tác tư tưởng cho bà con thật tốt, hộ dân nào mong muốn thoát nghèo sẽ được tạo điều kiện thuận lợi. Chẳng hạn như hộ anh Võ Văn Một và chị Đỗ Thị Trang mới tách hộ ở riêng, có một đứa con nhỏ nhưng rất cố gắng để có thể thoát nghèo. Anh Một mạnh dạn mượn tiền để mua 120 con gà về nuôi và đang phát triển rất tốt. Từ đó, xã Tiên An đã thẩm định thấy hiệu quả và sẽ hỗ trợ 3 triệu đồng cho phương án sản xuất của anh Một theo Chương trình 135. Chị Trang nói: “Sắp tới vợ chồng tôi sẽ tiếp tục xây thêm chuồng để nuôi heo và mua thêm đàn vịt về nuôi. Nhà tôi cũng vay 20 triệu đồng từ vốn vay hộ nghèo để trồng keo và có phương án trả nợ trong 2 năm tới khi vào vụ thu hoạch”.

LÊ DIỄM

LÊ DIỄM