An toàn giao thông 9 tháng: Tái diễn phức tạp

CÔNG TÚ 27/09/2016 08:34

Trật tự an toàn giao thông (ATGT) đang tái diễn phức tạp, số người tử vong tăng. Hệ lụy trên vì nhiều nguyên nhân, với không ít tồn tại dai dẳng là nguy cơ tiềm ẩn gây tai nạn nhói lòng.

Bệnh cũ

Thống kê 9 tháng vừa qua, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 195 vụ TNGT khiến cho 135 người bị chết và làm bị thương 141 người. So với cùng kỳ năm 2015, số vụ tuy giảm 8 (giảm 3,9%) và giảm 35 người bị thương (giảm 19,9%), song lại tăng 5 người chết (tăng 3,8%). Các vụ nghiêm trọng hoàn toàn xảy ra trên đường bộ (chiếm 185 vụ, 124 người chết) và đường sắt (10 vụ, làm chết 11 người). Phân tích của ngành chức năng cho thấy, các tuyến quốc lộ qua địa bàn tỉnh xảy ra 80 vụ TNGT (chiếm 34,2%); tỉnh lộ xảy ra 48 vụ (chiếm 26%), đường nội thị tương tự như giao thông nông thôn cùng xảy ra 25 vụ. Chỉ riêng đường sắt, so với cùng kỳ năm trước, TNGT 9 tháng đầu năm 2016 tăng đến 9 vụ (tăng 900%), tăng 10 người chết (tăng 1.000%) và tăng 4 người bị thương.

Nhiều đoạn trên quốc lộ 1 không có làn đường dành cho xe thô sơ và người đi bộ. Ảnh: C.T
Nhiều đoạn trên quốc lộ 1 không có làn đường dành cho xe thô sơ và người đi bộ. Ảnh: C.T

Lý giải vì sao số TNGT lại tăng giảm thất thường, theo Chánh Văn phòng Ban ATGT - ông Trương Khuê, chủ yếu do một bộ phận người điều khiển phương tiện ý thức kém, không tôn trọng Luật Giao thông đường bộ, đi không đúng phần đường, làn đường, sử dụng bia rượu khi điều khiển xe, chạy quá tốc độ cho phép, phóng nhanh vượt ẩu, vượt đèn đỏ, không chú ý quan sát khi đi qua đường sắt. Trong lúc lưu lượng phương tiện lưu thông quá nhiều, mật độ quá lớn. “Gần đây, mật độ xe tăng nhanh là nguyên nhân làm rối loạn, giảm độ an toàn và tính ổn định của hệ thống giao thông. Theo thống kê, 9 tháng đầu năm 2016, tỉnh đang quản lý 756.039 mô tô và 28.684 ô tô. Tính ra, trung bình mỗi tháng có gần 5.000 mô tô được đăng ký mới. Tỷ lệ TNGT liên quan tới mô tô chiếm từ 54,6%; ô tô chiếm 36,8% tổng số vụ” - ông Trương Khuê phân tích.

Theo Ban ATGT tỉnh, kết cấu hạ tầng còn bất cập, chưa đáp ứng nhu cầu phát triển của phương tiện cơ giới đường bộ. Đơn cử, quốc lộ 1 được nâng cấp và mở rộng; nhưng một số đoạn tuyến không có làn đường cho người đi bộ và xe thô sơ. Thế nên, xe thô sơ phải đi vào làn đường của xe cơ giới hoặc không có phần đường để tránh các phương tiện cơ giới. Thực trạng ấy dẫn đến nhiều vụ TNGT nghiêm trọng, đặc biệt là đoạn qua Thăng Bình. Ngoài ra, quan niệm về nhiệm vụ đảm bảo trật tự ATGT đương nhiên thuộc về công an và giao thông vận tải (GTVT) còn khá phổ biến nên nhiều vi phạm chưa được xử lý triệt để ở cơ sở. Đường ngang dân sinh (mở trái phép) giao với đường sắt có 34 vị trí nguy hiểm, trở thành 34 “điểm đen” cố định có thể gây hậu quả nghiêm trọng bất kỳ lúc nào.

Tìm giải pháp    

Để hạn chế thực trạng trên, Giám đốc Sở GTVT Nguyễn Văn Nhân - Phó Trưởng ban Thường trực Ban ATGT tỉnh cho rằng, cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở cần phải vào cuộc đồng bộ và có trách nhiệm. Riêng cơ quan thành viên, lãnh đạo UBND, Ban ATGT tỉnh yêu cầu ngành GTVT tiếp tục các biện pháp siết chặt quản lý hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng ô tô; chỉ đạo lực lượng thanh tra phối hợp với Cảnh sát giao thông Công an tỉnh duy trì hoạt động thường xuyên liên tục trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động, các tổ liên ngành. Ngành chức năng phối hợp để hiện thực hóa Quyết định 994/QĐ-TTg ngày 19.6.2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kế hoạch lập lại trật tự hành lang ATGT đường bộ, đường sắt đến năm 2020.

Thường trực trên các tuyến giao thông, lực lượng công an đóng vai trò rất quan trọng trong điều chỉnh hành vi của người dân thông qua quá trình tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm. Ban ATGT tỉnh đề nghị Công an tỉnh chỉ đạo cảnh sát giao thông, công an các địa phương phối hợp với công an xã, chính quyền cơ sở tập trung “điều chỉnh” đường liên huyện, liên xã, liên thôn; có biện pháp quản lý tuyên truyền, giáo dục và đưa ra kiểm điểm trước dân đối với các đối tượng cá biệt thường xuyên vi phạm. Chủ trì phối hợp với các ngành chức năng và địa phương thực hiện quyết liệt Kế hoạch số 93/KH-ATGT ngày 16.6.2016 về tuyên truyền vận động và xử lý vi phạm quy định về nồng độ cồn. Huy động tối đa các lực lượng cảnh sát xử lý hành vi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến TNGT. Ông Nguyễn Văn Nhân còn cho biết: “Chúng tôi đề nghị Ủy ban ATGT quốc gia nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định thay thế Quyết định số 57/2011/QĐ-TTg ngày 18.10.2011 để phù hợp với thực tiễn về đảm bảo trật tự ATGT. Cạnh đó, Bộ Tài chính xem xét sửa đổi các Thông tư số 137 và số 199, theo hướng  100% tiền thu xử phạt ATGT giao cho địa phương để chủ động thực hiện các chương trình, kế hoạch về ATGT. Bộ GTVT sớm đầu tư lắp đặt đèn tín hiệu tại các vị trí giao cắt trên quốc lộ 1. Mặc dù lãnh đạo ngành đã kết luận gần 1 năm qua, nhưng đến nay chưa triển khai, đã xuất hiện thêm nhiều vụ gây thương vong đau lòng tại các vị trí này”.

CÔNG TÚ

CÔNG TÚ