Đưa tuồng xuống phố: Mưa dầm thấm lâu
Thời gian qua, thực hiện chỉ đạo của UBND TP.Đà Nẵng, Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh đã có nhiều chương trình diễn tuồng ngoài trời để quảng bá rộng rãi hơn loại hình nghệ thuật có tính hàn lâm và bác học này.
Một trích đoạn tuồng được biểu diễn trong chương trình.Ảnh: QUỐC TUẤN |
“Mềm” hóa sân khấu
Cứ đều đặn vào tối Chủ nhật hàng tuần, nghệ sĩ Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh lại đưa các tác phẩm nghệ thuật ra trình diễn luân phiên tại hai bờ cầu sông Hàn. Trước đây đã có nhiều ý kiến trái chiều về hoạt động này và cho rằng đó chỉ là giải pháp tình thế để người dân làm quen và quảng bá chứ không thể là định hướng phát triển lâu dài. Tuy nhiên, trong thời điểm hiện tại, có thể nói đây là cách hiệu quả và nhanh nhất để đưa tuồng đến công chúng. Cũng vì tôn chỉ này mà ban tổ chức đã chèn thêm một số hoạt động phụ trợ nhằm lôi kéo sự hưởng ứng của công chúng bên cạnh trình diễn tuồng như cho thuê trang phục cổ để người dân và du khách chụp hình lưu niệm, biểu diễn trích đoạn “Lân mẫu xuất lân nhi” để thu hút sự tò mò của trẻ em.
Trong khoảng 2 giờ đồng hồ biểu diễn, các nghệ sĩ của Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh đã khéo léo đan xen các tiết mục trích đoạn tuồng có tính trào phúng thâm thúy về những vấn đề tiêu cực trong xã hội đem lại tiếng cười cho khán giả. Bên cạnh đó, những tác phẩm trích đoạn về hào khí người Việt, về những tấm gương bất khuất của dân tộc cũng được tái hiện một cách sinh động vừa không gây nhàm chán cho công chúng vừa có tính giáo dục rất cao. Theo Nghệ sĩ ưu tú Trần Ngọc Tuấn - Giám đốc Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh, đưa tuồng xuống phố mục đích cao nhất vẫn là lôi kéo khán giả nên phải giới hạn lại tính bác học, cấu trúc của trích đoạn tuồng. Hy vọng, dần dần tuồng sẽ thấm sâu một cách tự nhiên vào khán giả để rồi tự họ tìm cách tiếp cận với loại hình nghệ thuật mang tính hàn lâm này.
Chương trình có nhiều hoạt động phụ trợ để thu hút sự chú ý của công chúng. |
Một nét độc đáo được ghi nhận trong chương trình đưa tuồng xuống phố đêm Chủ nhật vừa qua là sân khấu đã có sự tương tác với chính khán giả. Vốn là một người cực kỳ đam mê tuồng và đã theo sát loại hình nghệ thuật này suốt nhiều thập kỷ qua, cụ bà Võ Thị Nại (82 tuổi) đã tự mình đề đạt với ban tổ chức được biểu diễn trích đoạn tiết mục “Thúy Quỳnh hạ sơn”. Tuy không phải là một nghệ sĩ chuyên nghiệp và phần biểu diễn cũng chưa thể hoàn hảo nhưng đây chính là điểm nhấn để tạo sự ấn tượng trong lòng công chúng.
Phản hồi tích cực
Nhờ sự tuyên truyền quảng bá rộng rãi cộng với việc chọn địa điểm phù hợp là hai bờ cầu sông Hàn - nơi tập trung đông người vào ban đêm, nên ngay từ đầu giờ biểu diễn, khu vực quanh sân khấu đã đông kín bóng người. Ước tính, có khoảng gần 300 khán giả, trong đó bất ngờ là có rất nhiều người trẻ thậm chí là trẻ em say sưa cảm nhận loại hình nghệ thuật hàn lâm này. Chị Đàm Thị Hà (trú quận Ngũ Hành Sơn, TP.Đà Nẵng) chia sẻ: “Lúc đầu tôi cũng chỉ định dẫn con nhỏ đi dạo cuối tuần sau bé thấy chương trình lạ, trang phục rực rỡ thì nằng nặc đòi lại xem. Hai mẹ con đã ngồi xem 4 tiết mục và cảm thấy rất thú vị chứ không khô khan như trong mường tượng về loại hình nghệ thuật này”.
Do thời điểm trình diễn vào tối Chủ nhật vừa qua trùng với thời gian diễn ra Đại hội Thể thao bãi biển châu Á lần thứ 5 nên chương trình thu hút được thêm nhiều du khách và các vận động viên đến từ đại hội. Không ít khán giả đều chung nhận định rằng, họ thích và sẵn sàng bỏ tiền để xem các trích đoạn tuồng mang tính trào phúng cao, bởi tại đó phảng phất hơi thở của cuộc sống thường nhật một cách tinh tế. Trước mắt, chương trình đưa tuồng xuống phố vẫn sẽ được duy trì đều đặn để tìm đường “ghi điểm” trong mắt công chúng và những sự phản hồi tích cực chính là món quà tinh thần để các nghệ sĩ thêm tâm huyết với các trích đoạn biểu diễn của mình.
QUỐC TUẤN