Câu view - Câu like
Bài này không dám lạm bàn đến lĩnh vực báo chí, nơi mà chuyện “giật tít câu view” đang là vấn đề gây tranh cãi giữa các nhà báo, các tòa soạn, giữa báo in và báo điện tử, giữa tiêu chí đạo đức nghề nghiệp và cạnh tranh thông tin… Ở đây chỉ tản mạn vài phút về chuyện “úp lên phây” của các “tín đồ” facebook (FB), một trang mạng xã hội đang có dân số khoảng hơn một tỷ rưỡi người trên thế giới.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet |
Câu view
Các ứng dụng của FB đến nay đã đi xa hơn nhiều so với mục tiêu ban đầu khi trang mạng này mới được sáng lập. Mỗi tổ chức hoặc cá nhân sở hữu một tài khoản FB có thể trao đổi với người thân, bạn bè hoặc mọi người bất cứ thứ gì vừa nghĩ ra; một thông tin, hình ảnh… do chính mình tạo tác hoặc nhặt nhạnh được ở đâu đó. Những thứ này sẽ xuất hiện trên “Bảng tin cập nhật” (News feed) của cộng đồng “bạn bè” trên FB. Nhưng vì một người dùng FB có thể có đến hàng ngàn “bạn bè”- và nếu muốn, trong vòng 5 phút người ta có thể tăng số lượng “bạn bè” thêm vài ngàn người với các công cụ hỗ trợ khác - cho nên trong một “rừng” thông tin như vậy, muốn cho người ta để mắt tới “hàng” của mình thì phải “câu view”. Và cũng như… câu cá, để “bạn bè” click chuột vào thì cái tiêu đề, hình ảnh đại diện phải bắt mắt, cho dù nội dung chẳng đáng giá bao nhiêu.
Đối với các doanh nghiệp, “câu view” trên FB có lý do rất thực dụng vì đó là một hình thức quảng bá thương hiệu, tiếp thị sản phẩm chi phí thấp và hiệu quả hơn so với các kênh khác, mặc dù cũng tồn tại nhiều trường hợp “treo đầu dê bán thịt chó” mà vẫn không bị ràng buộc bởi pháp luật. Trên FB có thể quảng cáo một loại thuốc gia truyền… “trị tận gốc các loại bệnh ung thư” (!) dưới hình thức trao đổi thông tin mà không cần giấy phép của ngành thông tin truyền thông. Một buổi sáng mở bảng tin thấy có ai đó post lên tấm hình một cây xương rồng rất ấn tượng. Click vào xem thử thì lại dẫn đến trang quảng cáo một loại kem bôi… hậu môn cho người bị bệnh trĩ mà chẳng thấy đá động gì đến cây xương rồng. Mặc dù mình chưa “đau khổ” vì món này nhưng đã lỡ vào rồi, cũng ráng đọc cho hết. Mặt khác, nhiều người nổi tiếng có fanpage (trang tương tác cộng đồng hâm mộ) đông đảo có thể hái ra tiền bằng dịch vụ cho thuê chính sự nổi tiếng của mình để câu view cho các công ty quảng cáo. Ở Việt Nam, những diễn viên “hot” nhất có giá mỗi post (bài đăng quảng cáo) trên FB của họ lên đến hàng chục triệu. Thử điểm qua một vài tên tuổi: Chi Pu 16 triệu/post, Đông Nhi 25 triệu, Minh Hằng 30 triệu, Sơn Tùng 72 triệu… Mỗi tuần họ cho đăng 5 - 20 post. Thử nhẩm vài phép tính sẽ thấy “câu view” trên FB không phải chỉ là chuyện chơi.
