Giá dầu tăng sau quyết định của OPEC

QUỐC HƯNG 30/09/2016 09:40

Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) vừa có quyết định bất ngờ trong vòng 8 năm qua nhằm nỗ lực khôi phục giá dầu.

Trong một cuộc họp bên lề Diễn đàn năng lượng thế giới lần thứ 15 tại Algeria, ngày 28.9 vừa qua, Bộ trưởng dầu mỏ các nước thành viên OPEC nhất trí về thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu trong khối. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 2008, OPEC thống nhất phương án cắt giảm sản lượng trong bối cảnh giá dầu thế giới nhiều tháng qua ở mức thấp kỷ lục, trên dưới 50USD/thùng, thậm chí có lúc xuống 27USD/thùng so với mức đỉnh điểm 100USD/thùng vào giữa năm 2014. OPEC hy vọng, việc cắt giảm sẽ hạn chế sản lượng dầu đang dư thừa hiện nay.

Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) cho biết trong 6 tháng đầu năm 2016, sản lượng dầu mỏ trên thế giới dư thừa 800.000 thùng/ngày. Nhu cầu tiêu thụ dầu không tăng trong lúc nền kinh tế thế giới vẫn gặp khó khăn.

OPEC vừa có quyết định bất  ngờ tại Algeria. Ảnh: Reuters
OPEC vừa có quyết định bất ngờ tại Algeria. Ảnh: Reuters

Theo thỏa thuận, OPEC sẽ cắt giảm tổng sản lượng khai thác dầu xuống 32,5 - 33 triệu thùng/ngày trong thời gian tới, từ mức 33,4 triệu/thùng hiện nay. Chủ tịch OPEC, Mohamed Salah Assada cho hay sẽ thành lập một ủy ban kỹ thuật cấp cao và số lượng dầu mà mỗi thành viên giảm bao nhiêu sẽ chính thức được thông báo trong cuộc họp của OPEC vào tháng 11 tới tại thủ đô Vienna (Áo). Được biết, thỏa thuận này sẽ không áp dụng cho ba nước trong OPEC. Đó là Iran - quốc gia được Mỹ và Liên minh châu Âu dỡ bỏ lệnh cấm vận kinh tế vào đầu năm nay và theo Chủ tịch Công ty dầu lửa quốc gia Iran, ông Rokneddin Javadi thì quốc gia Trung Đông này không có kế hoạch cắt giảm sản lượng dầu khai thác cho đến khi nào khôi phục sản lượng như trước thời gian bị cấm vận. Còn Nigeria và Libya gặp rất nhiều khó khăn và thiệt hại lớn do bị khủng bố tấn công đường ống dẫn dầu trong nhiều tháng qua, nên cần khôi phục lại sản xuất.

Theo Chủ tịch Mohamed Salah Assada, hiện OPEC đang thuyết phục các nước sản xuất dầu bên ngoài nhóm, trong đó đứng đầu là Nga trong việc hạn chế sản lượng. Trong tháng 9 này, Nga sản xuất 11,1 triệu thùng/ngày, tăng 400.000 thùng so với tháng 8. Ngay sau quyết định của OPEC, giá dầu mỏ trên thế giới đã tăng 6%. Ngày 28.9, chốt phiên trên sàn giao dịch London (Anh), giá dầu Brent Biển Bắc tăng 2,72USD (5,9%) lên 48,69USD/thùng. Trên sàn giao dịch New York (Mỹ), giá dầu thô ngọt nhẹ WTI tăng 5,3%, lên 47,05 USD/thùng. Tại sàn giao dịch trên thị trường châu Á, giá dầu thô ngọt nhẹ tăng lên 47USD/thùng.

Theo hãng tin kinh doanh - tài chính Bloomberg, giá dầu tăng sau động thái bất ngờ của OPEC làm cho ngành công nghiệp năng lượng khởi sắc. Bên cạnh đó là triển vọng đối với các nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu dầu mỏ, các công ty khai thác dầu sau một thời gian lao đao vì giá dầu giảm sâu. Như giá trị cổ phiếu của Exxon Mobil, tập đoàn dầu mỏ lớn nhất thế giới vừa tăng lên 4,4%, mức cao nhất kể từ đầu năm nay. Ngược lại, người tiêu dùng, các nền kinh tế nhập khẩu dầu nhiều như châu Á sẽ gặp khó khăn. IEA dự báo, nhu cầu nhập khẩu dầu của châu Á có thể tăng trong năm tới trong lúc giá dầu thô thế giới hồi phục, chi phí cho hoạt động nhập khẩu của châu lục này sẽ tăng hàng trăm tỷ USD.

QUỐC HƯNG

QUỐC HƯNG