Nghị lực của một cô giáo
Có lúc tưởng như đã phải gục ngã vì bệnh tật hiểm nghèo nhưng với nghị lực và khát khao mãnh liệt, cô Phạm Thị Tường Vi (trú phường Vĩnh Điện, thị xã Điện Bàn) đã vượt qua khó khăn để trở lại với đam mê bục giảng.
Khi chúng tôi ghé nhà, cô Vi, giáo viên môn Hóa - Trường THPT Nguyễn Khuyến, thị xã Điện Bàn đang tất bật với những cuộc điện thoại để tìm cơ hội với các suất học bổng nhằm giúp đỡ các học trò khó khăn vừa bước vào giảng đường đại học. Đề cập về chuyện của mình, cô Vi cười bảo có lẽ là duyên số trong cuộc sống.
Tai họa bất ngờ
Đầu năm 2014, trong một lần đi khám sức khỏe định kỳ tại Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng, các bác sĩ tại đây chẩn đoán rằng cô có dấu hiệu của bệnh ung thư, sau khi khám kỹ hơn, bác sĩ Trần Tứ Quý, công tác tại Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng nhận định rằng cô Vi đã mắc ung thư vú nhưng ở giai đoạn sớm nên cơ hội là vẫn còn nếu sắp xếp thời gian chữa trị nhanh chóng và đúng phương pháp. Thoạt đầu cô Vi khá sốc bởi lúc này con gái út của mình chưa đầy 18 tháng. Lặng lẽ thu xếp công việc, cô vào TP.Hồ Chí Minh nằm viện gần hai tháng liên tục để hóa trị với nỗi lo phập phồng thường trực.
Tận dụng những lúc nhàn rỗi, cô Vi đã kèm cặp cho hàng trăm học sinh khó khăn trong nhiều năm qua. Ảnh: Q.T |
Nhiều tháng sau đó, dù sức khỏe không được tốt và tóc bị rụng gần hết do ảnh hưởng của các đợt hóa trị nhưng cô Vi đã miệt mài lên bục giảng hàng ngày với mái tóc giả trong sự xúc động của học trò và đồng nghiệp. Một tháng liền cô Vi cứ trằn trọc mãi không ngủ được với nhiều nỗi âu lo và trăn trở về bệnh tật rồi có những ngày khối hạch, phù nề ở nách nổi lên khiến cô thêm phiền muộn. Được sự giới thiệu của một người bạn về phương pháp thiền sinh học, tận dụng thời gian rảnh cô Vi lại cất công vào huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định nơi có người thầy truyền đạt phương pháp này để tiếp thu.
Trở về nhà, mỗi sáng thức dậy cô Vi đều ngồi thiền tĩnh tâm khoảng một giờ đồng hồ trước khi đi dạy, khá ngạc nhiên là thời gian ngắn dấu hiệu phù nề ở nách biến mất hoàn toàn trong sự ngỡ ngàng của cả gia đình. Từ đó cô giáo Vi luôn mang trong tâm niệm “Nếu không thể cản những đợt sóng thì tốt nhất là học cách lướt trên con sóng”. Cô tự vạch ra cho mình một chế độ ăn kiêng sữa, đạm động vật… bất chấp sự phản đối của nhiều người rằng làm vậy thì sức khỏe đâu mà trị bệnh. Sau 6 lần tái khám và điều trị tại Bệnh viện Ung bướu TP.Hồ Chí Minh, các bác sĩ tại đây đều rất ngạc nhiên khi chỉ số đường trong máu của bệnh nhân Đỗ Thị Tường Vi rất thấp. Xuyên suốt hai năm qua, cô Vi vẫn giữ cho mình một chế độ ăn kiêng hợp lý cùng với việc tĩnh tâm ngồi thiền mỗi ngày.
Tận tâm với học trò
Rời giảng đường năm 1999, suốt 8 năm liền cô Vi lên cắm bản ở huyện Đông Giang để giảng dạy cho học trò vùng cao. Ngoài giờ học, biết các em học sinh đồng bào dân tộc thiểu số còn rất bỡ ngỡ và khó khăn trong việc tiếp cận các kiến thức hóa học, cô Vi luôn sắp xếp thời gian phụ đạo, giảng giải thêm những kiến thức cơ bản và quan trọng. Sau đó, cô chuyển về công tác tại Trường THPT Nguyễn Khuyến cho đến tận bây giờ. Nhận xét về cô Tường Vi, thầy Nguyễn Văn Dũng - Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Khuyến cho biết, cô Vi luôn là một giáo viên gương mẫu tận tụy với sự nghiệp giáo dục, nhiều năm nay luôn có thành tích xuất sắc trong công tác và được đồng nghiệp, học sinh cảm phục, yêu mến.
Gần chục năm qua, cứ mỗi khi kỳ tuyển sinh đi qua là cô Vi lại tất bật đôn đáo gõ cửa nhiều nơi xin học bổng cho những học trò nghèo xuất sắc. Dù không nhiều, mỗi năm như vậy tính ra được khoảng 2-3 suất nhưng với cô điều đó dường như đã thành một niềm vui, hạnh phúc lớn khi góp một phần nhỏ giúp con đường đến giảng đường của các em bớt chông chênh hơn. Từ những bước chắp cánh ban đầu, giờ đây nhiều học trò của cô đã trở thành giám đốc, kỹ sư và chính họ thỉnh thoảng quay về góp một phần sức lực thông qua cô để nuôi nấng ước mơ cho các thế hệ học trò tiếp theo.
Đều đặn gần chục năm nay, cô Vi vẫn dành thời gian nhàn rỗi để luyện thi đại học miễn phí cho hàng trăm em học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Cô tâm sự, không ít em học sinh tuy nhà rất nghèo nhưng giấu giếm và muốn nộp tiền học phí, phải đến khi cô đả thông tư tưởng và tận tình kèm cặp thì các em mới thôi tự ái. Dần dần tiếng lành đồn xa, có những em học ở các trường THPT Trần Quý Cáp (TP.Hội An) hoặc đạp xe hàng chục cây số tìm đến nhà để học càng khiến cô có thêm động lực và niềm vui gieo con chữ. Bạn Hà Đức Sự, sinh viên Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng (trú xã Điện Thắng Nam, thị xã Điện Bàn) bộc bạch: “Nhà mình hồi đó rất khó khăn nhưng may mắn trong suốt ba năm học cấp ba được cô Vi kèm cặp môn Hóa miễn phí. Mình rất vui khi mỗi lần ghé thăm, được chứng kiến các thế hệ sau vẫn miệt mài học tập dưới sự chỉ bảo tận tình của cô”.
QUỐC TUẤN