Tạo mọi điều kiện cho năm học mới

30/08/2016 09:34

Mùa tựu trường năm nay, nhiều địa phương, đơn vị giáo dục cũng như các kênh phân phối sách giáo khoa, đồ dùng học tập… có sự chuẩn bị chu đáo để đáp ứng nhu cầu dạy và học.

BÌNH ỔN GIÁ ĐỒ DÙNG HỌC TẬP

Thị trường sách giáo khoa, đồ dùng học tập phục vụ năm học mới không biến động, giá cả được bình ổn thông qua kênh phân phối đa dạng.

Học sinh, phụ huynh mua sắm chuẩn bị năm học mới tại nhà sách Fahasa.Ảnh: C.T.ANH
Học sinh, phụ huynh mua sắm chuẩn bị năm học mới tại nhà sách Fahasa.Ảnh: C.T.ANH

Đáp ứng đầy đủ

Các nhà xuất bản, nhà sách thường có hai đợt phát hành phục vụ năm học. Đợt phát hành đầu nhằm phục vụ các trường trao thưởng dịp bế giảng và mua sắm học hè. Đợt cao điểm thứ hai là chuẩn bị bước vào năm học mới cao. Chị Trần Thị Tài - cửa hàng trưởng Fahasa Tam Kỳ (lầu 2, siêu thị Co.opMart Tam Kỳ) cho biết: “Đợt phục vụ thứ hai mẫu mã đa dạng, phong phú hơn nhiều so với đợt một vì tâm lý phụ huynh muốn con mình bước vào năm học mới với tâm trạng tốt nhất, đầy đủ nhất”. Chính vì vậy, theo nhân viên của nhà sách Fahasa, từ đầu tháng 8, phụ huynh và học sinh ồ ạt đi mua sắm sách vở, dụng cụ học tập. Nhà sách phải huy động nhân viên làm việc tối đa, nhất là buổi tối để đáp ứng và phục vụ tốt nhu cầu của khách hàng. Chị Hoàng Anh (đường Hoàng Hữu Nam, phường Hòa Thuận, TP.Tam Kỳ), dẫn con đi mua dụng cụ học tập tại nhà sách Fahasa cho biết: “Mình đã mua sắm cho con lai rai từ đầu tháng 8. Về cơ bản đã đầy đủ nhu cầu phục vụ học tập, đợt mua sắm này nhằm tạo sự phấn khởi trước khi con vào năm học mới”.

Trong khi đó, đại diện Công ty CP In và phát hành sách, thiết bị trường học Quảng Nam, anh Phan Ngọc Tuấn cũng cho hay: “Ngay từ đầu tháng 8, NXB Giáo dục đã gửi công văn đến các nhà xuất bản địa phương thực hiện chương trình tuần lễ “Cùng em đến trường” triển khai từ ngày 15.8 - 4.9. Theo đó, nhiều chương trình giảm giá nhằm mục đích đảm bảo cho tất cả học sinh được đến trường. Đến thời điểm này, chúng tôi đã gần như hoàn thành chương trình mà NXB Giáo dục triển khai”. Ngoài ra, Công ty CP In và phát hành sách thiết bị trường học Quảng Nam cũng thực hiện chương trình đổi sách cũ, lấy sách mới tại 15 đại lý của công ty để tạo điều kiện hỗ trợ tối đa cho các bạn học sinh khó khăn. Em Thái Việt Linh (thôn Ngọc Tú, xã Tam Dân, huyện Phú Ninh), chia sẻ: “Vì hoàn cảnh gia đình đông anh em nên từ đầu hè em đã xin được bộ sách cũ của người quen. Sau đó, em đem bộ sách cũ đến cửa hàng sách đường Phan Châu Trinh (thuộc quản lý của Công ty CP In và phát hành sách thiết bị trường học Quảng Nam) đổi bộ sách mới. Em chỉ bù thêm gần 40.000 đồng nhưng đã có bộ sách lớp 6 mới mà không tốn quá nhiều tiền”. Thông qua chương trình tặng thẻ giảm giá của các nhà sách, đổi sách cũ lấy sách mới góp phần tạo điều kiện cho trẻ có hoàn cảnh khó khăn trước thềm năm học mới.

