Khắc phục hậu quả mưa bão

CÔNG TÚ 30/09/2016 08:59

Cơn bão số 4 vào giữa tháng 9 vừa qua đã gây sạt lở trên một số tuyến giao thông trọng điểm tại Đông Giang. Địa phương đã, đang chỉ đạo ngành chức năng sửa chữa khẩn cấp và có giải pháp khắc phục lâu dài.

Nhiều điểm sạt lở

Có chiều dài khoảng 22km, ĐH12.ĐG là tuyến huyện lộ (ĐH) bắt đầu từ xã Za Hung đi đến địa bàn xã Jơ Ngây, giáp quốc lộ 14G. Khi triển khai xây dựng, do kinh phí đầu tư hạn hẹp nên việc kè kiên cố mái taluy dương không thể tiến hành đồng bộ. Chính vì vậy, mỗi lần có mưa to kéo dài, nhất là vào mùa mưa bão, làm sạt lở đất đá, cây cối từ trên đồi cao xuống lòng đường gây cản trở lưu thông. Vừa qua, tại nơi giao nhau quốc lộ 14G, chúng tôi lưu thông vào cuối tuyến ĐH12.ĐG về hướng Za Hung. Vừa đến km20+300, hàng chục mét khối đất, đá, cây keo, bụi rậm từ trên đồi cao bị dòng nước chảy mạnh, đổ liên tục nhiều giờ liền kéo sụp xuống lấp hết nửa bề rộng lòng đường. Mặt đường láng nhựa phía lề bên phải tuyến bị xói lở một đoạn dài khoảng gần 10m. Tiếp tục vào km19+750, lượng đất đá sạt lở ôm trọn cả bề rộng 7m, kéo dài 35m với tổng khối lượng lên tới 2.205m3. Nắng lên cao, đất sụt đã khô ráo hơn, do đó người dân có thể chạy xe máy, dù rất khó khăn. Tuy nhiên, một tài xế điều khiển ô tô 4 chỗ đành phải quay trở lại quốc lộ 14G, vòng qua đường Hồ Chí Minh để vào Za Hung.

Xe máy lưu thông khó khăn qua vị trí sạt lở tại km19+750, tuyến ĐH12.ở huyện Đông Giang. Ảnh: C.T
Xe máy lưu thông khó khăn qua vị trí sạt lở tại km19+750, tuyến ĐH12.ở huyện Đông Giang. Ảnh: C.T

Cơn bão số 4 vừa tan, lãnh đạo Phòng Kinh tế và hạ tầng huyện Đông Giang cử các cán bộ tiến hành kiểm tra, nắm bắt tình hình thiệt hại của các tuyến giao thông. Thống kê cho thấy, ĐH12.ĐG bị ảnh hưởng nhiều nhất với tổng cộng 9 điểm bị sạt lở nặng, có khối lượng khoảng 4.905m3. Các tuyến ĐH15.ĐG (Prao - Ka Đắp), A Duông 2 (Prao) cũng bị sạt lở taluy dương, đất lấp rãnh dọc. Nền đường quanh cống thoát nước tại lý trình km1+900, tuyến ĐH1.ĐG (xã Ba - xã Tư), đoạn qua địa bàn thôn 6 của xã Ba bị cuốn trôi, khiến lưu thông bị ách tắc. Ông Trần Duy Hừng, một người dân địa phương cho hay, nước chảy từ suối Sên, núi Chúa đổ về khu vực thôn 6 với lưu lượng lớn và mạnh. Trong lúc cống thoát qua đường có khẩu độ quá nhỏ, nước thoát không kịp làm xói lở nền mặt gây ách tắc giao thông. Trước sự cố trên, địa phương phải đặt biển cảnh báo, cắt cử lực lượng canh gác không cho người và phương tiện đi qua nhằm đảm bảo an toàn. Ngành chức năng liên hệ Hạt quản lý đường bộ quốc lộ 14G để đổ cát lấp, tạm thời khắc phục sự cố. Một cán bộ Phòng Kinh tế và hạ tầng huyện cho biết, tổng thiệt hại mà mưa bão gây ra cho các tuyến giao thông trên địa bàn khoảng 1,5 tỷ đồng.

Nhiều phương án khắc phục

“Nhận được báo cáo của Phòng Kinh tế và hạ tầng Đông Giang, lãnh đạo UBND huyện giao cho chúng tôi chủ trì, phối hợp với Phòng Tài chính - kế hoạch và các xã, thị trấn liên quan tiến hành kiểm tra khối lượng, lập dự toán kinh phí và xác định nguồn vốn triển khai sửa chữa. UBND huyện giao cho Phòng Tài chính - kế hoạch phối hợp cùng ngành chức năng tham mưu bố trí nguồn lực khắc phục, đồng thời tổng hợp nhu cầu kinh phí trình ký duyệt để gửi UBND tỉnh kiến nghị giải quyết” - ông Nguyễn Tấn Tuân - Trưởng phòng Kinh tế và hạ tầng Đông Giang cho hay. Trước mắt, ngành chức năng của huyện đã đề nghị doanh nghiệp hỗ trợ phương tiện, thiết bị tập trung hốt toàn bộ đất, đá sạt lở làm ách tắc nhằm thông tuyến đảm bảo giao thông. Chi phí cho khâu khắc phục trên sẽ chi trả sau khi nguồn vốn được bố trí. Về lâu dài, địa phương phải tiến hành khảo sát các điểm có nguy cơ sạt lở. Từ đó, thiết kế xây dựng các công trình mang tính kiên cố, như kè rọ đá, xây tường chắn, xây dựng hệ thống thoát nước, trồng cỏ chống xói lở. Cống tròn tại lý trình km1+900, tuyến ĐH1.ĐG sẽ được thay bằng cống hộp chắc chắn và có khẩu độ rộng hơn.

Ông Nguyễn Tấn Tuân thông tin thêm, Phòng Kinh tế và hạ tầng huyện vừa kiểm tra tình hình thiệt hại tại trụ sở làm việc Đài Truyền thanh - truyền hình Đông Giang. Thực tế cho thấy, cơn bão số 4 kèm mưa to đã làm hư hỏng phần mái nhà lợp bằng tấm sinh thái onduline với diện tích 188,4m2. Nhiều chỗ bị thủng lỗ lớn, nên nước mưa chảy vào và phá hủy toàn bộ trần thạnh cao với diện tích 71,22m2. Để không gây ảnh hưởng nặng thêm đến các trang thiết bị và máy móc chuyên dụng, làm gián đoạn thông tin tuyên truyền trên địa bàn, ngành chức năng đề xuất cần thay toàn bộ tấm lợp bằng tôn kẽm mạ màu; sơn lại phần tường bị nấm mốc, bỏ trần thạch cao. Kinh phí dự kiến khắc phục khoảng 300 triệu đồng.

CÔNG TÚ

CÔNG TÚ