"Mỏ vàng" quảng cáo từ một cuộc tranh luận
Sau cuộc tranh luận “nảy lửa” đầu tiên trên truyền hình giữa hai ứng cử viên tổng thống Mỹ, nguồn doanh thu quảng cáo từ đây cũng bắt đầu được chú ý.
Cuộc tranh luận giữa bà Hillary Clinton và ông Donald Trump vào sáng 27.8 (theo giờ Việt Nam) thu hút được 84 triệu người theo dõi trực tiếp trên 13 kênh truyền hình lớn tại Mỹ. Con số này phá vỡ kỷ lục được thiết lập vào 36 năm trước trong cuộc tranh luận giữa hai ứng viên Jimmy Carter và Ronald Reagan, khoảng 80,6 triệu người. Đó là chưa kể hàng triệu người trên thế giới theo dõi cuộc tranh luận qua các kênh khác từ ứng dụng công nghệ như điện thoại thông minh, máy tính… Phản ứng dư luận sau cuộc tranh luận qua các cuộc thăm dò với kết quả không giống nhau. Như hãng tin CNN công bố, có tới 62% người được hỏi cho rằng bà Hillary giành chiến thắng trước đối thủ trong cuộc tranh luận bởi tỷ lệ này giành cho ông Trump chỉ là 27%. Còn thống kê nhanh của nhóm truyền thông Twitter cho thấy tỷ lệ các bài viết nhắc đến chiến thắng của ông Trump là 62%, còn bà Clinton là 38%.
Các cuộc tranh luận của ứng viên tổng thống Mỹ như cỗ máy “đẻ ra tiền” cho các kênh truyền hình. Ảnh: inusanews |
Ở một khía cạnh khác, nhiều người quan tâm đến “mỏ vàng” quảng cáo sau cuộc tranh luận. Theo tờ Washington Post, nhiều nhà quảng cáo đổ xô vào cuộc tranh luận của Hillary Clinton và Donald Trump. Theo lịch trình, hai ứng cử viên này phải tham gia qua 3 vòng tranh luận cho đến trước ngày bỏ phiếu ấn định tên tuổi của người đứng đầu Nhà Trắng vào ngày 8.11 tới đây. Vì cuộc tranh luận kéo dài khoảng 90 phút, không có thời gian nghỉ, nên chi phí cho các suất quảng cáo trước và sau cuộc tranh luận được coi là “giờ vàng” quảng cáo. Ngoài các kênh truyền hình tên tuổi tham gia phát sóng trực tiếp như ABC, CBS, CNN, FOX, NBC và MSNBC…, các trang mạng xã hội cũng khai thác triệt để doanh thu quảng cáo nhờ vào đông đảo số người theo dõi phiên tranh luận của các ứng cử viên cho chiếc ghế quyền lực bậc nhất thế giới.
Công ty nghiên cứu thị trường toàn cầu Nielsen tiết lộ, cứ một suất quảng cáo có thời lượng 30 giây trên truyền hình, một doanh nghiệp phải chi số tiền lên tới 250.000 - 300.000 USD (tương đương 5,5 - 6,6 tỷ đồng). Thế nhưng, không phải doanh nghiệp nào cũng có cơ hội được ở giờ vàng như thế. Vào sáng sớm 27.9, hãng Fox News thông báo thời lượng dành cho quảng cáo trước và sau cuộc tranh luận một giờ đã được lấp đầy, chủ yếu là từ các doanh nghiệp dịch vụ - tài chính, ô tô, điện ảnh. Một số kênh khác cũng cho biết đã bán hết hoặc gần hết các suất quảng cáo cho cả ba cuộc tranh luận giữa hai ứng cử viên tổng thống. Quảng cáo của hãng ô tô Audi bao gồm cảnh một nam một nữ đứng giữa hình ảnh liên quan đến cuộc tranh luận với câu quảng cáo đầy ẩn ý “Choose the next driver wisely” (tạm dịch: Hãy khôn ngoan lựa chọn người tài xế tiếp theo).
Số người theo dõi cuộc tranh luận lần thứ nhất rất lớn chỉ sau số khán giả theo dõi truyền hình trực tiếp giải Super Bowl (hay còn gọi là Siêu cúp Bóng bầu dục Mỹ của Liên đoàn Bóng bầu dục Quốc gia) vào năm 2015 giữa hai đội New England và Seattle. Thậm chí, nhiều người còn ví cuộc tranh luận lần này được xem như giải Super Bowl dành cho chính trị. Paul Rittenberg, điều hành mảng kinh doanh quảng cáo của kênh Fox News gọi cuộc tranh luận là “đêm doanh thu nhiều triệu USD” cho việc phát trực tiếp. Đó là chưa kể hàng chục triệu USD mà hai ứng viên tổng thống Mỹ năm 2016 quảng bá hình ảnh của mình trong các chiến dịch thông qua truyền hình.
NAM VIỆT