Thị trường đa dạng, ổn định

Đến thời điểm này, Công ty CP In và phát hành sách, thiết bị trường học Quảng Nam đã phát hành 1,2 triệu bộ sách giáo khoa và sách bổ trợ cho các cấp học. Mùa mua sắm năm học 2016 - 2017 cũng có chút khác biệt so với năm học trước là phụ huynh mua lai rai trong tháng 8 chứ không lo mua trước như các năm trước vì chương trình không đổi, không xảy ra tình trạng khan hiếm sách. Các em vùng sâu vùng xa, vùng khó khăn cũng không lo ngại thiếu sách vì được Công ty CP In và phát hành sách Quảng Nam phát hành tới tay các em thông qua nhiều hình thức. Ngoài việc thông qua 15 đại lý, công ty cũng đóng bộ sách và đến tận điểm trường để sách được tới tay các em, đảm bảo phát hành sách theo chương trình mục tiêu quốc gia và tìm hiểu tình hình thực tế để phục vụ tốt hơn trong thời gian tới. Giá của một bộ sách giáo khoa và bổ trợ cấp tiểu học từ 100.000 - 190.000 đồng, cấp THCS từ 210.000 - 280.000 đồng, cấp THPT là 270.000 - 290.000 đồng. Tuy nhiên, sách bổ trợ ở cấp tiểu học được mua mạnh nhất. Lý do, các em lớn đã có những kỹ năng internet tốt hơn nên thường tra cứu và tham khảo trên mạng để hạn chế chi phí.

Công ty CP In và phát hành sách, thiết bị trường học Quảng Nam đã phát hành 1,2 triệu bộ sách giáo khoa và sách bổ trợ cho các cấp học.Ảnh: PHƯƠNG THẢO
Công ty CP In và phát hành sách, thiết bị trường học Quảng Nam đã phát hành 1,2 triệu bộ sách giáo khoa và sách bổ trợ cho các cấp học.Ảnh: PHƯƠNG THẢO

Ngoài ra, các loại dụng cụ học tập năm học này cũng có phần đa dạng phong phú hơn những năm trước. Đặc biệt, giá cả không tăng mà thậm chí có nhiều công ty cung ứng còn hạ giá 500 - 2.000 đồng/mặt hàng so với năm học trước. Và gần như các dụng cụ học tập đều do các công ty sản xuất trong nước cung ứng với giá hợp lý, chất lượng tốt như Tiến Phát, Hồng Hà, Thiên Long, Vĩnh Tiến… Thị trường túi, cặp sách, ba lô cũng được tiêu thụ khá mạnh. Giá thông thường của những chiếc ba lô có giá 70.000 - 100.000 đồng/chiếc. Ngoài ra, còn có ba lô cầm kéo, cặp sách chống gù lưng, ba lô siêu nhẹ phục vụ các bé nhỏ với giá từ 250.000 - 500.000 đồng. Về quần áo, nếu như ở các địa phương khác, đồng phục may sẵn chiếm ưu thế thì ở Quảng Nam, phụ huynh đặt may theo số đo để đảm bảo sự chắc chắn, chất liệu theo ý muốn. “Giá may đồ ở Quảng Nam không đắt so với các tỉnh thành phố lớn, đường may chắc đáp ứng không toạc rách trước sự hiếu động của trẻ con nên thường được phụ huynh chọn may nhiều hơn. Mỗi năm tôi may cho bé hai bộ khi vào năm học, trong quá trình học nếu chật hoặc hư thì tính tiếp. Giá chỉ ở mức 200.000 - 300.000 đồng/bộ” - chị Bích Ngọc (thôn Liễu Trì, xã Bình Nguyên, huyện Thăng Bình), nói. (CHIÊU THỤC ANH)

CỦNG CỐ CƠ SỞ VẬT CHẤT

Trước thềm năm học mới, các huyện vùng cao đã tích cực chuẩn bị, sẵn sàng mọi điều kiện để đón học sinh.

Đón học sinh sớm

Những ngày này, cán bộ Trường THCS bán trú cụm xã Chà Vàl - Zuôih (Nam Giang) đã đến sớm để chuẩn bị đón học sinh ra lớp vào ngày 30.8. Theo ông Trần Quý - Hiệu trưởng nhà trường - để đảm bảo cho việc học sinh kịp đến trường, tổ chức sinh hoạt, ăn ở cho các em, Trường THCS bán trú cụm xã Chà Vàl - Zuôih đã tập trung học sinh trước 2 ngày so với thời điểm chung của tỉnh là ngày 1.9. “Do đặc thù địa bàn tương đối rộng, nhiều thôn ở xa, đường sá cách trở nên chúng tôi đã thông báo cho học sinh đến trường sớm để ổn định việc ăn ở đầu năm học mới. Năm nay, số lượng học sinh của trường tiếp tục tăng, có 169 trong tổng số 250 em ở bán trú. Nhiều cán bộ, giáo viên của trường đã đến sớm, nhằm hỗ trợ tốt nhất cho việc đón học sinh trong năm học mới” - thầy Quý cho biết.

