Gọi điện thoại cho người thân

CHÂU NỮ 01/10/2016 10:02

Đang nằm gội đầu ở tiệm, cô thợ vui vẻ nhỏ nhẹ: “Xin lỗi, em có điện thoại. Chị chờ em tí nhé”. Và sau đó là: “Có việc gì mà mẹ điện cho con hoài vậy? Con đang bận”. Đoạn, cô tắt máy, tiếp tục trò chuyện với tôi vẫn với giọng điệu nhỏ nhẹ. Định sẽ làm đẹp thêm một số “công đoạn” nữa, nhưng tự dưng một nỗi buồn vô duyên vô cớ dâng lên ngập lòng. Gội đầu xong, tôi về. Rồi lại lững thững nghĩ bao đồng, có bao nhiêu người khi nghe điện thoại của cha mẹ, vừa cầm máy lên, đã hỏi: “Cha/mẹ gọi điện cho con có chuyện gì không?”. Hoặc có khi nào đang bực mình, đang bận rộn, mà nhận được điện thoại nên trả lời nhát gừng và cụt ngủn vì cảm giác như bị quấy rầy?

Ai đó gọi điện cho bạn, có thể có mục đích hoặc vì chỉ vì một lý do... vu vơ nào đấy. Nhưng cha mẹ - những người vốn yêu thương con cái vô điều kiện - hẳn không như vậy. Có thể vì lâu ngày không gặp con, nên gọi điện chỉ đơn giản là muốn được nghe giọng nói của con cho vơi nhung nhớ, cho an tâm, hoặc cũng có thể “bắt mạch” sức khỏe con cái qua giọng nói trong điện thoại.

Cuối tuần tôi hay về quê thăm cha mẹ đẻ hoặc thăm mẹ chồng. Nếu không về được, tôi thường gọi điện hỏi thăm sức khỏe. Dù biết chắc mười mươi là người già hay đau rề rề kiểu lắc lư con tàu đưa nhưng cha mẹ bao giờ cũng làm con cái yên lòng nên giấu bệnh. Mỗi khi mẹ chồng tôi cười giòn tan trong điện thoại, rằng mẹ khỏe hoài, có gì đâu mà lo lắng, có gì đâu mà điện hỏi thăm, tôi cảm thấy mình được trấn an. Nhưng tôi biết, mẹ luôn trông chờ điện thoại của tôi vì mỗi lần điện, thể nào mẹ cũng “tường thuật” bao nhiêu là chuyện ở nhà như thể tôi đang đối diện với mẹ vậy. Tôi vẫn kiên nhẫn lắng nghe cho đến khi mẹ chủ động cúp máy vì biết mẹ có nhu cầu chia sẻ.

Khi người ta trẻ, ở nhà một mình người ta đã có smartphone làm bạn. Còn người già ở nhà một mình chỉ biết mong ngóng con cháu, thích có người bầu bạn, chuyện trò. Chỉ cần trong nhà có tiếng cười, giọng nói là thấy vui. Có lẽ vì vậy nên ta thường thấy người già thơ thẩn ngồi trước hiên nhà như ngóng đợi điều gì vừa gần gũi thân quen vừa xa xăm mơ hồ. Đó có thể là sự mong chờ một tiếng bước chân, cũng có thể là tiếng chuông điện thoại...

Nhiều người có thể “tám” hàng giờ với bạn bè, đối tác nhưng không đủ thời gian và kiên nhẫn để gọi điện thoại cho người thân, để nghe người già cà kê rề rà. Không ít người có thể trả lời điện thoại nhã nhặn với người lạ nhưng lại không đủ lịch sự, ngọt ngào với người thân. Ờ, thì họ cứ nghĩ, đã là người trong nhà, cớ sao và việc gì phải khách khí. Chưa kể, nói chuyện với người già chán lắm, vì chậm chạp, vì nghễnh ngãng. Điện thoại thông minh nhưng không đủ tinh tế bằng con người. Tất nhiên, cực chẳng đã, khi không trở về trong vòng tay ấm áp của cha mẹ mới gửi yêu thương nhung nhớ qua điện thoại. Bâng quơ vậy vì tôi nghĩ, có người trang bị điện thoại cho cha mẹ, xem như điện thoại có thể thay mặt mình làm bạn với người già. Không đâu, điện thoại, dù là điện thoại thông minh, cũng chỉ là vật vô tri mà thôi.

CHÂU NỮ

CHÂU NỮ