Chạy theo dòng lũ

Phóng sự: H.PHÚC - T.CÔNG - A.NGƯỚC 17/09/2016 07:33

Cuộc hốt hoảng chạy lũ trong đêm kinh hoàng ấy cứ ám ảnh dân làng sống ven lòng hồ thủy điện Sông Bung 2 (huyện Nam Giang). Nhưng, như một điều kỳ diệu, nhiều người đã may mắn thoát khỏi lưỡi hái tử thần trong gang tấc.

Sự cố đã làm sạt lở nghiêm trọng lòng hồ.
Sự cố đã làm sạt lở nghiêm trọng lòng hồ.

Đêm xuyên rừng

Nhận hung tin, chúng tôi vượt núi xuyên rừng trong đêm dưới làn mưa xối xả. Đã hơn 10 giờ đêm nhưng lãnh đạo tỉnh và huyện Nam Giang vẫn chưa tiếp cận được hiện trường lòng hồ thủy điện Sông Bung 2. Ít nhất 2 công nhân mất tích và hàng chục người “ngoài vùng phủ sóng” sau sự cố vỡ hầm dẫn nước thủy điện. Thông tin ban đầu chỉ vậy. Xe chạy rà rà trong đêm, cảm giác đường rừng xa thăm thẳm. Cánh nhà báo cố “bám đuôi” xe lãnh đạo tỉnh lên hiện trường nhưng sau đó lạc hướng. Điện thoại thì “thuê bao quý khách hiện không liên lạc được”. Màn đêm tối đen như mực.

Đến 1 giờ sáng, qua mạng xã hội bắt đầu xuất hiện những dòng tin ban đầu của đồng nghiệp tiếp cận một cây cầu ở xã Zuôih (Nam Giang) bắc qua Sông Bung. 2 giờ khuya, tin người chết, mất tích và số phận hàng chục khách vãng lai, những người trồng rừng, mót vàng... vẫn mù tăm. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Khánh Toàn dường như là người vất vả nhất trong đêm. Ông gần như chuyển tải mọi thông tin sự cố nhà máy thủy điện cho từng nhà báo, để họ có thể bằng cách này cách nọ phản ánh nhanh nhất, không gây cảm giác hoang mang cho người dân vùng hạ du. Không vào được hiện trường vỡ hầm đường dẫn nước Nhà máy thủy điện Sông Bung 2 (xã La Ê, Nam Giang), đành nghỉ tạm giữa núi, ngóng thông tin, nghe đồng bào “tường thuật” chuyện chạy lũ.

Thoát nạn nhờ... mất điện

Công nhân Vi Văn Dũng (SN 1989, quê xã Ngọc Lâm, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An) bộc bạch: “Thường những ngày trước, em làm thợ hàn ở trong đường cống thủy điện. Chiều xảy ra sự cố, do mất điện nên em được nghỉ làm và nằm trong lán trại. Nếu không cúp điện em không biết điều gì sẽ xảy ra. Dòng nước cực mạnh cuốn trôi tấm thép nặng hàng trăm tấn và cả chục xe cơ giới thì con người cũng chỉ là chiếc lá thôi”.

Làng Pa Oi thuộc xã La Êê nằm vắt vẻo trong rừng sâu ở vành đai biên giới Việt - Lào. Lũ xuất hiện vào chiều tối 13.9 vượt ngoài sức tưởng tượng của đồng bào nơi đây, bởi từ trước giờ họ chưa một lần gặp lũ. Ông Alăng Dang (thôn Pà Oi) kể lại: “Cả nhà đang ngồi ăn cơm chiều, bỗng nước chạy ào vào nhà, ngập hết đồ đạc, bồ thóc. Sợ nguy hiểm tính mạng, tôi đùm đề vợ con chạy ra ngoài. Ngôi nhà đã cuốn trôi hết, chỉ còn là cái nền móng sụt lún. Tất cả đều diễn ra trong chớp mắt nên có ai trở tay kịp đâu”. Gia đình của ông Alăng Dang rơi vào cảnh màn trời chiếu đất, phải xin tá túc tại nhà của bố mẹ đẻ. Vợ anh - chị Pơloong Thị Hoa vì tiếc của khóc hết nước mắt. Ngôi nhà của ông Alăng Danh (anh ruột của Alăng Dang) cũng bị cuốn trôi toàn bộ do lũ dâng.

