Đảm bảo an toàn đập thủy điện: Nhiệm vụ sống còn
Những sự cố từ các nhà máy thủy điện thời gian qua để lại nhiều “dư chấn” và làm lộ ra những lỗ hổng trong quản lý, vận hành và công tác đảm bảo an toàn hồ đập thủy điện. Câu chuyện an toàn đập thủy điện nhiều lần đã được xới lên, thu hút sự quan tâm của xã hội, bởi chỉ cần sơ suất nhỏ xảy ra cũng đủ đe dọa tính mạng người dân. Sau sự cố thủy điện Sông Bung 2, vấn đề bất cập trong cơ chế vận hành các đập thủy điện, quy trình giám sát, thi công các hạng mục nhà máy và vai trò của chủ đầu tư, cơ quan quản lý, chính quyền địa phương các cấp cần được làm rõ để tránh tình trạng vòng vo trách nhiệm.
Sự cố vỡ van hầm dẫn dòng thủy điện Sông Bung 2 một lần nữa báo động về an toàn thủy điện. |
BỎ NGỎ GIÁM SÁT AN TOÀN ĐẬP
Đã có sự tranh cãi qua lại giữa chủ đầu tư nhà máy thủy điện với cơ quan quản lý cấp địa phương chung quanh việc “đốt cháy giai đoạn” tích nước của Nhà máy thủy điện Sông Bung 2. Lỗ hổng nằm ở chỗ, các ngành chức năng gần như đánh mất vai trò kiểm tra, giám sát các hạng mục thi công kỹ thuật, tích và xả nước, để các nhà máy tùy tiện phá vỡ các nguyên tắc mang tính bắt buộc trong xây dựng nhằm có thể thu lợi một cách nhanh nhất.
“Tùy hứng” nâng cấp
42 dự án thủy điện được duyệt Theo thống kê của Sở Công thương, quy hoạch thủy điện tỉnh Quảng Nam gồm 42 dự án đã được phê duyệt, gồm 10 dự án thủy điện bậc thang do Bộ Công thương phê duyệt với tổng công suất 1.156MW và 32 dự án thủy điện vừa và nhỏ do UBND tỉnh phê duyệt với tổng công suất 450,76MW. Trong số 10 dự án thủy điện bậc thang hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn, có 7 công trình đã phát điện bao gồm A Vương (210MW), Sông Côn 2 (63MW), Sông Tranh 2 (190MW), Ðắk Mi 4 (190MW), Sông Bung 5 (57MW), Sông Bung 6 (29MW) và Sông Bung 4 (156MW) và 3 công trình đang xây dựng trong đó có thủy điện Sông Bung 2 (100MW), Đắk Mi 2 (98MW), Đắk Mi 3 (63MW). Ngoài ra còn có 10 công trình quy mô vừa và nhỏ đang phát điện, 6 công trình đang thực hiện đầu tư và 16 dự án đang rà soát, chưa triển khai. |
Sự cố vỡ van hầm dẫn dòng tại Nhà máy thủy điện Sông Bung 2 (Nam Giang) vừa qua lại một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng mất an toàn ở các hồ thủy điện hiện nay. Còn nhớ, năm 2012, tại Nhà máy thủy điện Sông Tranh 2 đã xuất hiện rò rỉ nước thấm qua khe nhiệt thân đập. Trước đó, tháng 12.2010, Nhà máy thủy điện Sông Côn 2 (Đông Giang) tùy tiện nâng cao trình đập thêm 1m để tích nước mà không tính đến báo cáo đánh giá tác động môi trường và an toàn hồ đập, để mỗi năm thu lợi thêm 10 tỷ đồng. Sau đó hàng chục hộ dân đâm đơn kiện chủ đầu tư vì mực nước hồ dâng cao gây thiệt hại hoa màu, làm mất đất sản xuất. Gần đây, giữa tháng 3.2016, dù chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp phép, nhưng Nhà máy thủy điện Za Hung (Đông Giang) vẫn tự ý nâng cao bờ tràn đập gần 1m để tích nước giữa lúc hạ du đang vật vã chống hạn. Trở lại với thủy điện Sông Bung 2, theo ông Ngô Việt Hải - Tổng Giám đốc Công ty Phát điện 2 (chủ đầu tư Nhà máy thủy điện Sông Bung 2), vỡ hầm dẫn dòng nhà máy thủy điện là sự cố “rất đáng tiếc” vì đã gây thiệt hại nặng về nhân mạng. Theo kế hoạch, tháng 11.2016, thủy điện Sông Bung 2 sẽ tiến hành phát điện. Vào lúc xảy ra sự cố vào chiều 13.9, mực nước hồ thủy điện thấp hơn mức bình thường 33m, nhà máy cũng chỉ mới tích nước được hơn 10 ngày. Theo nhiều chuyên gia thủy điện, lượng nước trong hồ lúc này chưa quá lớn, sự cố xảy ra cho thấy nhiều vấn đề bất cập trong thi công công trình. Nhận định ban đầu là do lỗi kỹ thuật thi công.