Trường THCS bán trú cụm xã Chà Vàl - Zuôih là một trong những trường của huyện Nam Giang đã sớm chuẩn bị mọi điều kiện để đón học sinh. Bên cạnh các trường cũ, năm học 2015 - 2016, huyện Nam Giang có tới 6 điểm trường mới được đưa vào sử dụng, thay thế cho những ngôi trường xuống cấp hoặc các điểm trường tạm bợ trước đây. Với tổng kinh phí xây dựng xấp xỉ 25 tỷ đồng từ nguồn ngân sách, các điểm trường từ mầm non đến THCS được xây dựng sẽ góp phần nâng cao chất lượng dạy và học, tạo điều kiện tốt hơn cho các em học sinh vùng cao.

Các trường ở vùng cao đã sẵn sàng chuẩn bị cho năm học mới. TRONG ẢNH: Một lớp học ở vùng cao Tây Giang. Ảnh: THÀNH CÔNG
Các trường ở vùng cao đã sẵn sàng chuẩn bị cho năm học mới. TRONG ẢNH: Một lớp học ở vùng cao Tây Giang. Ảnh: THÀNH CÔNG

Ông Nguyễn Văn Bình - Trưởng phòng Giáo dục huyện Nam Giang cho hay, việc mở rộng, nâng cấp hệ thống trường lớp, nhất là tại các xã biên giới, xã vùng sâu là một trong những tiền đề để nâng cao hơn nữa chất lượng dạy và học. Năm học 2015 - 2016, huyện Nam Giang có tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia xếp thứ 3 trong số 9 huyện miền núi, số lượng học sinh ra lớp tăng đều theo từng năm, chất lượng dạy học được tăng lên. “Nhờ các chính sách hỗ trợ cho học sinh miền núi như cấp gạo, cấp tiền bằng 40% mức lương cơ bản cho học sinh bán trú, cùng với hệ thống trường lớp, khu nhà ở cho học sinh được đầu tư cải tạo trong từng năm học, đến nay huyện Nam Giang có 13 trường bán trú với hơn 1.400 học sinh, phần lớn là học sinh người dân tộc thiểu số. Huyện cũng rất quan tâm, hỗ trợ cho công tác giáo dục,  nhất là ở các xã vùng sâu, vùng đặc biệt khó khăn. Năm học này, toàn huyện tăng thêm 7 lớp với hơn 200 học sinh” - ông Bình cho biết.

Nâng cấp trường lớp

Tại các điểm trường cũ, công tác duy tu, sửa chữa trường lớp, trang bị cơ sở vật chất trang thiết bị dạy học, xây dựng nhà vệ sinh được huyện Nam Giang triển khai khẩn trương và đã cơ bản hoàn thành trong dịp hè. Đặc biệt, để đảm bảo xóa các xã “trắng” điểm trường mầm non, tại địa bàn trước đây không có hoặc chỉ có một lớp mầm non ghép chung với trường tiểu học như xã La Êê, Chơ Chun, nay đã có trường mầm non mới, khang trang, đầy đủ thiết bị dạy học cùng đội ngũ giáo viên. Ông A Viết Sơn - Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Giang chia sẻ, năm 2016, huyện Nam Giang tiếp tục tập trung đầu tư cho giáo dục, đảm bảo nâng cao chất lượng dạy và học, nhất là ở các xã vùng biên giới, xã đặc biệt khó khăn. “Chúng tôi đã quán triệt Phòng Giáo dục và các phòng ban liên quan tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, huy động, lồng ghép các nguồn lực để có thể tăng số lượng trường đạt chuẩn quốc gia trên địa bàn huyện” - ông Sơn nói.