Ông Alăng Đinh Hép - Phó Chủ tịch UBND xã La Êê vẫn chưa hết bàng hoàng: “Cơn lũ đổ về nhanh như chớp. Khi nước dâng cao, tôi bồng đứa con dại chạy lên núi. Mọi đồ đạc trong nhà bị cuốn trôi hết rồi”. Và cũng theo lời ông Hép, trong đêm tối đó, dù ở trên chỗ cao ráo nhưng nhiều gia đình vẫn mang đồ đạc sơ tán lên núi, chờ đến khi dòng lũ rút mới trở lại nhà. “Sự cố vỡ hầm thủy điện khiến dân làng hoảng loạn, chắc còn ảnh hưởng đến tâm lý của đồng bào” - ông Alăng Đinh Hép nói.

Trở về từ lằn ranh sinh - tử

Thời tiết trên non cao diễn biến lạ. Sáng lạnh, đậm đặc sương. Trưa nóng như thiêu như đốt. Đứng trên cầu nhìn xuống khu vực vỡ hầm, bóng người tìm kiếm cứu nạn nhỏ như... con kiến. Con đường dẫn vào thân đập Nhà máy thủy điện Sông Bung 2, từng tốp người lặng lẽ trở về. Chân đất, đầu trần. Khuôn mặt mệt mỏi sau hành trình trắng đêm luồn rừng. Chúng tôi bắt gặp những người trở về ở quán nước đầu con dốc gần đập thủy điện Sông Bung 2. Khác với đám đông đang tất bật với công tác cứu hộ, những đôi mắt thất thần, mệt mỏi, không ai nói với nhau lời nào. Tất cả họ đều vừa thoát chết thần kỳ sau sự cố vỡ hầm dẫn dòng đập thủy điện. Chừng như tất cả vẫn chưa thể hoàn hồn sau vụ việc.

Người dân ngóng đợi tin từ người thân còn mất tích.
Người dân ngóng đợi tin từ người thân còn mất tích.

Trong quán nước, hai vợ chồng ông Nguyễn Văn Sơn (50 tuổi) và bà Nguyễn Thị Diệu (44 tuổi, trú thôn Trường An, xã Đại Quang, Đại Lộc) nhìn nhau trong nước mắt rưng rưng. Ông Sơn, bà Diệu vừa trải qua một đêm trắng luồn rừng, không một hạt cơm trong bụng, lại vô tình lạc mất nhau giữa rừng. “Chiều tối đó thì lũ về. Chạy thoát được là may quá rồi. Cả một đêm, hai vợ chồng ôm nhau khóc, chẳng ai dám tin là mình còn sống. Đến lúc trở ra thì bị lạc, nhìn lại không thấy chồng đâu, tôi muốn quỵ ngã, đi không nổi”, bà Diệu kể. Các cán bộ công an được tăng cường tìm kiếm người mất tích đã phải cố giữ bà Diệu ở lại, khi bà nhất quyết quay trở lại tìm chồng. May mắn, sau đó ông Sơn cũng trở ra được. Một cuộc trùng phùng trong nước mắt. Gặp nhau, mỗi ông Sơn là có thể ăn được bát mì tôm chế nước vội, còn bà Diệu chỉ uống nước. Miệng bà lảm nhảm cảm ơn trời phật đã phù hộ họ sống sót diệu kỳ sau sự cố. Vợ chồng ông Sơn, bà Diệu vốn sống bằng nghề bứt mây ở rừng, họ dựng lán phía hạ du đập thủy điện, chỉ cách chừng 5m. Ông Sơn nhớ lại: “Đang rửa gạo nấu cơm thì tôi nghe tiếng ầm ào phía trên dòng. Nhìn lên, cả một cột nước cao như quả núi tràn xuống. Tôi chỉ kịp hét lên: “Chạy!” rồi kéo bà vợ bò lên đồi. Vừa lên được một đoạn, nhìn lại sau lưng đã thấy dòng nước đổ xuống cuồn cuộn. Lúc đó còn có một đứa trẻ chạy sau, tôi đẩy cháu nắm lấy cái cây bò lên đồi rồi dắt vợ theo. Hai vợ chồng lên đồi thì lạc mất nhau. Đến sáng nay, khi ra khỏi rừng chúng tôi mới gặp lại. Tôi không dám tin là mình còn sống sót”.

