Người vẽ tranh Bác Hồ
Ở lĩnh vực mỹ thuật, có khá nhiều họa sĩ thành công với các tác phẩm về đề tài “Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường Ba Đình” cũng như hình tượng Bác Hồ. Trong số đó, nổi bật hơn cả, không thể không nhắc đến họa sĩ Phan Kế An. Từ 20 tuổi, Phan Kế An tìm đến với cách mạng, hơn 70 năm cầm cọ vẽ - người họa sĩ từng may mắn được sống bên cạnh Bác Hồ. Đến nay, dù tuổi đã cao, bệnh tật…, nhưng trong ông cảm xúc về những ngày Cách mạng Tháng Tám ở thủ đô vẫn còn lại với dư âm tươi mới; vẫn vẹn nguyên hình ảnh Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường Ba Đình sáng 2.9.1945…
Họa sĩ Phan Kế An bên cạnh các tác phẩm về Bác Hồ của mình. |
Họa sĩ Phan Kế An kể lại: “Tôi vẫn nhớ buổi sáng mùa thu năm ấy, trời nắng rực, tôi đi cùng mấy anh em trường mỹ thuật như Mai Văn Hiến, Dương Bích Liên, Kim Đồng… Khi đi thì đông đủ cả nhóm mấy anh em nhưng đến gần Quảng trường Ba Đình, người đông quá, chật như nêm và rồi lạc nhau. Chỗ nào cũng thấy người dân ồn ào và phỏng đoán không biết Hồ Chí Minh có phải là Nguyễn Ái Quốc không. Bởi trước khi Nhật đảo chính Pháp (tháng 3.1945), người dân nhận được nhiều truyền đơn ký tên Nguyễn Ái Quốc. Dù chưa một lần gặp mặt nhưng nhân dân đặt niềm tin rất lớn vào Nguyễn Ái Quốc. Người dân đổ về quảng trường mỗi lúc một đông, tất cả đều rất trật tự hướng về lễ đài lắng nghe Bác đọc Tuyên ngôn Độc lập. Tôi lúc đó chỉ biết chen mà đi, tìm cách tiến sâu vào trong để nhìn rõ Bác.
Cách lễ đài 30 - 40m, tôi lần đầu trông thấy Bác Hồ. Bác vận bộ đồ kaki màu cỏ úa, cổ áo cài kín. Dáng Bác gầy, da sạm. Tôi trông thấy đứng đằng sau Bác là anh Nguyễn Hữu Đang ở Ban Chấp hành Hội Văn hóa cứu quốc. Cùng với Phạm Văn Khoa, nhà báo Nguyễn Hữu Đang là người sau này tôi được biết đã đi vận động các kiến trúc sư và trực tiếp chỉ huy dựng lễ đài độc lập tại Quảng trường Ba Đình. Dưới chân lễ đài có nhiều người bồng súng đứng gác, trong đó có nhà văn Nguyễn Huy Tưởng”.
Sau ngày Độc lập lần đầu tiên ấy, họa sĩ Phan Kế An cho biết, ông được tiếp cận và hiểu về con người Bác hơn. Cụ thể, đó là khi Bác đến thăm triển lãm Mỹ thuật trong Tuần lễ văn hóa mừng đất nước độc lập sau ngày 2.9. Khi đó, triển lãm có tranh của Phan Kế An, Tô Ngọc Vân, Nguyễn Gia Trí… Bác Hồ đã đi xem hết lượt các bức tranh, đi sau có các họa sĩ như Phan Kế An, Sỹ Ngọc, Nguyễn Tiến Chung… Lần đó, giống như một định mệnh, nối liền sự nghiệp sáng tác của họa sĩ Phan Kế An đến với hình tượng Bác Hồ…
Đến ngày nay, trong hàng trăm bức tranh đã nhuốm màu thời gian tại căn gác nhỏ của gia đình họa sĩ Phan Kế An, không ít trong số đó là tác phẩm vẽ về Bác Hồ. Họa sĩ Phan Kế An cho hay, thời trai trẻ ông có khoảng thời gian gần một tháng được sống bên cạnh Bác ở Khuôn Tát, Thái Nguyên vào năm 1948. Hơn 20 bức tranh ông vẽ Bác từ phác thảo đơn giản đến những nét vẽ kỹ càng, từ cận cảnh hay toàn cảnh đều gửi gắm biết bao tình cảm và sự ngưỡng mộ Người. Họa sĩ Phan Kế An kể: “Thời gian sống gần Bác, tôi luôn tranh thủ ký họa những khoảnh khắc, góc nhìn của Bác mọi lúc, mọi nơi có thể. Thương tôi làm việc vất vả, thỉnh thoảng Bác lại gần mời một điếu thuốc. Lúc đó, phần thì đang dở tay, phần thì đang mải làm việc, tôi “xin” Bác điếu thuốc rồi bỏ vào túi áo ngực. Lúc đầu, hành động đó chỉ đơn thuần là vì công việc, về sau tôi nảy ra một mẹo là giữ những điếu thuốc đó lại về làm quà cho anh em ở tòa soạn. Một thằng trẻ ranh như tôi lại có vinh dự được ở gần, được vẽ Bác, lại được hút thuốc của Bác trong khi nhiều họa sĩ khác trong tòa soạn đã lăn lộn với nghề nhiều năm lại chưa có may mắn ấy. Vì thế tôi tin chắc sẽ không có món quà nào dành cho họ lại có ý nghĩa hơn. Ngày cuối cùng, khi đang cố gắng hoàn thiện bức ký họa để có thể đưa về tòa soạn vào hôm sau, bỗng nghe tiếng Bác hỏi: “An tích trữ được bao nhiêu điếu thuốc rồi?”… Trời, thế là kế hoạch bị lộ tẩy! Chẳng còn cách nào khác, tôi đành thú thật với Bác. Nghe xong, Bác hỏi tiếp: “Ở đó có bao nhiêu anh em?”. “Dạ, có 30 người ạ!”. Bác mở hộp thuốc đếm ra đúng 17 điếu (trước đó tôi đã tích cóp được 13 điếu) để đủ chia cho mỗi anh em trong tòa soạn mỗi người một điếu”.
Đợt công tác đặc biệt đó, họa sĩ Phan Kế An đã thực hiện được hơn 20 bức tranh về Bác và báo Sự Thật số tháng 12.1948 đã được in với số lượng lớn đủ để phát hành khắp các chiến khu. Trong đó, nhiều bức tranh chân dung Bác đến nay vẫn được nhiều người yêu chuộng và được xem là những tác phẩm kinh điển tiêu biểu của nền mỹ thuật đương đại Việt Nam.
TRẦN TRUNG SÁNG