Tây Giang vui hội trăng rằm
Không ngập tràn sắc màu như dưới đồng bằng, nhưng trẻ em ở vùng biên giới Tây Giang vẫn có một mùa trung thu bình dị mà ấm áp.
Trung thu giản dị
Mặc cho những cơn mưa kèm theo là cái se lạnh báo hiệu mùa đông sắp về, trên những con đường ở Tây Giang vẫn vang dội tiếng trống múa lân, kéo theo từng tốp các em nhỏ, học sinh đi theo cổ vũ. Không khí thật náo nhiệt, vui tươi. Không cầu kỳ, không tốn kém tiền của cha mẹ, các em đã tự làm cho mình chiếc đèn ông sao thắp nến bằng các thanh tre vót mỏng, dán giấy gương màu xung quanh. Cũng có em làm đèn lồng rất đơn giản bằng ống nứa hoặc vỏ lon... Với các em nơi vùng cao biên giới, Tết Trung thu năm nào cũng đơn giản, hồn nhiên là vậy. Alăng Kha, học sinh lớp 7 Trường Phổ thông dân tộc nội trú huyện Tây Giang nói: “Năm nào trung thu đến cũng rất vui. Em được đi múa lân, được tự tay làm lồng đèn, vui thích hơn là được ăn bánh trung thu của nhà trường”.
Nhóm thiện nguyện Nụ cười ấm trao quà trung thu cho học sinh Ch’Ơm. Ảnh: CÔNG ĐỨC |
Để chuẩn bị cho Tết Trung thu, các trường học ở Tây Giang đều có kế hoạch tổ chức văn nghệ, múa lân, chuẩn bị từ rất sớm các điều kiện để tổ chức đêm hội trăng rằm ở trường mình. Các thầy cô giáo Tổng phụ trách Đội, các tổ chức đoàn thể trong và ngoài trường mấy ngày này cũng tất bật chuẩn bị cho các em. Dù điều kiện còn nhiều khó khăn nhưng Tết Trung thu ở vùng cao Tây Giang vẫn luôn rộn ràng và tưng bừng. Trung thu là dịp để các bé vui chơi, tham gia biểu diễn văn nghệ và thưởng thức những tiết mục mà các bạn cùng trang lứa thể hiện. Tham gia ngày hội ở trường mình, Cơlâu Bảo, học sinh lớp 5/4 Trường Tiểu học A Tiêng nói: “Em rất thích trung thu vì có múa lân để xem, có nhiều bánh kẹo, được xem ông địa. Em muốn năm sau cũng tổ chức trung thu vui như thế này”.
Tại các xã vùng cao biên giới như Tr’Hy, A Xan, Ch’Ơm, Ga Ry, chính quyền địa phương cùng các trường cũng đã có những hình thức vui trung thu tổ chức tùy theo khả năng, tạo mọi điều kiện để đem lại niềm vui, ấm áp cho trẻ em.
Thầy trò cùng vui
Nhìn về những cô cậu học trò đang đùa nghịch giữa sân trường đất đỏ, Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Ch’Ơm - Phạm Công Đức có chút ngậm ngùi: “Nơi này, người dân nghèo khó, chính quyền cũng khó thì lấy gì cho bằng được với dưới đồng bằng. Năm nào có được đoàn từ thiện dưới xuôi lên thì tổ chức trung thu cho các em được hoành tráng hơn chút xíu, còn không thì thầy trò tự tổ chức với nhau, dù chỉ vài cây kẹo, cái bánh”. Giữa miền biên viễn, cái ăn còn khó nên cha mẹ các trẻ ít ai để ý đến Tết Trung thu và đặc thù học tập bán trú nên chuyện tổ chức ngày hội cho các em đều tự tay các thầy cô giáo chăm lo.
Địa bàn xã Ch’Ơm có 2 trường là Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Ch’Ơm và Phổ thông dân tộc bán trú THCS liên xã Ch’Ơm - Ga Ry với tổng số 360 học sinh. Tuy là 2 trường nhưng cùng chung cơ sở vật chất nên các trường tổ chức cho học sinh tiểu học và THCS cùng nhau đón trung thu. Từ những ngày trước Tết Trung thu, giữa núi rừng đã vang tiếng trống tập múa lân của thầy cô giáo. Dù có phần chưa bài bản, bước nhảy chưa thành thục nhưng con lân của các thầy nơi miền núi này là cả sự mong đợi của các em học sinh. “Trung thu năm nay, chúng tôi đã chuẩn bị được 360 phần quà cho học sinh từ sự hỗ trợ của tổ chức thiện nguyện Nụ cười ấm. Năm nay, ngoài phần múa lân “cây nhà lá vườn”, chương trình Đêm hội trăng rằm còn có các tiết mục văn nghệ, đố vui có thưởng để các em được vui chơi” - thầy Tổng phụ trách đội Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS liên xã Ch’Ơm - Ga Ry cho hay. Đôi mắt say sưa theo từng điệu múa của con lân, đôi tay giữ chặt phần quà với những cây kẹo đủ màu sắc, Alăng Thị Nhất, học sinh lớp 5/2 Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Ch’Ơm nói: “Em vui lắm, vì 2 năm nay được đón trung thu cùng các bạn trong trường, vừa được chơi vừa được nhận quà. Em thích nhất là xem múa lân vì cả năm chỉ xem được một lần thôi. Em cảm ơn các thầy cô lắm!”.
HIỀN THÚY - ĐOÀN ĐẠO