Không chỉ riêng Nam Giang, các huyện miền núi khác trên địa bàn tỉnh như Đông Giang, Tây Giang cũng sớm ban hành kế hoạch chuẩn bị cho năm học mới, trong đó chú trọng việc vận động học sinh ra lớp đúng thời gian, đúng độ tuổi. Nhiều năm trở lại đây, tình trạng học sinh bỏ học giảm, số lượng học sinh đến trường, số lớp học ngày càng tăng. Cùng với đó, việc đầu tư đồng bộ hệ thống trường lớp, cơ sở vật chất đã tác động tích cực đến việc nâng cao chất lượng dạy và học, nhiều trường học đạt chuẩn quốc gia. Tại Tây Giang, năm học này học sinh ở các xã vùng biên như Ch’Ơm, Ga Ry, A Xan đã phần nào bớt vất vả hơn khi được học ở trường mới, gần địa bàn thay vì phải vượt hàng chục cây số để đến điểm trường bán trú như năm trước. “Năm nay, Nghị định 116 của Chính phủ quy định chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn được ban hành sẽ có vai trò rất lớn trong việc giúp học sinh miền núi được đến trường, nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục. Tuy nhiên, hiện tại các văn bản sau nghị định vẫn chưa được hoàn thiện nên còn nảy sinh một số bất cập. Mong rằng Bộ GD-ĐT sẽ sớm ban hành các văn bản sau nghị định để kịp đưa vào áp dụng, triển khai, góp phần đẩy mạnh công tác giáo dục ở các địa bàn miền núi” - ông Nguyễn Văn Bình chia sẻ. (THÀNH CÔNG)

ĐÁP ỨNG NHU CẦU NỘI TRÚ CHO HỌC SINH, SINH VIÊN

Tại TP.Tam Kỳ, các khu ký túc xá (KTX) được đầu tư xây dựng khang trang và sự “nở rộ” của nhiều nhà trọ tư nhân đã đáp ứng tốt nhu cầu nội trú cho học sinh, sinh viên trước năm học mới.

Lựa chọn thuê trọ bên ngoài nên 2 em Phước và Hạnh có nhiều không gian để học bài. Ảnh: VINH ANH
Lựa chọn thuê trọ bên ngoài nên 2 em Phước và Hạnh có nhiều không gian để học bài. Ảnh: VINH ANH

Lựa chọn nhà trọ

Những năm qua, khu KTX 5 tầng của Trường THPT chuyên Nguyễn Bình Khiêm được đưa vào hoạt động đã giải quyết nhu cầu cấp thiết về chỗ ở nội trú cho học sinh nhà trường. Tại đây, học sinh được ở hoàn toàn miễn phí, kể cả tiền điện, nước. KTX còn có chỗ để xe rộng rãi và khu căng tin phục vụ nhu cầu ăn uống cho học sinh. Điều kiện thuận lợi là vậy nhưng không phải học sinh nào cũng “mặn mà” đến ở. Có khá nhiều phụ huynh, học sinh đã lựa chọn việc thuê phòng trọ ngoài thay vì vào ở KTX vì muốn tự do, có không gian riêng để tập trung học bài.

Trường hợp của hai em Nguyễn Thị Bình Phước và Nguyễn Thị Mỹ Hạnh (lớp 12 chuyên Toán) là một ví dụ. Phước và Hạnh quê ở Thăng Bình, bắt đầu từ lớp 10, cả hai em đã thuê một phòng trọ gần trường để sinh hoạt và học tập, nhất là có không gian yên tĩnh để tập trung học bài. Hàng ngày, ngoài giờ học, hai em còn tranh thủ đi chợ mua thực phẩm về tự nấu ăn. Phước chia sẻ: “Dù ở ngoài mỗi tháng phải tốn khoảng 600 nghìn đồng tiền phòng nhưng đổi lại tụi em lại giảm được tiền ăn nhờ được tự nấu nướng. Ngoài ra, ở trọ còn có không gian yên tĩnh để tập trung học bài, nghỉ ngơi”. Còn Hạnh thì tâm sự: “Sau thời gian trên lớp, tụi em có thể hỗ trợ nhau trong học tập. Đôi khi cùng nhau tập trung suy nghĩ, tìm ra phương thức để giải thành công một bài toán khó thật là thú vị”.

