Cuộc thi Sáng tạo ROBOT dành cho học sinh TP.Đà Nẵng mở rộng - ROBOT 2016: Học trò Quảng Nam giành giải Sáng tạo

LỮ PHÚC HOÀNG 30/08/2016 08:14

Sau thời gian chuẩn bị kỹ lưỡng và tham dự cuộc thi Robodnic 2016, với tinh thần thi đấu quyết tâm cao, nhóm học trò Quảng Nam với đội robot mang tên QN-CKT đã dừng chân tại vòng đấu tứ kết và được Ban tổ chức trao giải Sáng tạo. Thành tích này là kết quả ngoài mong đợi mà QN-CKT đã gây bất ngờ với cuộc thi năm nay. Trong 4 bảng thi đấu, đội QN-CKT được xếp vào bảng B được coi là bảng đấu tử thần với các đội khá mạnh như Stormbbot, Security, Wall-E và T20 đến từ các trường THPT trên địa bàn Đà Nẵng.

Mặc dù gặp không ít sự cố kỹ thuật, nhưng nhóm các em học sinh xứ Quảng đã cố gắng thi đấu trên tinh thần fair-play và đứng vị trí thứ 2 bảng B qua 8 lượt trận. Ông Huỳnh Phước - Phó Chủ tịch Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật Đà Nẵng nhận xét: “Tôi thấy đội Quảng Nam năm nay tham gia rất chủ động và tích cực. Trình độ về thiết kế robot gồm phần cơ khí, điện tử, phần lập trình tiến bộ rất cao so với những năm trước. Mong rằng ở các đợt thi sắp đến, học sinh Quảng Nam sẽ tham gia nhiều đội hơn”.

Các thành viên đội QN-CKT tham gia cuộc thi Robodnic 2016.
Các thành viên đội QN-CKT tham gia cuộc thi Robodnic 2016.

Bước vào tứ kết với 8 đội mạnh nhất trong 20 đội tham gia. Tại vòng thi đấu “knock out” này, nhì Bảng B (QN-CKT) thi đấu với nhất Bảng A (The Eighteen) và được Đài Phát thanh - truyền hình Đà Nẵng truyền hình trực tiếp. Sau 5 phút thi tài, các thành viên đội QN-CKT đã điều khiển robot có phần không được linh hoạt, có lẽ do áp lực thi đấu tại vòng đấu loại trực tiếp, đã khiến các học trò xứ Quảng không may mắn và dừng chân một cách đáng tiếc. Nói về nhược điểm của robot sau khi kết thúc trận đấu, Nguyễn Lương Duy (lớp 12/7 Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm) - thành viên của đội cho rằng, robot năm nay được thiết kế khá hoàn hảo với hệ thống khí và điện khá bài bản, tuy nhiên có một số hạn chế về kích thước và hai cánh tay chưa đều nhau, cánh tay quá ngắn, không thể với tới guồng quay nước để lắp ráp khối kiện. “Nếu năm sau tiếp tục tham gia, đội sẽ có nhiều kinh nghiệm hơn trong việc chế tạo và cải tiến robot để đạt được thành tích tốt hơn” - Duy nói. Đoàn Lê Công Khang (đến từ Trường THPT Tiên Phước) - một thành viên khác của đội nói thêm: “Các đội lọt vào vòng tứ kết toàn là những đội mạnh và có khả năng điều khiển robot ổn định. Dù dừng chân ở vòng này, toàn đội vẫn vui, vì đã nỗ lực hết mình”.

Qua 4 lần cuộc thi được tổ chức, Quảng Nam đã có 3 lần tham dự. Nếu như những lần tham dự vào các năm 2013, 2014 đội robot Quảng Nam đều bị loại ngay từ vòng bảng thì năm 2016 này đội robot của học trò xứ Quảng đã có những tiến bộ rõ rệt. Làm nên thành công này, đã có sự quan tâm từ phía UBND tỉnh, trong đó Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Huỳnh Khánh Toàn chỉ đạo các ngành hỗ trợ kinh phí và việc định hướng từ Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật tỉnh. “Đợt thi này đã tạo một sân chơi cho học sinh Quảng Nam về nghiên cứu khoa học công nghệ, chế tạo robot, tạo động lực mới cho phong trào nghiên cứu sáng tạo. Đến với sân chơi, chúng ta không đặt nặng phần thắng thua mà chủ yếu là học hỏi kinh nghiệm, sáng kiến mới của Đà Nẵng để nghiên cứu tổ chức những sân chơi tương tự tại Quảng Nam trong tương lai” - ông Nguyễn Văn Diệu, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật tỉnh chia sẻ.

Giải thưởng Sáng tạo mà Ban tổ chức Robodnic 2016 dành tặng cho QN-CKT là phần thưởng xứng đáng, đồng thời là động lực và bước đệm ban đầu khuyến khích hơn nữa phong trào sáng tạo khoa học kỹ thuật dành cho lứa tuổi học trò của Quảng Nam. Và cũng hy vọng rằng, với sự tham mưu của Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật, một sân chơi sáng tạo robot dành cho học sinh Quảng Nam sẽ được hình thành trong tương lai gần.

LỮ PHÚC HOÀNG

LỮ PHÚC HOÀNG