Năm học mới, nỗi lo cũ

CHÂU NỮ 09/09/2016 08:38

Tình trạng lạm thu, chất lượng giáo dục, dạy thêm học thêm… luôn là nỗi lo của nhiều bậc phụ huynh khi bước vào năm học mới.

Mối lo học phí, phụ phí

Từ năm học 2016 - 2017 này, mức thu học phí mới, theo hướng tăng hơn so với năm học trước được áp dụng ở các cấp học trên địa bàn tỉnh. Đối với nhiều gia đình có thu nhập cao, mức tăng học phí này không nhiều so với năm học trước và cũng không phải là điều đáng lo ngại. Thậm chí nhiều người sẵn sàng bỏ ra hơn 2,5 triệu đồng/tháng để con được học lớp VIP (lớp học có sĩ số học sinh ít, phòng học có máy điều hòa) ở các trường mẫu giáo tư thục. Tuy nhiên, đây thực sự là gánh nặng đối với những gia đình khó khăn, thu nhập bấp bênh. Trong buổi họp phụ huynh học sinh ở một trường mầm non trên địa bàn TP.Tam Kỳ trước ngày khai giảng năm học này, nhiều phụ huynh đều tỏ ra băn khoăn với thông báo tăng học phí từ năm học 2016 - 2017 theo quy định của UBND tỉnh. Một phụ huynh quê Tiên Phước, thuê nhà trọ ở Tam Kỳ để phụ bán cà phê nhẩm tính, tiền học phí, tiền bán trú nếu ăn sáng, ăn tối và học luôn ngày thứ Bảy của một học sinh mầm non hơn 1 triệu đồng/tháng; chưa kể đồng phục và các khoản khác. Như vậy, gia đình phải tiết kiệm chi tiêu hết sức mới có thể lo các khoản đóng góp cho con.

Niềm vui của học sinh trong  ngày khai trường. (Ảnh chỉ có tính chất minh họa). Ảnh: CHÂU NỮ
Niềm vui của học sinh trong ngày khai trường. (Ảnh chỉ có tính chất minh họa). Ảnh: CHÂU NỮ

Chị T.H.D., công tác ở một cơ quan nhà nước cấp tỉnh lo ngại vì gia đình có 2 con đang học phổ thông, ngoài tiền sắm sửa quần áo, giày dép, sách vở, đồ  dùng học tập trước khai giảng còn phải chi thêm khoản tiền trường đầu năm học khá lớn so với thu nhập của hai vợ chồng. Trong khi đó, tiền trường đầu năm bao giờ cũng là gánh nặng đối với nhiều gia đình ở nông thôn, miền núi. Chị Trương Thị Lành ở xã Quế Xuân 2 (huyện Quế Sơn) cho biết, gia đình chị phải bán mấy tạ lúa mới mua sắm áo quần, đồ dùng học tập và  đóng góp các khoản đầu năm học cho 2 con đang học THCS. Còn một phụ huynh ở Nông Sơn chia sẻ, học phí đối với một địa phương miền núi không nhiều nhưng phụ huynh lại sợ các khoản đóng góp khác, nhiều khi nhà trường, ban phân hội phát động nhưng không có tiền đóng, đành để… nợ.

Các khoản thu đầu năm học thường được nhà trường phân loại thành các khoản bắt buộc, thỏa thuận, tự nguyện. Và, khoản thu gọi là “tự nguyện” lại khiến phụ huynh không đồng tình nhất, có người còn tỏ ra bất bình. Một phụ huynh nêu ý kiến: “Khoản thu tự nguyện thường là quỹ hội phụ huynh. Đã gọi là “tự nguyện” sao thu tất cả phụ huynh cùng một mức. Tự nguyện nhưng không đóng cũng không được, vì sợ ảnh hưởng đến việc học của con cái…”.

