Ca sĩ Khánh Ly và đêm nhạc "Biết đâu nguồn cội"
Ở tuổi 72, cái tuổi mà sự lão hóa đã khiến cho hầu hết mọi người có cảm giác mệt mỏi, thì ở ca sĩ Khánh Ly vẫn toát lên một sức sống kỳ lạ. Bà vẫn nói chuyện lôi cuốn, linh hoạt hấp dẫn người xem trong một đêm biểu diễn ca nhạc kéo dài gần 3 tiếng đồng hồ với nhiều tiết mục hát song ca, đơn ca các tình khúc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và của các nhạc sĩ khác.
Nữ ca sĩ Khánh Ly trong đêm nhạc. |
Giọng hát của nữ ca sĩ tài danh này vẫn tròn đầy và có phần sâu lắng hơn như nhận xét của nhiều khán giả có mặt tại hội trường Nhà hát Trưng Vương vào tối 11.9 trong đêm nhạc “Biết đâu nguồn cội”. Tôi thích nghe ca sĩ Khánh Ly hát, nói chuyện và kể chuyện với chất giọng truyền cảm của bà, về những kỷ niệm của bà với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Ở bà toát lên sự chiêm nghiệm, từng trải và sâu sắc. Trong đêm nhạc, bà nói, để hát hay nhạc Trịnh Công Sơn, bà thường phân tích ca từ trong các nhạc phẩm của ông và ở mỗi câu, mỗi chữ, bà tìm thấy điều lạ, điều hay. Như câu hát “Về thu xếp lại” trong bài “Chiếc lá thu phai” có nghĩa là về vào mùa thu và xếp lại chuyện gì đó. Hay là về thu xếp một chuyện gì đó?… Theo ca sĩ Khánh Ly, ngôn ngữ trong âm nhạc Trịnh Công Sơn kín đáo và cô đọng trong từng từ, từng câu khiến bà phải suy nghĩ cho đến khi hiểu được ý nghĩa của nó mới thôi. Đưa ra câu hỏi cho khán giả rồi chính ca sĩ Khánh Ly khép lại bằng câu trả lời: “Ở một số ca khúc, ca từ trong âm nhạc của Trịnh Công Sơn có nhiều cách lý giải rất khác nhau và trong hai cách giải nghĩa trên, cách nào cũng đúng cả”.
Hay câu nhạc “Đôi khi thấy trên lá cây, ngày em đã xa tôi” trong ca khúc “Rồi như đá ngây ngô” mang tính ẩn dụ cao khiến bà phải suy nghĩ nhiều, tại sao ông Sơn (*) lại viết “thấy trên lá cây, ngày em đã xa tôi”. Thường mỗi khi gặp sự ẩn ý trong các câu nhạc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, bà thường tự suy nghĩ, tự tìm hiểu chứ không bao giờ hỏi trực tiếp nhạc sĩ, vì theo bà là sợ nhạc sĩ chê mình “dốt”. Và sau một thời gian chiêm nghiệm, bà đã tìm được câu trả lời cho riêng mình. Theo bà một năm có 4 mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông và tùy theo mỗi mùa, chiếc lá cây có màu sắc riêng biệt rất khác nhau. Chính màu sắc riêng biệt trên chiếc lá cây đã “nói lên” cho người xem nhận biết là hiện tại đang vào mùa gì? Và nhạc sĩ Trịnh Công Sơn khi nhìn vào chiếc lá cây, thấy thời gian đang trôi qua và nhắc ông nhớ đến một kỷ niệm cũ. Và vì vậy ông viết “ Đôi khi thấy trên lá cây, ngày em đã xa tôi”.
Trong đêm nhạc, ca sĩ Khánh Ly trình diễn các ca khúc hầu hết là của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, như hạ trắng, Chiếc lá thu phai, Nhìn những mùa thu đi, Một buổi sáng mùa xuân, Người già và em bé, Bà mẹ Ô Lý, Ca dao Mẹ, Ở trọ, Quỳnh hương, Để gió cuốn đi - Huế - Sài Gòn - Hà Nội… Với lần thứ tư trở lại Đà Nẵng, ca sĩ Khánh Ly vẫn có một sức thu hút đặc biệt, hấp dẫn người xem bằng giọng hát của mình cùng những câu chuyện âm nhạc, những kỷ niệm về nhạc sĩ tài hoa Trịnh Công Sơn. Đêm nhạc còn có hai ca sĩ khách mời là Tuấn Ngọc, Quang Thành. Danh ca Tuấn Ngọc với giọng hát giàu cảm xúc và cách biểu diễn lôi cuốn đã đón nhận nhiều tràng pháo tay của khán giả khi anh vừa mới xuất hiện trên sân khấu. Sau những tiết mục biểu diễn chung với ca sĩ Khánh Ly là phần biểu diễn của riêng anh với các ca khúc Tự tình mùa xuân, Trên ngọn tình sầu của nhạc sĩ Từ Công Phụng, ca khúc Tưởng niệm của nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng, ca khúc Đường em đi của nhạc sĩ Phạm Duy. Giọng hát trầm ấm, khàn đặc trưng và cách thể hiện hết mình trong từng câu hát qua làn hơi đầy đặn và trút hết tâm hồn qua từng bài hát của ông khiến khán giả say đắm trong từng tràng vỗ tay không ngớt.
_____________
(*) ông Sơn: Cách ca sĩ Khánh Ly thường gọi nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.
NGUYỄN HỮU HỒNG SƠN