Thung lũng ma rốt rốt

TRUNG VIỆT 24/09/2016 08:51

1. Trong ký ức của Hai Chơi, là nơi làng anh ở không thiếu ma rốt rốt.

Ngôn ngữ của các MC trên tivi mỗi khi có mưa gió gọi đó là gió xoáy. Dân gian không cần biết nói chữ nghĩa, cứ kêu rốt rốt là biết. Đứa nào từng đi giữ bò giữ trâu mùa gió, cũng biết. Cái nón cời bà già đưa đội, không lót đít ngồi mà cứ ném ra đó, lo chơi bắn bi, gió cuốn cái ào rồi cái nón tung lên, xoay như đèn cù. Gió mà quần bụi, rác, cuộn như lỗ thoát nước, như bà già giần sàng gạo vừa xay trong cối tre ra, lấy nón ụp lại, một chặp sẽ thấy cục máu. Đó là lời mấy ông già bày. Thử làm, máu mô có. Ma mà có máu chi. Chẳng đứa nào sợ. Nhưng Hai Chơi thì nói, ma rốt rốt còn đó. Hồi làm nhà tranh, nó bốc lên, quăng tứ tung. Nhà ngói cũng bị. Chừ cũng còn. Đơn giản, làng A Đông này nằm ở thung lũng, trước mặt là núi Chúa cách chừng vài ba cây số. Địa thế kẹp ở hẻm núi, dưới chân núi, gió bốc lên là chuyện thường. Gió xoáy là kinh khủng, nó quét qua, thoáng chốc ngỡ ngàng  màn trời chiếu đất. Chạy trời không khỏi gió. Nhớ có lần tôi đi Trà Nam, chứng kiến giữa hè gió hút từ đỉnh Ngọc Linh xuống, gió bốc nhà đồng bào Xê Đăng đi như phim hoạt hình, ở trên trời nhà như cái dù to xoay xoay không biết đáp xuống  chỗ mô, dưới đất dân thì chạy tán loạn, coi chừng nó chụp xuống gãy lưng. Đứng ngó, thất kinh đến chừ. Một đồng nghiệp nói, điểm Trà Nam này trên bản đồ quân sự gọi là thung lũng gió chết.

Núi Chúa trong sương sớm.Ảnh: TRUNG VIỆT
Núi Chúa trong sương sớm.Ảnh: TRUNG VIỆT

Ma rốt rốt không phải lúc nào cũng có. Mùa gió nó mới lên cơn lang thang. Một thứ ma đã sợ, thêm nhiều ma nữa, sao không ớn. Đó là suy nghĩ của tôi khi hỏi chuyện Hai Chơi, là chỗ ni có truyền thuyết chi không? Hai Chơi bật cười, thì ma hời đó, gần tháp Mỹ Sơn mà, đời ông già ông nội anh đều nói thấy gà vàng heo  vàng, muốn bắt nó thì phải cởi quần ra chụp mới được, nhưng chẳng thấy ai bắt được. Chuyện bắt heo gà kiểu đó, tôi cũng đã nghe bà ngoại nói. Hỏi tiếp, có ai lấy gạch trong tháp về lót nền, bỏ chỗ ảng nước không? Hai Chơi xua tay lia lại, ai dám ai dám, coi chừng tâm thần, mất mạng. Ừ, sợ nhất là sợ vô hình.

