Pháp sẽ cấm đồ nhựa sử dụng một lần
Pháp trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới tuyên chiến với đồ nhựa được cho là một trong những “thủ phạm” gây ô nhiễm môi trường.
Không chỉ riêng tại Pháp mà đồ nhựa sử dụng một lần như đĩa, chén, ly… hiện sử dụng rất phổ biến trên thế giới. Túi ni lông hay đồ nhựa sử dụng một lần rất khó phân hủy và gây ra ô nhiễm môi trường bao gồm trong đất, nguồn nước và không khí. Các nhà khoa học liên tục cảnh báo về tác hại của việc sử dụng đồ nhựa để đựng thức ăn có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe cho người tiêu dùng, chưa kể đến nguy hại, rủi ro do ô nhiễm môi trường gây ra. Lệnh cấm trên vừa được thông báo vào đầu tuần này sau khi lệnh cấm tương tự cho túi ni lông trong các hoạt động mua sắm tại các cửa hàng, siêu thị ở Pháp đã đi vào hiệu lực từ đầu năm nay. Tại đây, khách hàng phải bỏ tiền ra mua túi đựng hoặc chỉ được sử dụng các loại túi thân thiện với môi trường, nhằm hạn chế việc sử dụng túi ni lông.
Một số đồ nhựa bị cấm tại Pháp vào năm 2020. Ảnh: 123rf |
Đạo luật cấm đồ nhựa sử dụng một lần nằm trong kế hoạch “Chuyển đổi năng lượng cho sự tăng trưởng xanh” của Pháp, dự kiến sẽ có hiệu lực vào năm 2020. Pháp cho biết sẽ là quốc gia đi tiên phong sau khi Thỏa thuận về chống biến đổi khí hậu toàn cầu được thông qua tại Paris (Pháp) vào cuối năm ngoái. Theo thống kê của Hiệp hội Sức khỏe và môi trường Pháp, mỗi năm Pháp thải ra 4,73 tỷ ly nhựa và khoảng 17 tỷ túi nhựa, chủ yếu từ hoạt động mua sắm, quán cà phê. Trong đó, chỉ khoảng 1% trong tổng lượng rác thải đó được tiến hành tái chế. Động thái mới nhất của Pháp được các nhà bảo vệ môi trường toàn cầu hoan nghênh, người dân hưởng ứng tích cực. Những người ủng hộ thậm chí còn mong muốn lệnh cấm đi vào hiệu lực sớm hơn, tức trước năm 2020 và sẽ được nhân rộng tại châu Âu. Đồng thời hy vọng các quốc gia khác nên cân nhắc, vừa dung hòa lợi ích kinh tế, vừa bảo vệ môi trường và sức khỏe của người tiêu dùng.
Theo ước tính, mỗi năm thế giới sử dụng khoảng 500 - 1.000 tỷ chiếc túi ni lông và hàng trăm tỷ vật dụng nhựa sử dụng một lần. Jean Pierre, một người dân tại Paris cho biết: Đây là xu hướng tất yếu của thế giới nếu muốn góp phần thành công trong cuộc chiến bảo vệ môi trường toàn cầu. Không chỉ riêng tại Pháp mà nhiều quốc gia trên thế giới đã có những bước đi thiết thực. Bangladesh, quốc gia đầu tiên trên thế giới ban hành lệnh cấm sử dụng túi ni lông mua sắm vào năm 2002 sau khi hệ thống ống dẫn nước bị kẹt cứng do rác thải ni lông, khiến nước lũ không có lối thoát, gây ngập trầm trọng. Sau đó, nhiều quốc gia khác như Nam Phi, Kenya, Mexico, Rwanda, Anh và một số tiểu bang tại Mỹ công bố áp dụng quy định tương tự. Năm 1993, Đan Mạch áp dụng thuế sử dụng túi ni lông. Kết quả hiện nay, trung bình mỗi người Đan Mạch chỉ sử dụng khoảng 4 túi ni lông/năm. Nhờ vào việc đánh thuế tương tự tại Ireland vào năm 2002, lượng sử dụng loại túi ni lông đã giảm tới 90%.
Thế nhưng, lệnh cấm vừa ban hành của Pháp không thể tránh được sự phản đối của các công ty, doanh nghiệp sản xuất và buôn bán đồ nhựa. Liên đoàn ngành nhựa báo động rằng dự án cấm đồ nhựa sẽ đe dọa hàng nghìn việc làm ở Pháp, nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa. Tuy nhiên, cơ quan chức năng Pháp cho biết quy định sẽ được áp dụng nhằm bảo vệ môi trường. Nếu không, trái đất sẽ tràn ngập rác thải mà phải mất hàng chục năm, thậm chí hàng nghìn năm mới phân hủy hết, hậu họa rất lớn.
NAM VIỆT