Chiều 19.9, đại diện Sở Công thương tỉnh khẳng định, Nhà máy thủy điện Sông Bung 2 tích nước trái quy trình. Viện dẫn công văn về việc đồng ý chủ trương cho thủy điện Sông Bung 2 tích nước của UBND tỉnh, ông Nguyễn Quang Thử - Giám đốc Sở Công thương cho rằng, trước khi tích nước chủ đầu tư phải báo cáo cụ thể thời gian tích nước, đồng thời phải có chứng nhận an toàn đập theo yêu cầu. “Chúng tôi hoàn toàn bất ngờ về việc thủy điện Sông Bung 2 tích nước, chỉ phát hiện khi sự cố xảy ra. Về nguyên tắc, thủy điện phải báo cáo lại cho Sở Công thương để đơn vị kiểm tra lại tất cả quy trình, thủ tục nghiệm thu đã đảm bảo theo quy định chưa, rồi mới được tích nước. Làm như vậy là chưa đúng thủ tục” - ông Thử nói. Còn ông Ngô Việt Hải quả quyết, chủ đầu tư đã làm đúng quy trình theo Nghị định 15 về quản lý chất lượng công trình xây dựng của Chính phủ. Đồng thời các điều kiện mà UBND tỉnh viện dẫn theo tham mưu của Sở TN-MT là không phù hợp, do chiếu theo quy định của Nghị định 209 năm 2004 vốn đã được thay thế bằng Nghị định 15. “Quy định phải có chứng nhận an toàn đập không thiết thực nên đã được vô hiệu hóa trong Nghị định 15. Thực tế ở Việt Nam không có tổ chức nào để kiểm định, đánh giá và khẳng định an toàn đập nên bắt buộc chủ đầu tư phải chứng nhận là không hợp lý” - ông Hải nói. Sở TN-MT sau đó đã thừa nhận chưa cập nhật kịp thời, dẫn đến viện dẫn quy định chưa chính xác(!).
Ông Huỳnh Khánh Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nêu bất cập, các thủy điện làm trên địa bàn tỉnh nhưng mọi khâu từ khảo sát, phê duyệt, quyết định đầu tư cho đến nghiệm thu… tỉnh không hề được tham gia mà chỉ có trách nhiệm trong việc đền bù, giải phóng mặt bằng cho chủ đầu tư. Nhà máy thủy điện Sông Bung 2 do Bộ Công thương cấp phép và quản lý nên trách nhiệm thuộc về Tập đoàn Điện lực Việt Nam, tuy nhiên, “hậu họa” lại chính người dân địa phương phải gánh chịu!
Yếu năng lực đánh giá
Lần lượt các thủy điện Sông Tranh 2, Sông Bung 2, Sông Côn 2... ở giai đoạn vận hành thử hoặc vừa đi vào hoạt động đã xảy ra sự cố - được nhiều chuyên gia cảnh báo là “rất nghiêm trọng” và có thể đe dọa đến một vùng rộng lớn ở hạ du - đồng thời đã bộc lộ lỗ hổng về an toàn đập. Còn nhớ, năm 2014, thủy điện Đắk Mi 4 bị xử lý do không xây dựng phương án đối phó với tình huống vỡ đập và các tình huống đe dọa nghiêm trọng đến an toàn công trình, chưa thực hiện đầy đủ quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn. Nhiều sai phạm trong thi công, vận hành của các thủy điện chưa được phát hiện, xử lý triệt để. Trao đổi với Báo Quảng Nam, ông Nguyễn Quang Thử - Giám đốc Sở Công thương cho biết, theo quy định, UBND tỉnh điều tiết vận hành cụ thể hoạt động các hồ chứa này. Hàng năm, Sở Công thương chủ trì, tổ chức đoàn liên ngành để kiểm tra, đánh giá hoạt động của các thủy điện, nhưng chủ yếu về mặt thủ tục và… bằng mắt thường. Việc nghiệm thu các công trình do chủ đầu tư thành lập hội đồng nghiệm thu. Ngay đến sự cố ở đập thủy điện Sông Bung 2 vừa qua, chỉ có Bộ Công thương chủ trì các đơn vị tìm hiểu nguyên nhân vụ việc, sở chỉ tham gia kiểm tra một số quy trình thủ tục của chủ đầu tư. “Sở Công thương chỉ kiểm tra về cái chung, không thể can thiệp sâu, cũng không có con người để có thể quản lý đánh giá chất lượng, an toàn công trình được” - ông Thử nhìn nhận thực tế.
