Phối hợp quản lý rừng vùng giáp ranh
Rừng tự nhiên 3 tỉnh Quảng Nam - Quảng Ngãi và Kon Tum còn nhiều loại gỗ quý hiếm nên lâm tặc vẫn thường xuyên “dòm ngó”. Các địa phương đang phối hợp tăng cường triển khai các biện pháp bảo vệ, ngăn chặn tình trạng khai thác, vận chuyển lâm khoáng sản trái phép tại vùng giáp ranh.
Áp lực do phụ thuộc vào rừng
Lợi dụng đường Hồ Chí Minh, vùng giáp ranh xã Phước Mỹ (Phước Sơn) với xã Đăk Man (Đăk Glei, Kon Tum), lâm tặc thường khai thác, vận chuyển gỗ lậu. Cách đây không lâu xảy ra trường hợp 13 hộ dân thuộc thôn Mang Khênh (xã Đăk Man) sang thôn Long Viên (xã Phước Mỹ) mở rộng sản xuất trái phép gần 6ha. Tuyến đường Đông Trường Sơn đi qua tiểu khu 877, ở nóc ông Hùng, ông Thanh (thôn 3, xã Trà Vân, Nam Trà My) giáp ranh với xã Sơn Bua, huyện Sơn Tây (Quảng Ngãi) là “địa chỉ” khai thác khoáng sản trái phép, xâm hại rừng tự nhiên. Theo nhận định của cơ quan kiểm lâm 3 tỉnh, số vụ phá rừng xảy ra nhiều nhưng lúng túng xử lý, nên lâm tặc không ngần ngại xâm hại rừng. Vành đai giáp ranh dọc theo dãy Trường Sơn tập trung nhiều diện tích rừng phòng hộ và đặc dụng, nơi hình thành của các con sông lớn nên là “miền đất hứa” cho các đối tượng phá rừng.
Mở đường trái phép vùng giáp ranh giữa các xã Trà Ka, Trà Giáp (Bắc Trà My) với huyện Tây Trà (Quảng Ngãi) cách đây 3 năm. |
Ông Phan Tuấn - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Quảng Nam nhận định, các cánh rừng nguyên sinh khó bình yên từ ngày có các dự án mở đường chiến lược. Hiện nay, tuyến đường Đông Trường Sơn từ xã Sơn Bua (huyện Sơn Tây, Quảng Ngãi) đã thông tuyến qua địa phận thôn 3 (xã Trà Vân, Nam Trà My) gần 5km. Theo thiết kế, tuyến đường này sau khi hoàn thành sẽ chạy dọc theo sông Bua từ thôn 3 về thôn 2 thuộc xã Trà Vân, qua thôn 3 - xã Trà Mai (Nam Trà My) và vùng giáp ranh thôn 5 thuộc xã Trà Giáp (Bắc Trà My), sẽ là điều kiện thuận lợi để các đối tượng lợi dụng vận chuyển lâm sản trái phép. Xã Sơn Bua có điểm giáp ranh rất thuận lợi để tập kết lâm sản theo đường sông Bua hoặc bốc, vận chuyển theo đường Đông Trường Sơn để tiêu thụ.
Tình trạng phá rừng khu vực giáp ranh giữa xã Trà Ka (Bắc Trà My) với huyện Tây Trà (Quảng Ngãi) rất phức tạp. Ảnh: T.H |
Theo Chi cục Kiểm lâm Quảng Nam, đáng lo nhất là có hơn 35 hộ dân đang sản xuất ổn định với diện tích 20ha tại vùng giáp ranh, nếu chính quyền tỉnh Quảng Ngãi thu hồi lại đất theo địa giới hành chính sắp xếp của Chính phủ thì người dân sẽ thiếu đất và nguy cơ phá rừng già dọc theo sông Bua (thôn 3, xã Trà Vân) để lấy đất sản xuất rất cao. Tương tự tại thôn 1, xã Trà Giáp có 72 hộ dân (gồm 372 nhân khẩu) đang sinh sống, canh tác trong địa phận xã Trà Thanh (huyện Tây Trà, Quảng Ngãi). Tuy nhiên với phong tục, tập quán canh tác nương rẫy vẫn còn khá phổ biến, một bộ phận người dân đã phát rừng làm rẫy, làm ảnh hưởng không nhỏ đến công tác quản lý, bảo vệ rừng ở khu vực này. Khảo sát đời sống của người dân vùng giáp ranh các huyện Bắc Trà My, Nam Trà My với các huyện Tây Trà, Sơn Tây (Quảng Ngãi) cho thấy, nguồn thu nhập chính của người dân là thu hái lâm sản phụ từ rừng, nhưng không đủ để trang trải cuộc sống hàng ngày. Hoạt động sản xuất chính của họ là canh tác nương rẫy, sản xuất tự cung tự cấp. Áp lực tăng dân số, trình độ dân trí thấp, các làng nghề truyền thống chưa phát huy hiệu quả nên cuộc sống người dân phụ thuộc nhiều vào rừng, gây thách thức cho nhiệm vụ bảo vệ rừng.
