Chút băn khoăn cùng việt dã

AN NHI 09/09/2016 12:57

1. Giải Việt dã truyền thống Báo Quảng Nam bước sang tuổi 20; trong đó đây là năm thứ 6 tổ chức thêm nội dung dành cho đội tuyển các tỉnh, thành phố, các trung tâm huấn luyện thể thao trên cả nước. Một sân chơi nhiều ý nghĩa đối với người dân, vận động viên (VĐV) phong trào cũng như chuyên nghiệp. Từ một giải đấu phong trào trong tỉnh, với nỗ lực nâng tầm của các nhà tổ chức, kể từ lần thứ XV năm 2011, giải bắt đầu vươn ra khỏi địa phương và đã trở thành cầu nối hằng năm cho VĐV các tỉnh, thành phố trên địa bàn cả nước tập trung về xứ Quảng để đua tài. Đáng nói, trong những năm gần đây có rất nhiều gương mặt xuất sắc của cả nước, những tuyển thủ quốc gia chinh chiến và giành chiến thắng ở đấu trường SEA Games như Dương Văn Thái, Đỗ Thị Thảo, Phạm Tiến Sản, Nguyễn Văn Lai, Phạm Thị Huệ, Nguyễn Thị Oanh, Bùi Thế Anh, Đỗ Quốc Luật… ít nhất từng một lần góp mặt trên đường chạy việt dã Báo Quảng Nam.

  • Hấp dẫn và kịch tính
  • Vươn tầm quốc gia
  • 20 năm, những người luôn gắn bó
  • Những điểm nhấn ấn tượng
  • Khai mạc giải Việt dã truyền thống Báo Quảng Nam mở rộng lần thứ XX năm 2016
  • Hứa hẹn nhiều kịch tính
  • Rèn luyện cho cuộc đua
  • 130 đoàn tham gia giải Việt dã truyền thống Báo Quảng Nam mở rộng năm 2016
Nhiều tuyển thủ quốc gia góp mặt trên đường chạy 10.000m giải năm nay tạo ra sức cạnh tranh hấp dẫn cho cuộc đua.
Nhiều tuyển thủ quốc gia góp mặt trên đường chạy 10.000m giải năm nay tạo ra sức cạnh tranh hấp dẫn cho cuộc đua.

Còn nhớ lúc chưa nghỉ hưu, ông Võ Văn Lâm - Giám đốc Ngân hàng NN&PTNT chi nhánh Quảng Nam - đơn vị tài trợ chính - luôn trăn trở đến việc nâng tầm giải đấu lên quy mô toàn quốc và sẵn sàng mở “hầu bao” tài trợ. Trước giải năm nay, gọi điện cho ông Lâm với mong muốn để nghe chia sẻ về giải đấu mà ông rất tâm huyết. Ông bảo, năm 2005 khi Ngân hàng NN&PTNT chi nhánh Quảng Nam nhận lời tài trợ cho giải Việt dã Báo Quảng Nam, ông có hy vọng và niềm tin là giải sẽ phát triển mạnh và nâng tầm lên thành sân chơi chuyên nghiệp của khu vực miền Trung, thậm chí cả nước. “Tôi rất vui khi đến bây giờ, niềm tin và hy vọng đó đã trở thành hiện thực. Việc mở rộng và nâng tầm không chỉ góp phần quảng bá hình ảnh của giải, của Báo Quảng Nam mà còn thương hiệu của nhà tài trợ” - ông chia sẻ.

2. Hôm họp báo về giải, một thành viên ban tổ chức đã bày tỏ băn khoăn: trong khi hàng năm, 15 tỉnh, thành phố từ khắp cả nước đến tham gia giải Việt dã Báo Quảng Nam thì Quảng Nam nhiều năm qua lại đứng ngoài cuộc chơi vì không có đội tuyển (trừ năm đầu tiên tổ chức nội dung đội tuyển tỉnh, thành phố). Chia sẻ này sau đó được Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Hồ Tấn Cường đồng tình và cho biết lãnh đạo ngành sẽ tiếp thu, nghiên cứu, tìm cách khắc phục.

Thật ra mục tiêu của giải Việt dã Báo Quảng Nam bên cạnh tổ chức sân chơi thể thao phong trào cho các tầng lớp nhân dân còn góp phần phát hiện, tạo nguồn cho ngành TD-TT tuyển chọn tài năng để đào tạo trở thành VĐV thể thao thành tích cao. Còn có được VĐV tốt, thậm chí trở thành tuyển thủ quốc gia như trường hợp của Nguyễn Thị Hòa hay không lại là câu chuyện khác và phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Hơn nữa, lâu nay kế hoạch của ngành TD-TT chỉ đào tạo VĐV ở các cự ly ngắn nên không thể tham gia cự ly 10.000m đối với nam hay 5.000m đối với nữ của giải Việt dã Báo Quảng Nam. Tuy nhiên, từ vấn đề vừa nêu đã gợi mở cho ngành TD-TT trong định hướng xây dựng kế hoạch đào tạo, huấn luyện. Nên chăng thời gian tới sẽ mở thêm cự ly dài hoặc cách nào đó để có đội tuyển tỉnh tham gia thi đấu giải Việt dã Báo Quảng Nam? Nói tóm lại, làm sao để giải luôn có mặt đội chủ nhà, vừa tạo không khí sôi nổi cho giải, vừa góp phần phát triển thể thao thành tích cao của tỉnh.

3. Ông Dương Đức Thủy - Trưởng bộ môn điền kinh Tổng cục TD-TT trong lần đầu đến Tam Kỳ dự khán đã có những gợi mở đáng để suy nghĩ. Theo chuyên gia điền kinh hàng đầu của Việt Nam này, việc Ban tổ chức giải Việt dã Báo Quảng Nam hỗ trợ kinh phí cho các tỉnh, thành phố, trung tâm tham gia là tốt. Song, với góc độ kinh tế thể thao, thay vì hỗ trợ sẽ chuyển sang nâng mức tiền thưởng cao lên để tạo sự hấp dẫn đối với VĐV, giúp họ thi đấu nỗ lực hơn, tăng mức cạnh tranh hơn. Từ đó sẽ giúp cho ban tổ chức giải không lấn cấn chuyện mời bao nhiêu địa phương. Thậm chí đến lúc nào đó, các đoàn đến với giải không nhận tiền hỗ trợ mà còn phải nộp thêm tiền để được thi đấu. Để làm được điều đó, chất lượng phải được nâng lên và lúc đó nhiều VĐV các tỉnh, thành phố tự khắc sẽ tìm đến với giải.

AN NHI

AN NHI