Hiện tại, vẫn chưa có bất kỳ một đánh giá toàn diện nào về quy trình vận hành của các công trình thủy điện đơn lẻ cũng như các công trình bậc thang, vấn đề an toàn đập, an toàn hạ lưu. Trong quá trình quản lý và giám sát sự vận hành của nhà máy, nhất là khi tích nước và xả nước, trách nhiệm cụ thể của từng đơn vị như chủ đầu tư, cơ quan chủ quản dường như vẫn chưa rõ ràng sau hàng loạt sự cố do thủy điện gây ra trên địa bàn tỉnh trong nhiều năm qua. Cộng đồng dân cư đã bị thiệt hại do các trận lũ kinh hoàng từ thủy điện, do động đất từ sau khi thủy điện tích nước và gần đây nhất là sự cố tại thủy điện Sông Bung 2, nhưng chưa có một cách thức lượng hóa nào cụ thể để căn cứ bồi thường, đảm bảo quyền lợi cho người dân. Hàng loạt bất cập nảy sinh từ hoạt động của các thủy điện còn bỏ ngỏ, nên mỗi khi sự cố xảy ra, người dân chính là đối tượng trực tiếp bị thiệt hại. Đó là chưa kể hàng loạt hệ lụy từ mất rừng, tái định cư và sinh kế bền vững cho những người dân bị ảnh hưởng bởi thủy điện. Xảy ra sự cố thủy điện, chủ đầu tư chịu trách nhiệm là đương nhiên. Nhưng, vai trò tham gia kiểm tra, giám sát về an toàn đập, quy trình vận hành thủy điện của các bộ ngành và các đơn vị tham mưu cho UBND tỉnh nằm ở đâu trong thời gian qua xem ra vẫn là câu hỏi bỏ ngỏ.
GÁNH NẶNG MÔI TRƯỜNG
Những dòng sông oằn mình chịu trận do biến dạng địa hình, thay đổi dòng chảy. Phía hạ lưu luôn thấp thỏm âu lo mỗi khi báo động lũ. Trong khi đó, không ít nhà máy thủy điện lại thờ ơ với môi trường và an toàn đập.
Các thủy điện ở vùng cao thiếu quan tâm đến môi trường và trồng rừng thay thế. |
Trên hệ thống Sông Bung, thời điểm này có sự tham gia của 5 nhà máy thủy điện (Sông Bung 2, Sông Bung 3 và 3A, Sông Bung 4 và 5). Những năm gần đây, phần lớn các nhà máy thủy điện đều lâm vào cảnh trơ đáy ở mùa khô nên lợi dụng mùa mưa để tích nước.
Do mật độ thủy điện dày đặc trên một dòng sông - vốn giới hạn sức chịu đựng - nên thực tế có một số dự án chỉ xây đập tràn không có khả năng điều tiết lũ. Hầu hết công trình thủy điện ở miền núi có công suất lắp máy đều lớn hơn 2MW. Theo luật định, khâu cấp phép thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước của nhà máy thủy điện (sử dụng nước mặt) với công suất lắp máy từ 2MW trở lên đều do Bộ TN-MT cấp. Chính vì vậy, gần như việc tham gia phản biện, xử lý khi phát hiện các sai phạm của nhà máy thủy điện đóng chân trên địa bàn, rồi thẩm quyền của chính quyền tỉnh rất hạn chế. Hàng nghìn héc ta rừng đã ngập dưới các lòng hồ, hệ lụy nhãn tiền là hiện tượng sạt lở đất, lũ lụt, rồi động đất xuất hiện với cường độ dữ dội hơn. Và trên thực tế, điều này đã xảy ra!
