Sinh viên khám phá di sản
Trong tháng 8 vừa qua, các sinh viên lớp 13 cử nhân Văn hóa học (Khoa Ngữ văn, Trường ĐHSP Đà Nẵng) đã có chuyến hoạt động thực tế, sưu tầm vốn di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh để khám phá đất và người nơi đây.
Cơ hội tiếp cận
Đây là lần đầu của ngành mới có được chuyến thực tập dài ngày chất lượng và sâu sát với chuyên ngành được hỗ trợ của Sở VH-TT&DL Quảng Nam. Dù đang trong thời gian nghỉ hè nhưng phần lớn các sinh viên của lớp 13 cử nhân Văn hóa học đều háo hức với hành trình thực tế. Bạn Lê Văn Phúc - lớp trưởng lớp 13 cử nhân Văn hóa học, bộc bạch: “Trước đây, lớp chỉ đi thực tế ở một vài điểm như Mỹ Sơn, Hội An… theo chương trình học phần. Còn lần này, các bạn sẽ phải chia nhỏ nhóm đi sâu hơn vào các làng quê để trải nghiệm nên đòi hỏi sự nhiệt huyết và kỹ năng làm việc độc lập hơn”.
Nhóm sinh viên tiếp cận người dân để sưu tầm tư liệu di sản văn hóa phi vật thể tại huyện Đại Lộc. Ảnh: Q.T |
Trong vòng nửa tháng, 39 sinh viên của lớp 13 cử nhân Văn hóa học được chia nhỏ thành các nhóm tỏa ra 10 địa phương của tỉnh gồm: TP.Hội An, thị xã Điện Bàn và các huyện Duy Xuyên, Đại Lộc, Nông Sơn, Quế Sơn, Thăng Bình, Núi Thành, Tiên Phước, Phú Ninh. Nội dung sưu tầm của chuyến điền dã xoay quanh chủ đề di sản văn hóa phi vật thể với 3 mảng chính: ngữ văn dân gian, tập quán xã hội và nghệ thuật trình diễn dân gian. Mỗi mảng lại chia thành những đối tượng nhỏ để nghiên cứu, sưu tầm như chữ viết, sử thi, truyện cổ tích, lễ hội truyền thống… Dựa vào hệ thống đã phân loại trên, các nhóm sinh viên sẽ lần tìm, ghi chép, kiểm kê những di sản văn hóa phi vật thể tại nơi được phân công, trong đó ưu tiên khám phá những di sản đang dần mai một cần phải bảo vệ.
Nhiều trải nghiệm
Vượt qua phút ban đầu rụt rè, bỡ ngỡ do lần đầu tiếp cận địa bàn của chuyến khảo sát, các nhóm sinh viên nhanh chóng len lỏi vào từng ngõ ngách, làng xóm để lần dò, lượm lặt những manh mối của di sản văn hóa phi vật thể từ những địa chỉ sơ sài được cung cấp. Trong đợt điền dã này, nhiều sinh viên đã lần đầu tiên khám phá được các nét văn hóa mới mà ở giảng đường chưa được tiếp cận. Đó là những bộ hương ước, khế ước bằng chữ Nôm rồi các bài ca dao, làn điệu hò khoan được truyền miệng từ bao đời đang có nguy cơ thất truyền bởi thế hệ trẻ không mặn mà với nó. Cũng có trường hợp phong tục, tập quán độc đáo được ghi nhận như ở xã Bình Tú, huyện Thăng Bình người dân hay treo cuống lá dứa trong nhà khi gia đình có người sinh đẻ từ nhóm bạn Nguyễn Thị Phượng và Hoàng Thị Bảo Trinh…
Trong nhóm khảo sát địa bàn huyện Tiên Phước của lớp trưởng Lê Văn Phúc, may mắn có một bạn là người địa phương nên hoạt động khá hiệu quả và phát hiện được nhiều chi tiết lý thú. Nhóm đã tìm gặp được cụ Nguyễn Văn Long (xã Tiên Hiệp, Tiên Phước) từng nhiều năm biểu diễn tuồng khắp nơi trong tỉnh và bây giờ vẫn tự tay chế tạo được đàn cò. Nhóm đã ghi lại những điệu hát ru con, hát vè mà cụ Long vẫn nằm lòng và luôn khao khát có thế hệ nối tiếp để di sản không bị mai một. Hay về sự tích Đá Hòn Chồng (xã Tiên Mỹ, Tiên Phước) được người cao niên tại đây kể lại mang đậm tính huyền bí, rằng ngày xưa tại nơi này có hai vợ chồng ngày đêm gánh đá để đắp đê và đã đắp được hai khối đá cao. Một ngày nọ, người vợ đang gánh đá thì bị sảy chân trượt ngã làm xô đổ một khối đá đã xây dựng. Người chồng vội vã cõng vợ đi tìm thầy thuốc, mỗi bước chân ông cõng đi tương truyền là những hòn đá nhỏ dẫn vào Đá Hòn Chồng bây giờ.
Nhận xét về kết quả của chuyến thực tế, ông Trần Văn Dũng - Phó Trưởng phòng Di sản văn hóa, Sở VH-TT&DL cho biết, hiện tại các em sinh viên tham gia chuyến đi đều đã nộp bản nhật ký về kết quả của chuyến thực tế. Đơn vị rất mong sẽ nhận được những tư liệu đáng tin cậy làm cơ sở để phân tích, nhận định thực trạng của di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh hiện nay.
QUỐC TUẤN