Trăn trở với ngôi trường di tích
Trải hơn một thế kỷ tồn tại cùng nhiều dấu ấn đậm nét, Trường Tiểu học An Phước (xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang, TP.Đà Nẵng) đang xuống cấp nghiêm trọng.
Hầu hết phòng học đều bị nứt nẻ, ẩm thấp nghiêm trọng. Ảnh: Q.TUẤN |
Truyền thống tự hào
Ra đời vào năm 1908, ban đầu trường có tên là Cẩm Toại (thuộc làng Cẩm Toại, tổng An Phước, huyện Đại Lộc) và chỉ dạy chữ Quốc ngữ chứ không dạy chữ Nho như nhiều ngôi trường khác trên địa bàn lúc bấy giờ. Người có công lớn nhất lập trường là ông Nghè Lâm Quang Thự, từng làm Thừa phái các tỉnh Quảng Bình, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên. Do ra đời cùng thời gian phong trào Duy tân đang hoạt động mạnh nên nhiều lần ngôi trường bị kiểm tra nghiêm ngặt. Phải nhờ vào tài ứng xử khéo léo của ông Ấm Sáu, con trai cụ Đỗ Thúc Tịnh thì trường Cẩm Toại mới không bị đóng cửa. Đến năm 1926, trường được công nhận thuộc hệ thống công lập với tên gọi École Cantonale d’An Phước.
Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp và Mỹ, do nằm trong địa bàn giao tranh khốc liệt, Trường Tiểu học An Phước nhiều lần phải sơ tán và tổ chức các lớp dạy phân tán tại các làng bị tạm chiếm như Bồ Đàn, Đường Lâm… Nhiều cựu học sinh của trường được dạy dỗ, truyền cảm lòng yêu nước nồng nàn đã đứng lên theo tiếng gọi của Tổ quốc chống lại giặc ngoại xâm. Kết thúc chiến tranh, có hơn 600 liệt sĩ, người con ưu tú từng học tập dưới mái trường này đã ngã xuống vì độc lập dân tộc.
Trong thời bình, trường tiếp tục là “cái nôi” đào tạo nhân tài cho Quảng Nam - Đà Nẵng và khắp cả nước. Từ đây, đã có hàng trăm cán bộ cao cấp, trung cấp và khoảng 20 giáo sư, tiến sĩ khoa học nổi tiếng xuất thân là học sinh của trường. Năm 2008, trong dịp kỷ niệm 100 thành lập, Trường Tiểu học An Phước đã nhận được bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; đồng thời địa danh này cũng được công nhận là Di tích văn hóa cấp thành phố. Nhắc về điểm sáng giáo dục của trường, người dân địa phương hay có câu ca truyền lại: “Quê mình có chợ Túy Loan/ Có trường An Phước tiếng vang một thời”.
Cũ kỹ và xuống cấp
Hiện nay, Trường Tiểu học An Phước có hai cơ sở trực thuộc được xây mới, riêng cơ sở chính xây dựng vào năm 1985 đã xuống cấp theo thời gian. Dãy nhà chính giữa bao gồm nhiều phòng học, phòng họp, phòng hiệu trưởng… phần lớn đều ẩm thấp, tường bị nứt nẻ trong khi phông trần nhà bằng gỗ bị nứt toác. Tay vịn cầu thang lên xuống cũng làm bằng gỗ khá mỏng manh rất nguy hiểm với các em học sinh ở bậc tiểu học. Cô Đinh Thị Dễ - Hiệu trưởng Trường Tiểu học An Phước cho biết: “Đều đặn vài năm một lần trường đều xin kinh phí để tu sửa lại nhưng cũng chỉ là “vá víu” tạm thời. Trong các cuộc họp HĐND, tiếp xúc cử tri gần đây tôi cũng đã có nêu ra vấn đề này và được chính quyền cam kết sẽ giải quyết sớm”.
Ngoài ra, từ nhiều năm nay sau khi cơ quan chức năng tiến hành nâng cấp tuyến quốc lộ 14B thì trường bị thấp hơn so với mặt đường 4 đến 5 mét. Tình trạng này khiến sân trường thường xuyên bị ngập úng vào mùa mưa dù đã lắp hai hệ thống cống thoát nước dẫn đến các em nhỏ phải lội bì bõm để vào các phòng học. Nhiều cây xanh, vườn thuốc nam, vườn hoa trong trường thường xuyên bị ngập úng; các phòng học, bàn ghế ở tầng dưới bị mối mọt, ẩm mốc. Theo ông Nguyễn Văn Quý - Phó phòng GD-ĐT huyện Hòa Vang, từ năm 2011, nhà trường đã có đề xuất xin được mở rộng khuôn viên do thiếu hụt phần đất bị giải tỏa và đề xuất xây dựng giải pháp chống ngập. Tuy vậy, đó chỉ là giải pháp tình thế và đã tiếp tục bộc lộ sự hạn chế qua thời gian.
Vào tháng 6.2016, ban lãnh đạo nhà trường đã có tờ trình xin nới rộng diện tích đất và xây mới Trường Tiểu học An Phước. Đáng ra, sự việc này đã được đề cập sớm hơn tuy nhiên do địa phương tập trung kinh phí để xây dựng mới các Trường Tiểu học Trần Quốc Tuấn, Lâm Quang Thự và Trường Mầm non Hòa Phong để đạt chuẩn quốc gia về xã nông thôn mới nên bị hoãn lại. Ông Đặng Thương - Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang cho biết, Trường Tiểu học An Phước là cơ sở giáo dục danh tiếng, là niềm tự hào của địa phương nên chính quyền hết sức trăn trở với tình trạng của ngôi trường. Lãnh đạo huyện hy vọng thành phố Đà Nẵng sớm đẩy nhanh kế hoạch mở rộng, xây dựng trường.
QUỐC TUẤN