Trong khi đó, dù đã quyết định đăng ký vào ở KTX nhưng em Nguyễn Thị Tố Trinh (lớp 10 chuyên Sinh) vẫn cho biết là đang có ý định ra thuê trọ bên ngoài. Lý do Trinh đưa ra là vì muốn được nấu nướng và đặc biệt là thuận tiện trong việc sử dụng xe đạp điện. Ở KTX, để phòng tránh cháy nổ, ban quản lý không cho học sinh cắm sạc điện cho xe đạp điện. Đây cũng là điều khá bất tiện vì hiện nay có nhiều học sinh được gia đình trang bị xe đạp điện để đi lại. “Em đăng ký vào ở KTX của trường từ tháng 7.2016 để đi học thêm, chuẩn bị cho năm học mới. Điều kiện ở đây rất tốt, an toàn, tuy nhiên cũng khá bất tiện vì mỗi phòng có đến 8 bạn nên hơi ồn ào, khó tập trung học bài. Đặc biệt, vì không được phép sạc điện cho xe đạp điện nên dù đã có xe nhưng em cũng đành phải để ở nhà” - Trinh cho biết.

Sẵn sàng đón tân học sinh, sinh viên

Hiện nay, khu KTX Trường chuyên Nguyễn Bình Khiêm đáp ứng gần 400 chỗ ở nội trú cho học sinh. Đến thời điểm hiện nay, ban quản lý KTX đã tiếp nhận đơn đăng ký ở nội trú của 161 học sinh thuộc 3 khối 10, 11, 12. Theo ban quản ký Khu KTX Trường chuyên Nguyễn Bình Khiêm, để vào ở nội trú, vào đầu năm học, học sinh phải có đơn đăng ký, có chữ ký, số điện thoại của phụ huynh thì mới được xem xét vào ở. Học sinh ở nội trú phải tuân thủ những nội quy quy định như giờ giấc, ra vào khu KTX, sinh hoạt… Đặc biệt, học sinh phải giữ gìn vệ sinh chung, không được tự ý nấu nước bằng nồi điện và sạc xe đạp điện trong khu KTX nhằm tránh nguy cơ cháy nổ. Nhà trường, ban quản lý KTX cũng theo dõi rất kỹ việc sinh hoạt, học tập của học sinh. Những trường hợp nào vi phạm nội quy nhiều lần sẽ được thông báo về phụ huynh để nhắc nhở, xử lý. Ở KTX, ngoài việc đảm bảo về điều kiện nghỉ ngơi, học tập, nhà trường còn bố trí, xây dựng thêm khu thể thao, sân bóng đá, bóng chuyền để học sinh rèn luyện thể chất ngoài giờ học. Khu KTX rộng rãi, thoáng mát, có khu vực phục vụ ăn uống, rèn luyện thể chất… đã và đang tạo điều kiện để đón những học sinh về ở nội trú tại Trường chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm.

Trong khi đó, Trường Đại học Quảng Nam cũng hết sức quan tâm đến nơi ở nội trú cho sinh viên. Theo ông Hồ Hữu Phước - Giám đốc Trung tâm hỗ trợ sinh viên Trường Đại học Quảng Nam, để đón tân sinh viên năm nhất vào học tại trường, năm nay nhà trường vừa đầu tư, sửa chữa lại một khu KTX để đáp ứng nhu cầu ở nội trú cho sinh viên. Hàng năm, 5 khu KTX của trường (từ khu C1 - C5) với 1.200 chỗ ở đã giải quyết nhu cầu nội trú cho khoảng 1/4 số lượng sinh viên theo học tại trường. Đặc biệt, khu KTX ưu tiên cho những trường hợp là sinh viên hệ cử tuyển, sinh viên Lào, sinh viên con gia đình chính sách. Ngoài những trường hợp đó, nếu còn dư phòng sẽ tiếp nhận thêm sinh viên không thuộc diện ưu tiên đến ở. “Thông thường, khu KTX đều sử dụng hết 100% phòng ở nên hằng năm đã giải quyết một lượng lớn nhu cầu nội trú cho sinh viên. Bên trong khu nội trú, nhà trường cũng đầu tư thêm các khu thể thao, kết hợp với việc sử dụng Nhà đa năng của trường nên sinh viên có điều kiên để sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao. Đồng thời đầu năm học mới, đội hình Thanh niên xung kích của nhà trường sẽ hỗ trợ, hướng dẫn sinh viên làm các thủ tục để đăng ký vào ở khu KTX sau khi đã làm thủ tục nhập học vào trường” - anh Phước nói. (VINH ANH)