Xác định nguyên nhân cá chết ở hồ chứa Phước Hà

VĂN HÀO 20/09/2016 16:30

  • Xử lý môi trường hồ chứa Phước Hà
  • Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo khẩn trương kiểm tra môi trường nước hồ Phước Hà
  • Cá chết dày đặc ở hồ Phước Hà

(QNO) - Ngày 19.9, ông Trương Kim Đông - Chủ tịch UBND xã Bình Phú (Thăng Bình) cho biết, cơ quan chức năng đã có những nhận định về nguyên nhân cá chết hàng loạt tại hồ chứa Phước Hà (thôn Linh Cang) vào đầu tháng 8 vừa qua.

Lượng cá chết dày đặc tại hồ Phước Hà trong tháng 8 vừa qua. Ảnh: Q.CHÂU
Lượng cá chết dày đặc tại hồ Phước Hà trong tháng 8 vừa qua. Ảnh: VĂN HÀO

Theo đó, qua kết quả quan trắc môi trường hồ Phước Hà, Sở Tài nguyên - môi trường có một số nhận định về nguyên nhân cá chết tại hồ chứa này. Cụ thể, vào mùa nắng, mực nước hồ xuống thấp (do tưới tiêu, bốc hơi), trong khi lượng động thực vật trong hồ vẫn duy trì với mật độ lớn làm suy giảm lượng ô xy hòa tan trong hồ. Theo quy luật tự nhiên, lượng ô xy hòa tan đạt mức cao nhất vào giữa ngày và thấp nhất vào cuối đêm nên vào ban đêm, lượng ô xy hòa tan trong hồ sẽ ở mức rất thấp. Tại thời điểm quan trắc môi trường hồ Phước Hà, mức ô xy hòa tan chỉ còn lại 4,2 - 4,8 mg/l, thấp hơn nhiều so với quy định là 6,0 mg/l. Điều này phù hợp với thông tin cá trong hồ Phước Hà chết chủ yếu vào ban đêm và tấp vào bờ vào ban ngày.

Do đó về nguyên nhân cá chết, theo phân tích của Sở Tài nguyên - môi trường có thể do lượng ô xy hòa tan trong hồ bị suy giảm vào ban đêm. Các nguyên nhân gây cá chết do độc tố hay chất ô nhiễm trong nước hồ, trầm tích qua kết quả phân tích mẫu thì nhận thấy không có liên quan. Tuy nhiên, cũng không loại trừ nguyên nhân do dịch bệnh.

Trong khi đó, bằng phương pháp xét nghiệm nuôi cấy phân lập và định danh trên 2 mẫu cá rô phi và nước tại hồ Phước Hà, Cơ quan Thú y vùng IV (Cục Thú y) kết luận: mẫu cá rô phi dương tính với vi khuẩn streptococcus, mẫu nước dương tính với vi khuẩn aeromonas spp.

Theo một số tài liệu, các triệu chứng cá nhiễm vi khuẩn streptococcus như hôn mê và mất phương hướng, xuất huyết ở da, cá bỏ ăn, nhiễm trùng máu… Dịch bệnh thường xảy ra khi cá nuôi tiếp xúc với sự căng thẳng như nhiệt độ nước tăng, lượng ô xy trong nước thấp dưới mức cho phép hoặc cá được nuôi với mật độ cao trong thời gian dài. Các biện pháp kiểm soát và xử lý dịch bệnh như giảm cho ăn, giảm mật độ nuôi, giảm nhiệt độ của nước, điều trị bằng kháng sinh.

Đối với động vật thủy sản nhiễm vi khuẩn aeromonas thường biểu hiện như hoại tử da và cơ, vây bị phá hủy, vảy dựng (rộp) và bong ra, nội tạng bị xuất huyết… Biện pháp phòng bệnh quan trọng nhất là không để cho động vật nuôi thủy sản bị sốc do môi trường thay đổi xấu: nhiệt độ, ô xy hòa tan, nhiễm bẩn của nước.

Ông Trương Kim Đông cho biết thêm, hiện cá ở hồ Phước Hà vẫn còn chết rải rác; địa phương vẫn đang kiến nghị các cấp ngành có phương hướng hỗ trợ cho các hộ nuôi. 

Như Báo Quảng Nam phản ánh, nhóm hộ thôn Linh Cang thuê mặt nước hồ chứa Phước Hà để nuôi thả cá tự nhiên. Tuy nhiên đầu tháng 8 vừa qua, cá trong hồ chết hàng loạt khiến nhóm hộ này bị thiệt hại nặng nề.

VĂN HÀO

VĂN HÀO