Hỏi tiếp, rằng hồi còn nhỏ, anh có thấy giặc đóng quân trong tháp không? Không có, chỉ dám vượt qua khe Thẻ rồi dạt ra, vì tháp là vùng tranh chấp, đánh nhau ì xèo, anh còn nhớ lúc giữ bò, vô đó được mấy ông cách mạng tuyên truyền mà. Vùng này dữ dằn lắm, đánh nhau liên miên. Đây, con đường dẫn vô Mỹ Sơn chỗ anh em mình đang ngồi, ngày xưa làm chi có đường to, hai bên giành nhau từng chút. Pháo hả, khẳm luôn, từ An Hòa chụp xuống, hạm đội ngoài biển nện vào, Ái Nghĩa quăng qua, chạy thấy ông cố tổ. Ngay chỗ nhà anh nớ, hồi nớ có ở được mô, chạy hết, bị lùa vô khu dồn, ở dưới đồn 45, cực hơn cái chi, sống bằng nghề cắt tranh, đi củi, đốt than đổi gạo. Hai Chơi kể một mạch, gương mặt chữ điền sạm nắng, vết khổ nhọc như trượt qua nhưng ngó lại. Hai Chơi từng là phó chủ tịch kiêm trưởng công an xã Duy Phú. Tôi đã thi gan một lần với anh trận rượu gạo ăn mì gà do chị Ba nấu, uống no cành hông, rượu nấu từ nước giếng đào trên núi, ngọt và thanh đến độ như ánh trăng tan ra, ngon mềm cả ruột non ruột già. Bữa đó cúp  điện, đèn dầu leo lắt, say quắt. Tôi hẹn anh đấu một trận nữa, anh cười ha ha, mi ngon cứ điện anh trước, tau chuẩn bị mồi. Lời người ở ruộng không đãi bôi. Lần này không rượu, nhưng tôi hành anh một buổi đưa tôi đi quanh làng.
2. Cái làng này, như đã nói là nằm dưới chân núi Chúa, đi sâu vào thấy ruộng đồng trải ra. Bà Trần Thị Hát ngó khách: “Đi mua  bò hả? Nhốt ở ngoài tê chứ mô đây”. “Cái chi cũng mua”, anh Hai cười to. Chạm mặt, bà Hát cười “ủa, anh Hai”. Chiếc ghế dài được mang ra. Bà đã 87 tuổi, ở một mình. “Con cháu mô rồi?”. “Ở riêng hết, còn mình tau”. “Hồi nớ cực không bác?”, tôi hỏi chuyện hồi trước 1975 mà thấy mình tào lao, bởi sướng chi nổi. “Thôi thôi, nói chi hết”, bà cười, nước trầu như muốn tứa ra. Tôi nhìn kỹ, mặt bà như chân ruộng tháng 7. Ở đây, mỗi năm làm một vụ, kéo dài miết thuở cha ông. Đập Thạch Bàn cung cấp nước tưới, nhưng cũng chỉ chừng đó thôi, sống nhờ nước trời. “Tau gánh tranh gánh củi đi bán, đi qua chợ La Tháp, chợ Kiểm Lâm, qua một con lạch với một con sông nữa mới tới chợ nớ”. “Chợ mô?”. “Chương  Dương”. Chợ này ở Điện Quang, ôi là xa. “Ừ xa lắc, sáng đi tối về. Ai ơi đi chợ Chương Dương/ Ai không biết chữ vô phương trở về. Tranh thì được 3 xu, củi to là được 1 đồng, nhưng củi thì đàn ông gánh chứ mình gánh chi nổi, mua mắm cái, cá khô, muối về trữ ăn, cực chi lạ. Làm lúa hả, có được chi mô, lúa đen lúa trì, 6 tháng mới cắt, mà có cắt được mô, pháo bom quăng nát hết, chờ hắn bắn xong, mới mò từ khu dồn ra đãi lượm mang về. Mà thôi, hỏi chuyện cũ làm chi…”. Lời bà như rụng theo gió sớm, buồn tênh. “Hồi nớ với chừ, cái mô sướng hơn bác?”. “Tau thấy cũng rứa”. “Răng rứa?”. “Anh em tám người, chết hết còn mình tau, chừ tau có 7 đứa con, tau cũng ở một mình,  hồi không có chi ăn cũng ở một mình, chừ cũng một mình, thì cũng rứa chứ răng”. Tôi lặng người đi. Kiếp người, qua lời bà già đã sống gần một thế kỷ, như bày ra trước mình nỗi cô đơn khủng khiếp. Sự trải nghiệm một mình trước ký ức và hiện tại, như dồn cục lại trong một lời phán, nghe não nùng.

Bà Hát: “Tau thấy cũng... rứa”.
Bà Hát: “Tau thấy cũng... rứa”.