Cả tỉnh có 16 nhà máy thủy điện đi vào vận hành, theo đó hơn 1.403ha diện tích bắt buộc phải trồng rừng thay thế. Tuy vậy, các đơn vị thực hiện khá chậm chạp, hoặc trồng cho chiếu lệ. Cụ thể, đến nay nhiều thủy điện chưa hoàn thành việc trồng rừng thay thế như Sông Bung 2 còn nợ 65ha; Za Hung gần 9ha, Đắk Mi 4 hơn 6ha. Hầu hết nhà máy thủy điện, như Sông Bung 2, Sông Tranh 3, Sông Tranh, Sông Côn đều “nợ” trồng rừng. Các nhà máy thủy điện Geruco Sông Côn, Tr’Hy dù phê duyệt phương án từ năm 2010 nhưng vẫn tìm mọi cách lần lữa, viện cớ gặp khó khăn về tài chính để không triển khai thực hiện trồng rừng thay thế. Theo ông Phan Sỹ Hùng - Phó chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh, hằng năm nguồn thu từ dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) theo Nghị định 99 của Chính phủ trên địa bàn tỉnh đạt 50 - 55 tỷ đồng. Tính đến tháng 8.2016, các nhà máy trồng rừng thay thế được 1.295ha, năm nay nợ trồng rừng gần 110ha. Đối với các đơn vị chậm nộp tiền DVMTR, Sở NN&PTNT sẽ có văn bản báo cáo UBND tỉnh, yêu cầu thực hiện nghiêm túc việc nộp tiền DVMTR. Trong trường hợp các đơn vị cố tình chậm nộp tiền, UBND tỉnh sẽ có văn bản đề nghị Bộ Công thương, Cục Điều tiết điện lực thu hồi giấy phép hoạt động. Theo đánh giá của các chuyên gia môi trường, dù có triển khai trồng rừng thay thế nhưng không dễ gì cân bằng lại hệ sinh thái rừng như ban đầu. Thậm chí phải mất cả trăm năm mới thành quần thể sinh thái, mặt khác chức năng phòng hộ rừng trồng thua gấp nhiều lần rừng tự nhiên.
Mất rừng sẽ không giữ được nước và đất, đồng thời cũng thành mối nguy cơ cho các đập thủy điện. Nghịch lý ở chỗ, gần như diện tích mặt nước trên hệ thống lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn đã không còn chỗ trống từ “cơn lốc” đầu tư thủy điện, thì tốc độ trồng rừng thay thế lại tỷ lệ nghịch với diện tích này. Ông Alăng Mai - Chủ tịch UBND huyện Nam Giang cho rằng, do nguồn kinh phí hỗ trợ cho trồng rừng thay thế còn chậm đưa về các địa phương nên ảnh hưởng đến tiến độ. Hiện nhiều công trình nhà ở, nước sinh hoạt cho người dân tái định cư bị ảnh hưởng bởi dự án thủy điện đã xuống cấp, nhưng phía nhà đầu tư vẫn chưa quan tâm kịp thời, nhất là việc hỗ trợ duy tu, bảo dưỡng công trình. Toàn huyện Nam Giang có 5 dự án thủy điện, trong đó có 2 thủy điện đầu tư bằng vốn của Nhà nước. Không chỉ lo lắng về an toàn đập trong mùa mưa bão, hàng trăm hộ dân của 4 khu tái định cư thủy điện trên địa bàn huyện đang đối mặt với thực trạng thiếu đất canh tác. “Nhiều tuyến đường hàng chục cây số nay cũng đã bị hư hỏng nặng, công tác giải quyết việc làm cho con em đồng bào địa phương chưa được quan tâm, cũng như việc người dân chưa thực sự được hưởng lợi từ việc chăm sóc bảo vệ rừng, trồng rừng thay thế và tiền hỗ trợ chi trả DVMTR từ các dự án thủy điện. Cơ chế phối hợp, hoạt động quản lý tại các lòng hồ chứa của thủy điện còn lỏng lẻo. Vai trò của địa phương chưa rõ ràng và cụ thể, do đó khi xảy ra sự cố chính quyền rất lúng túng và bị động” - ông Mai lo lắng.
Đã từng có nhiều thiệt hại gây ra bởi thủy điện xả nước đột ngột vào mùa mưa làm người dân trở tay không kịp. Vào mùa kiệt, các nhà máy không tuân thủ xả nước theo quy định cũng góp phần làm cho hiện tượng xâm nhập mặn lấn sâu vào đất liền, ảnh hưởng sản xuất và sinh hoạt của vùng hạ du. Vì vậy, chính quyền các huyện Nam Giang, Đông Giang, Bắc Trà My đề xuất, ngoài “cột” trách nhiệm chủ đầu tư, thì cần có hành lang pháp lý, cơ chế kiểm tra, giám sát của địa phương về đảm bảo an toàn đập và vận hành thủy điện.
NGƯỜI TRONG CUỘC VÀ CHUYÊN GIA NÓI GÌ?