Băn khoăn chất lượng giáo dục

Học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân trên địa bàn tỉnh từ năm học 2016 - 2017 đến năm học 2020 - 2021:
Đối với giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông công lập, mức thu mỗi học sinh/tháng cụ thể như sau:
- Mầm non: thành thị 105 nghìn đồng, nông thôn 45 nghìn đồng, khu vực miền núi 20 nghìn đồng (mức cũ: thành thị 80 nghìn đồng, nông thôn 35 nghìn đồng, miền núi 15 nghìn đồng).
- THCS: thành thị: thành thị 60 nghìn đồng, nông thôn 30 nghìn đồng, miền núi 15 nghìn đồng;
- THPT: thành thị 105 nghìn đồng, nông thôn 65 nghìn đồng, miền núi 20 nghìn đồng.
Mức thu học phí của giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp mỗi học sinh, sinh viên/tháng cụ thể như sau:
- Ngành khoa học xã hội, kinh tế, luật; nông, lâm, thủy sản: hệ đại học 500 nghìn đồng, hệ cao đẳng 410 nghìn đồng, hệ trung cấp 350 nghìn đồng.
- Ngành khoa học tự nhiên; kỹ thuật, công nghệ; thể dục thể thao, nghệ thuật; khách sạn, du lịch: hệ đại học 590 nghìn đồng, hệ cao đẳng 470 nghìn đồng, hệ trung cấp 410 nghìn đồng;
-Ngành y dược: hệ trung cấp 510 nghìn đồng, hệ cao đẳng 590 nghìn đồng.
Mức thu học phí đối với các cơ sở đào tạo cao đẳng và trung cấp nghề đối với 1 học sinh, sinh viên/tháng: hệ trung cấp 290 nghìn đồng, hệ cao đẳng  330 nghìn đồng.
 (Nguồn: Quyết định số 3074/QĐ-UBND ngày 30.8.2016 của UBND tỉnh)

Nhiều phụ huynh có con đã và đang theo học theo mô hình thí điểm trường học mới (VNEN) băn khoăn về chất lượng của mô hình này. Nhất là sau 5 năm ở bậc tiểu học học theo mô hình VNEN, giờ đây, khi lên cấp THCS, họ e ngại con em mình không bắt kịp chương trình với học sinh đã học theo phương pháp truyền thống ở cấp tiểu học. Chưa hết, năm học này, việc nhận xét, đánh giá học sinh tiểu học theo Thông tư 30 của Bộ GD-ĐT cũng còn nhiều ý kiến trái chiều trong giáo viên và phụ huynh như 2 năm qua. Giáo viên thì mệt mỏi với hồ sơ, sổ sách, câu chữ nhận xét, đánh giá; trong khi đó, phụ huynh lại không biết chính xác lực học của con em mình để có hướng giáo dục đúng khả năng.

Còn nữa, vấn đề dạy thêm, học thêm, dù UBND tỉnh đã ra quyết định siết chặt nhưng tình trạng dạy thêm trái quy định vẫn diễn ra tràn lan. Sẽ không có gì đáng nói nếu dạy thêm, học thêm hoàn toàn trên tinh thần tự nguyện, xuất phát từ nhu cầu thực tế của phụ huynh và học sinh là do chương trình học quá nặng, tiết học chính khóa không thể tải hết và giáo viên đối xử/cho điểm công bằng đối với học sinh có học thêm hay không. Phải công nhận rằng, dạy thêm, học thêm là nhu cầu có thật nhưng đã bị lạm dụng. Và nếu như đầu năm học có khoản thu “tự nguyện” và “bắt buộc” thì dạy thêm, học thêm cũng có “tự nguyện” và “ép buộc”. Nhiều phụ huynh dù không muốn nhưng sợ con bị “đì”, bị “ép”, đành cho con học thêm ở thầy cô dạy chính khóa dù không muốn và biết rằng như vậy là trái quy định.

Năm học mới, bên cạnh  kỳ vọng về quyết tâm đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, vẫn còn đó nỗi lo của phụ huynh về lạm thu, nỗi lo chất lượng giáo dục. Những nỗi lo này không biết đến bao giờ mới chấm hết…

CHÂU NỮ

CHÂU NỮ