Câu like
Còn nhiều hoạt động kiếm tiền khác nhờ FB, trong đó có cái chính danh, có thứ lừa bịp nhưng nhìn chung là thiên về lợi ích kinh tế. Có một dạng “câu view” khác mà hầu hết cư dân mạng “vô tư” thường đưa lên trang FB của mình như chuyện bếp núc, du lịch, chuyện văn chương nghệ thuật… chỉ với mục đích “câu like”. Mới đi chơi đâu đó tự chụp selfie được một album ảnh liền “úp lên phây” cho bạn bè view rồi ngồi đếm số lượt like, share, tủm tỉm đọc những dòng comment tán dương, chủ yếu chỉ để… tự sướng chứ thực ra chẳng mong lợi lộc chi ở đó. Tuy nhiên, nhiều “tín đồ” FB nghiện like tới mức đi đâu, gặp gì cũng giơ smartphone lên bấm rồi suốt ngày đăng lên FB khiến bạn bè dẫu thân tình, “ăn ảnh” riết rồi cũng bị… bội thực và khó xử. Buổi sáng là ảnh chủ nhân ngồi bên chú mèo đang ngoẹo cổ liếm lông, buổi trưa thấy một chiếc váy mới, buổi chiều lại xuất hiện một dòng status ngắn gọn “ Ôi cục cưng của tui nghịch quá!” đính kèm tấm hình thằng cu đang níu tóc mẹ… Chẳng có gì đặc biệt, nhưng không “lai”, không “còm” ít chữ thì tỏ ra khiếm nhã với bạn bè.
Hiện nay đang có một công trình nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc đại học Wolverhampton ở Anh cảnh báo rằng việc đăng ảnh liên tục lên FB là một cách… tàn phá trí não, có thể khiến bộ nhớ suy yếu, gây căng thẳng và lo lắng, mất dần khả năng tập trung và sự gắn kết với môi trường xung quanh.
Ở chiều ngược lại, có khi chúng ta lấy làm lạ rằng nhiều người bấm like như một… phản xạ chứ chưa hẳn đã thực sự thích thú với nội dung thông tin. Trong fanpage của các diễn viên nổi tiếng, thỉnh thoảng lại thấy cả ngàn lượt like kèm theo hàng chục comment cho một status bâng quơ của chủ nhân tài khoản, đại loại như: “Ôi, tối nay mệt bã hơi!”. Không rõ số like đó là thật hay ảo vì hiện nay trên thị trường mạng đang nở rộ những “dịch vụ tăng likefacebook” với giá cả cụ thể cho từng “gói”, chẳng hạn trang http://tanglikefacebook.net/ báo giá 5 triệu đồng cho gói 50.000 like, 7 triệu cho gói 100.000 like… Dịch vụ này đặc biệt hấp dẫn đối với các doanh nghiệp mới thành lập cũng như giới showbiz đang vào nghề. Like càng nhiều chứng tỏ thương hiệu càng mạnh, sẽ càng thu hút thêm khách hàng hoặc lượng fan càng thêm đông đảo. Cũng từ đó nảy ra các thương vụ mua bán hoặc cho thuê fanpage với giá cả không hề nhỏ. Bằng những chiêu trò câu like, những người chuyên “cày like” (like farming) “nuôi” fanpage của mình đến khi đạt một số lượng like đủ lớn có thể bán lại cho một công ty marketing nào đó hoặc cho thuê để làm gian hàng quảng cáo sản phẩm. Khi đó các status, comment… sẽ được điều chỉnh dần để phù hợp với nội dung mới. Cũng là một cách kiếm tiền… thông minh!
Chuyện “câu view, câu like” còn nhiều khía cạnh đáng bàn. Tuy nhiên, người chơi FB cũng không nên dành quá nhiều thì giờ vào hoạt động này đến mức trở nên… tâm thần phân liệt, nhất là phải cẩn thận kẻo từ “câu like” lại bị “câu lưu” vào nhà đá như mấy vụ tung tin đồn nhảm ở Cồn Vành - Thái Bình, Vạn Điểm - Thường Tín gần đây.
PHAN VĂN MINH