Mờ sáng 14.9, người thân của những nhóm làm nghề bứt mây, đánh cá, làm vàng… phía dưới hạ lưu đập thủy điện Sông Bung 2 đã lũ lượt chạy lên tìm kiếm những người còn mất tích. Nhiều người may mắn liên lạc được, nhưng còn nhiều trường hợp bặt âm vô tín. Mọi người tụ tập ở phía thân đập thấp thỏm chờ đợi tin tức từ người thân. Ông Nguyễn Tự Thành (xã Đại Lãnh, Đại Lộc), một trong số những người sống sót trở về chỉ nói nổi một câu “về thôi, sợ quá rồi!”.

Nỗi lo còn đó

Một ngày sau cơn lũ quét, làng Pà Oi vắng vẻ đến lạ. Phía cuối dòng sông của làng, từng tốp thanh niên cùng nhau giúp các hộ dân vớt củi, tôn, gỗ nhà bị lũ cuốn còn sót lại. Nước mắt hòa cùng những giọt mồ hôi và mùi tanh của nước sông đặc quánh bùn non. Ông Zơrâm Huấn - Chủ tịch UBND xã La Êê cho hay, trước mắt, địa phương hỗ trợ gạo cứu đói, kiểm kê tài sản thiệt hại, tổ chức lực lượng cứu hộ và vận động người dân vượt qua khó khăn. Ở hiện trường hầm dẫn nước, nơi xảy ra sự cố, máy móc của doanh nghiệp đã được trục vớt lên bờ, chỉ 2 nạn nhân thì chưa tìm thấy thi thể.

“Quả bom nước” đã nổ tung, nhưng một chút may mắn cùng sự hứng đỡ lượng nước từ Sông Bung 2 của các nhà máy thủy điện phía hạ lưu như Sông Bung 4, Sông Bung 4A, Sông Bung 5 và 6 đã chặn được một thảm họa cho các địa phương hạ du. Nếu không có các “túi đựng nước” khổng lồ này không biết điều gì sẽ xảy ra?

Chung quanh khu vực thủy điện Sông Bung có rất ít nhà dân sinh sống, đa phần là các quán ăn phục vụ cho công nhân. Với đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao dường như rừng rú, sông suối, lòng hồ... ở đâu cũng có thể dựng “nhà di động” để thuận tiện mưu sinh. Cuộc sống nghèo đói, cộng với tập quán du canh du cư đã khiến họ phụ thuộc quá nhiều vào rừng. Gặp nhóm phu vàng trong quán ăn, hỏi họ có sợ “quả bom nước” thủy điện không, nhiều người thật thà bảo, họ không quan tâm. Điều đáng lo nhất của họ là sợ không còn được bắt con tôm, con cá, mót vàng dưới lòng sông. Rồi các cơ quan chức năng sẽ tìm ra nguyên nhân sự cố, nhưng với những gì đã xảy ra cho thấy khá nhiều lỗ hổng trong quá trình giám sát thi công thủy điện trong mùa mưa, về trách nhiệm của chủ đầu tư, cơ quan chủ quản, chính quyền các cấp trong giám sát các nhà máy thủy điện trong tích nước và xả nước.

Dân làng quanh khu vực lòng hồ thủy điện Sông Tranh 2 từng sống trong thắc thỏm âu lo mỗi khi có động đất, rồi giờ trạng thái tâm lý ấy lại xuất hiện phía thủy điện Sông Bung 2. Mặt trái của thủy điện nếu không giải quyết một cách sòng phẳng, nhiều khi cái giá phải trả còn đau hơn!

Phóng sự: H.PHÚC - T.CÔNG - A.NGƯỚC

Phóng sự: H.PHÚC - T.CÔNG - A.NGƯỚC