Gặp gỡ nhân chứng lịch sử Biệt động thành Hội An
(QNO) - Sáng 31.8, Ban Liên lạc Biệt động thành phố Hội An phối hợp với Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Đà Nẵng tổ chức buổi gặp mặt giao lưu nhân chứng lịch sử Biệt động thành Hội An thời kỳ chống Mỹ cứu nước.
Toàn cảnh buổi gặp mặt. |
Cách đây 50 năm, vào tháng 4.1966, dưới sự lãnh đạo của Thị ủy Hội An, trực tiếp là Phó Bí thư Thị ủy Trương Minh Lượng, Đội Biệt động Hội An được thành lập, khởi đầu có 9 đồng chí và 3 cơ sở, đến năm 1967 đã có trên 50 đồng chí, hầu hết đều là những người nghèo khổ làm thợ mộc, thợ nề, làm thuê, gánh mướn, xe thồ, xich lô, người bán rau hành, quét chợ….
Đội biệt động có nhiệm vụ tổ chức tuyên truyền giác ngộ cách mạng cho quần chúng nhân; lập hồ sơ các căn cứ quân sự và các cơ quan đầu não của Mỹ và chế độ tay sai; xây dựng cơ sở biệt động lớn mạnh, kết nạp thanh niên, học sinh yêu nước vào tổ chức đội; độc lập tổ chức đánh địch; bí mật bất ngờ tấn công vào các cơ quan đầu não địch; tổ chức ám sát và tiêu diệt những tên ác ôn có nợ máu; vận động nhân dân nổi dậy đấu tranh chính trị….
Các thành viên Đội Biệt động Hội An xem lại các ảnh tư liệu của mình. |
Qua gần 10 năm hoạt động, Đội Biệt động thành Hội An đã tham gia 21 trận đánh, ám sát 37 tên ác ôn, đặt mìn, ném lựu đạn, tập kích vào cơ quan đầu não của địch diệt 173 tên, phá hủy 11 xe quân sự, trong đó có 2 xe bọc thép, phá hủy 5 cơ quan công sở, phối hợp với Bộ đội tỉnh Quảng Đà, Thị đội Hội An giải phóng Nhà lao Hội An, giải cứu 1.358 tù chính trị… góp phần cùng với nhân dân cả nước làm lên chiến thắng mùa xuân 1975 lịch sử, giải phóng dân tộc.
Đại diện Ban Liên lạc đội Biệt động Hội An tặng kỷ vật cho Bảo tàng lịch sử Quân sự Việt Nam |
Dịp này, đại diện Ban Liên lạc Đội Biệt động thành Hội An cũng đã trao tặng các kỷ vật gồm thùng gỗ đựng vũ khí, chiếc radio nghiệp vụ, chiếc mũ của Gia đình Phật tử cùng những tấm ảnh tư liệu cho Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam.
Đại diện Ban Liên lạc đội Biệt động Hội An chụp ảnh lưu niệm tại buổi gặp mặt. |
KHÁNH LINH