Cây rơm ngày cũ
Ngày nay thỉnh thoảng chúng ta mới được gặp một cây rơm dù là về một làng quê thuần nông nhưng trước đây ở nông thôn cây rơm đã trở thành biểu tượng của làng quê, gắn bó với từng người, từng nhà. Ngày ấy nhà nào cũng có một cây rơm trước sân, trong vườn và mỗi cây rơm nói lên biết bao điều.
Quy mô của cây rơm lớn hay nhỏ sẽ phản ảnh tình hình sản xuất, trình độ phát triển của từng vùng. Làng nào nhiều nhà có cây rơm lớn là vùng có hoạt động nông nghiệp phát triển, giàu có. Sự khác biệt về quy mô của cây rơm ở ngay trong từng làng theo từng năm cũng cho thấy năm qua được mùa hay mất mùa.
Nhiều người vẫn nói đùa cây rơm cũng có tính “giai cấp”. Nhìn cây rơm là có thể nhận ra chủ nhân giàu hay nghèo. Những nhà nghèo cây rơm thường nhỏ và thấp. Cây rơm càng to chủ nhân càng giàu có vì có nhiều ruộng đất, thóc lúa. Không những thế, cây rơm còn phản ánh cả “tính cách” chủ nhân của nó: Chủ nhà là người chuộng nghệ thuật hay thích phô trương thường chất cây rơm có hình trái bí, nhỏ ở dưới, càng lên càng phình ra sau đó tóp lại. Những người thực dụng hay chơn chất lại chọn cây rơm hình mụt măng, to ở dưới càng lên càng tóp lại và thường cao hơn, có dáng thanh thoát. Cây rơm hình trái bí đẹp, bề thế, oai vệ nhưng đòi hỏi phải có nhiều rơm và dễ bị gà bươi vì chúng dễ leo lên. Ngược lại cây rơm hình mụt măng thường thon nhỏ, khỏe mạnh và không bị gà bươi.
Ngày trước ở quê tôi rơm cực kỳ quan trọng. Là thức ăn cho trâu bò hàng ngày đặc biệt vào những ngày mưa bão, giá rét trâu bò không thể ra gò, ra đồng gặm cỏ. Nhà nào cũng nuôi trâu bò để cày bừa nên không thể thiếu nguồn thức ăn dự trữ quan trọng này. Rơm còn được dùng để lót ổ cho gà đẻ, lót ghè đường cho khỏi bị ẩm, cột các cặp đường trước khi đem bán hoặc biếu cho ai. Hai bánh đường ghép lại bao bọc bằng cuộn dây rơm, bảo đảm không bị bể dù vận chuyển đi xa. Đến mùa đóng dầu, rơm được dùng để cuộn bên ngoài tấm bánh dầu trước khi đưa vào “bộng” ép cho ra dầu. Không như một số vùng quê khác, ở quê tôi rơm ít được dùng để đun bếp. Họ cho đó là phí phạm vì nguồn củi đun khá dồi dào trong khi rơm lại ít. Họa hoằn lắm họ mới dùng rơm để nhen lửa, nhất là lỡ khi gặp củi ướt. Vì vậy để có thể dự trữ được loại sản phẩm đa dụng này, giải pháp tốt nhất là chất rơm thành cây.
Để chất thành cây, rơm phải được phơi thật khô, phải chuyển từ màu vàng sang màu xám trắng. Lúa gặt xong được tuốt hết hạt bằng cách đập, hay cho trâu bò đạp. Rơm được trâu bò đạp lúa là loại tốt nhất vì cọng rơm mềm và khô. Sau đó đem trải mỏng ra khắp sân vườn hay đường đi ít nhất là 2 - 3 nắng cho thật khô. Trong quá trình phơi phải nhiều lần “trở” rơm bằng “mỏ xảy” để rơm được khô đều. Khi rơm đã khô người ta dồn lại thành “đống rơm” hay “ụ rơm” để nếu gặp mưa không bị ướt và dành không gian để phơi những mẻ rơm gặt sau. Khi chấm dứt mùa gặt, toàn bộ rơm đã được phơi khô người ta mới chất rơm thành cây rơm.
Hình thành một cây rơm là sự kết hợp giữa “kỹ thuật và nghệ thuật”. Kỹ thuật là làm sao cho cây rơm vững chắc, không bị thấm nước làm thối rơm. Sau này rơm được rút từ từ dù đứt gốc vẫn không bị đổ. Còn nghệ thuật chính là kiểu dáng, độ tròn, độ xuôi, độ cân đối của cây rơm. Việc chất một cây rơm phải qua nhiều công đoạn.
Ngày nhỏ nhìn những đống rơm ngày càng cao, bọn trẻ chúng tôi vừa trông vừa lo đến ngày chất rơm. Trông vì ngày chất rơm thường là ngày kết thúc mùa gặt, không chỉ người lớn mà cả bọn trẻ chúng tôi đều đỡ vất vả lại được những bữa ăn ngon. Kết thúc mùa gặt luôn có một bữa cúng với thịt cá, mì quảng, xôi chè. Đặc biệt ngày chất rơm luôn được ăn bún. Chỉ là bún với nước mắm nhỉ, ớt tỏi mà sao bọn tôi mong đợi và khi đến tuổi thất thập nhớ lại vẫn thấy… chảy nước miếng. Cũng nên nói thêm cuối mùa gặt người ta thường đi đổi bún. Cứ một rổ bún đổi 2 - 3 rổ lúa tùy loại (lúa chắc hay lép). Bọn trẻ chúng tôi qua việc mót lúa sót trên ruộng cũng góp phần vào những rổ bún ngày chất rơm. Bên cạnh niềm vui chúng tôi cũng cảm thấy lo vì không còn chỗ để trốn tìm, không được nằm thoải mái trên những thảm rơm trong mùi hương đồng nội nhìn lên những đám mây đang trôi lang thang trên trời và chìm dần vào giấc ngủ vô tư của trẻ thơ.
Tuổi thơ của lứa chúng tôi, cây rơm lưu giữ bao kỷ niệm. Đó là nơi đám bạn chơi trò trốn tìm, nín thở vùi mình dưới rơm; là nơi những ngày đông giá rét trốn chăn bò chui vào ngủ một giấc ấm áp ngon lành trong mùi thơm khó tả của rơm rạ quê nhà…
Ngày nay, nông thôn đã một phần được cơ giới hóa. Trâu bò không còn giữ vai trò quan trọng trong việc cung cấp phân bón và sức kéo. Vị trí của rơm cũng giảm vì thế những cây rơm không còn nhiều, không còn là biểu tượng cho làng quê. Những lần dong ruổi trên đường làng nhìn một đống rơm mục nát bên đường chúng tôi lại thoảng nghe mùi rơm rạ để rồi tiếc nuối hoặc tình cờ được thấy một cây rơm, lòng bỗng bồi hồi nhớ những mùa vàng tuổi thơ xa lắc xa lơ trong quá khứ đã không còn.
LÊ THÍ