Biến quy chế thành hành động
Thống nhất “gác cổng rừng” trên đường Đông Trường Sơn Trong chuyến công tác sơ kết 2 năm (2014 - 2015) phối hợp giữ rừng vùng giáp ranh của kiểm lâm 3 tỉnh Quảng Nam - Quảng Ngãi và Kon Tum tại Kon Tum trong tuần qua, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh dẫn đầu đoàn công tác có chuyến khảo sát và làm việc tại địa bàn 2 xã giáp ranh là Trà Vân (Nam Trà My) và Sơn Bua (huyện Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi). Lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi và ngành kiểm lâm cùng tham dự với đoàn. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh ghi nhận lực lượng kiểm lâm và công an của 2 địa phương đã trao đổi, chia sẻ thông tin, ngăn chặn và xử lý kịp thời những vụ việc xâm hại rừng, khai thác khoáng sản trái phép ở địa bàn giáp ranh. Đồng thời thống nhất chủ trương thiết lập chốt, trạm kiểm tra lâm sản nằm trên đường Đông Trường Sơn, qua địa phận xã Trà Vân. Theo báo cáo, trong hai năm (2014 - 2015), các hạt kiểm lâm vùng giáp ranh, Đội Kiểm lâm cơ động và phòng cháy chữa cháy rừng thuộc Chi cục Kiểm lâm 3 tỉnh Quảng Nam - Kon Tum - Quảng Ngãi đã tổ chức 1.324 đợt kiểm tra, truy quét các đối tượng xâm hại tài nguyên rừng tại vùng giáp ranh với 14.088 lượt người tham gia. Theo đó, lập biên bản xử phạt 678 vụ xâm hại rừng, xử lý 7 vụ hình sự, 656 vụ hành chính; tịch thu hơn 1.600m3 gỗ tròn các loại, tạm giữ gần 100 ô tô, xe máy. Nộp vào ngân sách nhà nước từ tiền bán tang vật và xử phạt gần 3,5 tỷ đồng. Trong đó, riêng Chi cục Kiểm lâm Quảng Nam tịch thu hơn 768m3 gỗ tròn, nộp ngân sách nhà nước hơn 2,3 tỷ đồng. |
Chi cục Kiểm lâm tỉnh Kon Tum cho rằng, lực lượng kiểm lâm 3 tỉnh chủ động phối hợp với nhau xây dựng và ký kết quy chế phối hợp quản lý, bảo vệ rừng nhằm giữ vốn rừng hiện có ở khu vực giáp ranh. Trên cơ sở quy chế phối hợp, các hạt kiểm lâm, đội kiểm lâm, khu bảo tồn thiên nhiên, ban quản lý rừng đặc dụng tiếp tục xây dựng và ký quy chế phối hợp với nhau, đồng thời biến các quy chế thành hành động thực thi cụ thể.
Đánh giá mặt tồn tại trong công tác phối hợp truy quét lâm tặc, kiểm lâm 3 địa phương đều cho rằng, khâu xác minh, phân loại các tổ chức, cá nhân có thủ đoạn hủy hoại rừng, khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép và trao đổi thông tin hai chiều để đấu tranh, ngăn chặn, xử lý còn hạn chế. Kiểm lâm phụ trách các địa bàn xã chưa tham mưu kịp thời cho cấp ủy và chính quyền các xã giáp ranh trong việc thông tin về tình hình quản lý, bảo vệ rừng, quản lý lâm sản. Ông Trần Văn Thu - Chi cục phó Chi cục Kiểm lâm Quảng Nam nhìn nhận: “Việc gặp gỡ để trao đổi, phối hợp giữa các đơn vị giáp ranh như hạt kiểm lâm, chủ rừng, UBND xã, kiểm lâm địa bàn chưa đồng bộ và thường xuyên nên một số “điểm nóng” về khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản trái pháp luật vẫn chưa được xử lý dứt điểm. Thêm vào đó, tình trạng lấn chiếm đất rừng trái phép có chiều hướng gia tăng; cùng với nạn đào đãi vàng trái phép tác động vào rừng tự nhiên còn tái diễn”.
Thời gian đầu, các quy chế phối hợp còn “lạ lẫm” nhưng từ năm 2015, các địa phương đã thực hiện rất nền nếp. Hệ thống các văn bản pháp lý về bảo vệ rừng ra đời, cùng với chủ trương giao rừng, cho thuê rừng và thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng mang lại hiệu quả thiết thực, làm cho rừng thật sự có chủ và góp phần thực hiện chủ trương xã hội hóa công tác quản lý, bảo vệ rừng. Ngoài ra, từ chính quyền cấp tỉnh đến xã vùng giáp ranh đã đưa kiểm lâm với lực lượng dân quân tự vệ và các lực lượng khác vào nhiệm vụ giữ rừng theo tinh thần Nghị định 74/2010/NĐ-CP ngày 12.7.2010 của Chính phủ.
TRẦN HỮU