Bây giờ làng này còn khoảng 7 - 8% hộ nghèo. Đời sống đã khác. Cũng làm ruộng, nhưng làm thêm tứ tung, rồi đi làm gạch ở An Hòa, củi tranh thì dứt khoát không còn nữa rồi, cây rừng đã bị phá sạch từ lâu, thiên hạ trồng bạch đàn - một thứ cây không phải sinh ra từ xứ mình, ngó chẳng mê nổi. Bây giờ ở A Đông chẳng ai đi làm củi nữa. Nhưng trong cái nhìn của chị Ba, sao tôi thấy tê tái, dẫu mắt chị nhấp nháy cười. Làm ruộng mà em, sống cho hết đời thôi, khổ như đất ruộng chồng lên, hết lớp ni tới lớp kia, răng hết được, không kiểu ni thì kiểu khác. Có được đồng tiền thì bày  ra chuyện  này nọ, chạy xà quần. Nhớ hồi nớ, nghèo đến mức chị đám cưới mà không có tiền mua cái nón lá đội, nhiều đêm nằm nghĩ, răng  mà cực kinh. Chị có đứa em, vợ nó ở Sài Gòn bị tai nạn, nó điện về báo, thương em đứt ruột, chị chạy quanh xóm mượn được… 20 ngàn đồng gửi cho em, ra bưu điện gửi mà đứng khóc. Chừ có tiền rồi, cũng làm ruộng, nuôi bò thôi, không lo đói, nhưng lo đủ thứ, cũng thức khuya dậy sớm lo, rồi đám chạp cưới hỏi, mệt chi là mệt, cực riết thành quen, thấy đời mình không thể khác…

Chị từng được một nhà văn có tiếng đưa vô trong một bút ký, có dịp tôi sẽ kể, nhưng khi tôi hỏi chị có biết từng là nhân vật văn học không, chị lắc đầu rồi nói, nông dân mà em, chữ nghĩa chi mô ai biết được. Nói trời đất chi, làm ruộng, kiếp nhà nông vẫn khổ. Tôi nói thiệt, là rất ghét luận điệu, rằng chừ làm nông sướng lắm, máy móc làm thay hết, bộ mặt nông thôn giờ khác lắm rồi, bà con sống sướng lắm!  Đó là người ta ngó vô đồng tiền và đặt bày đánh giá, bình luận. Xin mời ông cởi áo, tháo giày ra, xuống làm nông dân đi. Nhân đây cũng xin nói luôn, những đánh giá, khảo sát mang tính xã hội học, những bình luận phán chiếu qua quýt về nông dân và nông thôn một thời gian dài, đến nay vẫn chưa dứt, mà nhiều thứ rất ẩu tả không thể tưởng. Thay, nhưng có đổi phận nắng sớm mưa chiều, nơm nớp lo hạn lũ không? Có ai khảo sát tâm lý nhà nông, hỏi họ ra sao, khi gạt đồng tiền qua một bên? Tiền thêm thì giá cả, ăn, học, thuốc men thêm chứ có tụt xuống đâu, chưa kể dịch bệnh ngày càng tấn công không ngừng vào gia súc, lúa má. Không biết đến bao giờ mới dứt được câu làm nông khổ tận tim, dứt thực sự chứ không phải từ các diễn văn đã soạn sẵn.

Vĩ thanh

Tôi theo cổng có chữ thôn Nhuận Sơn, chạy thẳng một mạch, bỏ lại sau lưng khoảnh ruộng hẹp và bờ tre. Trải ra trước mặt là mênh mông đồng. Buổi sáng sớm, núi Chúa mờ mờ trong sương, bị che khuất bởi một bụi tre lớn, nhìn đỉnh như u bò khổng lồ. Ruộng đồng im tiếng, nhưng không cô quạnh. Sự đông đặc bình yên của núi sau một giấc ngủ dài. Tôi nhìn mà nghĩ, đã hàng ngàn năm, núi vẫn ngủ như thế, mặc điều chi đến, khuấy động. Mặc tất cả. Như những người đàn bà ở xóm A Đông này, nhẫn nại ngồi ở chiếc chiếu tre bên chiếc giường gỗ đã long chân, nhìn ra ruộng kể khổ mà không hề thở dài, như thấy đời mình như ruộng đó, không bom đạn thì cũng rứa thôi, như thấy ma rốt rốt - kinh ngạc nhưng sợ hãi thì không, cứ bám trụ và cúi xuống lật đất, ngẩng lên để sống tiếp cho hết đời. Sáng nay không có gió…

TRUNG VIỆT

TRUNG VIỆT