Chính sách hay nhưng khó thực hiện
Nghị định số 85/2012/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Bộ luật Lao động về chính sách đối với lao động nữ của Chính phủ có hiệu lực từ ngày 15.11.2015 (dưới đây gọi tắt là Nghị định 85). Theo Nghị định, nhiều chính sách sẽ được thực hiện tốt hơn đối với lao động nữ như được chăm sóc sức khỏe, được cải thiện điều kiện lao động cũng như có nhiều quyền lợi hơn.
Chẳng hạn, về chăm sóc sức khỏe, Nghị định 85 quy định, lao động nữ trong thời gian hành kinh được nghỉ mỗi ngày 30 phút, tối thiểu là 3 ngày trong một tháng (thời gian nghỉ vẫn được hưởng đủ tiền lương theo hợp đồng lao động; thời gian nghỉ cụ thể do người lao động thỏa thuận với người sử dụng lao động phù hợp với điều kiện thực tế tại nơi làm việc và nhu cầu của lao động nữ). Lao động nữ trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi được nghỉ mỗi ngày 60 phút trong thời gian làm việc để cho con bú, vắt, trữ sữa, nghỉ ngơi; thời gian nghỉ vẫn được hưởng đủ tiền lương theo hợp đồng lao động... Hỏi chuyện một số nữ công nhân ở các công ty may trong tỉnh về quy định nêu trên, nhiều người nói rằng họ chưa biết. “Nếu biết có quy định như vậy thì công nhân cũng khó nói bởi hành kinh là chuyện tế nhị. Hơn nữa, ở các doanh nghiệp may mặc nói chung có khá nhiều lao động nữ, lại sản xuất theo dây chuyền nên quy định này cũng khó áp dụng” - một nữ công nhân may ở Khu công nghiệp Trường Xuân (Tam Kỳ) nói.
Khó áp dụng chính sách đối với lao động nữ. Ảnh: C.Nữ |
Những quy định nêu trên rõ ràng tạo điều kiện cho phụ nữ quyền làm việc bình đẳng nhưng đa số lao động chưa được hưởng và thậm chí có người còn cho rằng không nên có quy định như vậy. Bởi vì, nếu càng có nhiều chính sách ưu đãi cho phụ nữ, thì cơ hội việc làm của lao động nữ sẽ ít lại. Theo một nữ nhân viên văn phòng, trừ những công việc đặc thù cần phải sử dụng lao động nữ, nếu buộc phải thực hiện những quy định như trên, chắc chắn người sử dụng lao động phải cân nhắc và ưu tiên tuyển dụng nam…
Đối với quy định người sử dụng lao động phải lắp đặt phòng vắt, trữ sữa mẹ phù hợp với điều kiện thực tế tại nơi làm việc, nhu cầu của lao động nữ và khả năng của người sử dụng lao động, cũng ít thấy nơi nào thực hiện. Việc này cũng khiến nhiều lao động nữ tỏ ra băn khoăn, lo lắng về vấn đề nuôi con bằng sữa mẹ sau 6 tháng nghỉ thai sản theo chế độ.
Những quy định của Nghị định 85 rõ ràng là hết sức nhân văn, thể hiện sự quan tâm của Nhà nước đối với lao động nữ của một xã hội văn minh, tiến bộ. Tuy nhiên, vì những lý do tế nhị mà những quy định này khó khả thi và vẫn chưa được áp dụng nhiều trong thực tế. Nghị định 85 đã có hiệu lực gần 1 năm, nhưng nếu người sử dụng nhiều lao động nữ không thực hiện; các cơ quan, tổ chức liên quan không thanh tra, kiểm tra, thì quy định của Nghị định này vẫn chỉ nằm trên giấy mà thôi.
CHÂU NỮ