Chưa cho phép thủy điện Sông Bung 2 tích nước UBND chỉ mới thống nhất về chủ trương cho phép tích nước hồ thủy điện Sông Bung 2. Tuy nhiên, kèm theo nhiều điều kiện ràng buộc hết sức chặt chẽ. Theo đó, trước khi tích nước hồ chứa, chủ đầu tư phối hợp với UBND huyện Nam Giang và Tây Giang tổ chức họp thôn, dân, cộng đồng, quân dân chính, các mặt trận đoàn thể để tuyên truyền, phổ biến các nội dung có liên quan trong công tác quản lý, bảo vệ vùng lòng hồ theo quy định. Chủ đập, hồ chứa thủy điện Sông Bung 2 phải tiến hành nghiệm thu và có chứng nhận an toàn đập theo quy định tại Nghị định 209/2004/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý chất lượng công trình xây dựng và Nghị định 49/2008/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 209/2004/NĐ-CP; thực hiện đầy đủ các nội dung quy định tại Thông tư 34/2010/TT-BC của Bộ Công thương quy định về quản lý an toàn đập của công trình thủy điện. Phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan của huyện Nam Giang, Tây Giang có phương án phòng chống lũ cho nhân dân vùng thượng lưu, hạ lưu công trình khi có lũ và sự cố công trình xảy ra cũng như phương án bảo vệ đập, bảo vệ công trình đảm bảo an toàn tuyệt đối về người và phương tiện đang thi công trong quá trình tích nước và vận hành. Tuy nhiên, chủ đầu tư đã tự tích nước khi chưa hoàn tất các điều kiện mà UBND tỉnh yêu cầu. |
TS. Đào Trọng Tứ, thành viên mạng lưới Sông ngòi Việt Nam: Tích nước “nghịch”
Việc bít hầm dẫn dòng trong mùa mưa như thủy điện Sông Bung 2 (khiến xảy ra sự cố) là không đúng. Lạ lùng là, hội đồng nghiệm thu các cấp lại cho phép chủ đầu tư đắp đê quây hạ lưu hầm dẫn dòng ngay vào mùa mưa. Theo nguyên tắc, thi công cửa hầm dẫn dòng phải mở để thoát nước lũ. Thường thì chỉ làm kiệt đường dẫn nước vào mùa khô, còn đằng này thủy điện Sông Bung 2 đi ngược lại, làm kiệt vào mùa mưa. Lũ lớn phải thoát nước ra sông chứ sao lại chặn dòng, trong khi các điều kiện tích nước lại chưa đảm bảo.
Ông Lê Trí Tập, chuyên gia thủy lợi, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh: Công trình chưa đảm bảo chất lượng
Mưa lũ do bão số 4 vừa qua là chưa đủ sức để gây vỡ van hầm dẫn dòng thủy điện Sông Bung 2. Minh chứng là lúc này mực nước ở các sông đều ở dưới mức báo động 1. Dung tích hồ chứa là 94 triệu mét khối nước, thời điểm xảy ra sự cố trôi cửa van số 2 làm nước tràn vào hầm dẫn dòng thì hồ chứa mới chỉ tích được 28 triệu mét khối nước mà tấm van nặng 125 tấn đã bị cuốn trôi. Cho nên, cần rà soát, kiểm tra công trình này từ các khâu thiết kế, xem chất lượng thi công có đảm bảo không. Hồ mới tích nước, mực nước chưa cao mà đã gây vỡ cửa vào đường hầm, nhiều khả năng do thi công chưa đảm bảo chất lượng.
Ông Ngô Việt Hải - Tổng Giám đốc Tổng Công ty Phát điện 2: Thông qua hội đồng nghiệm thu mới tích nước
Để tích nước lòng hồ thủy điện Sông Bung 2 đã trải qua hội đồng nghiệm thu cấp cơ sở và cấp chủ đầu tư. Trước đây còn phải thông qua hội đồng nghiệm thu cấp quốc gia nhưng hiện nay đã giao cho UBND tỉnh. Sau khi kiểm tra đầy đủ hồ sơ, UBND tỉnh Quảng Nam đã thống nhất cho tích nước hồ chứa. Trong văn bản, Sở Công thương đã thống nhất để chủ đầu tư hoàn thiện các thủ tục có liên quan để tổ chức nghiệm thu đưa các hạng mục công trình vào sử dụng: đập dâng, đập tràn, hầm dẫn dòng, cửa lấy nước, hầm phụ 1 và hầm dẫn nước mũi 1...
Thực hiện chuyên đề: H.PHÚC - T.CÔNG - A.NGƯỚC