Tường Vinh và bức tranh khắc gỗ "Hội An xưa"

TRẦN TRUNG SÁNG 28/08/2016 10:00

Nếu ai đó từng ví von, tranh khắc gỗ hiện đại Việt Nam như cây cầu bắc từ quá khứ đến hiện tại, đồng thời đang được nối nhịp để vươn tới tương lai, thì ở bức tranh “Hội An xưa” chúng ta dễ dàng cảm nhận ra điều đó.

Với kích thước 116x194cm, tác phẩm khắc gỗ “Hội An xưa” có thể được xem là một bức tranh độc đáo, đầy sống động từ trước đến nay, miêu tả chi tiết cảnh một thời phồn vinh của Hội An từ nhiều thế kỷ trước.  Nhiều nhà chuyên môn cho rằng, đây có lẽ là tác phẩm có số lượng nhân vật nhiều nhất của tranh khắc gỗ Việt Nam (khoảng hơn 400 nhân vật).
Với kích thước 116x194cm, tác phẩm khắc gỗ “Hội An xưa” có thể được xem là một bức tranh độc đáo, đầy sống động từ trước đến nay, miêu tả chi tiết cảnh một thời phồn vinh của Hội An từ nhiều thế kỷ trước. Nhiều nhà chuyên môn cho rằng, đây có lẽ là tác phẩm có số lượng nhân vật nhiều nhất của tranh khắc gỗ Việt Nam (khoảng hơn 400 nhân vật).

Mối duyên nợ

Họa sĩ Tường Vinh
Họa sĩ Tường Vinh

Họa sĩ Tường Vinh cho biết, khoảng năm 1978, lần đầu tiên anh đặt chân đến Hội An trong một chuyến công tác dài ngày. Khung cảnh sông nước, phố cổ, con người đầy quyến rũ nơi đây đã khiến tình yêu trong anh dành cho nơi này ngày càng lớn dần theo năm tháng. Điều đó đã được anh biểu hiện qua rất nhiều tác phẩm không mệt mỏi, với nhiều chất liệu như: lụa, khắc gỗ, giấy dó, sơn dầu, sơn mài với nhiều kích cỡ khác nhau (có tranh chỉ bé bằng bàn tay người lớn). Đến năm 2009, trong dịp dự lễ khai mạc và nhận giải thưởng tại Triển lãm Mỹ thuật chuyên đề về Hội An do thành phố Hội An tổ chức, được xem nhiều tranh của các họa sĩ từ nhiều tỉnh thành tham dự với rất nhiều nội dung và hình thức biểu hiện về Hội An... lại càng thôi thúc trong anh ý tưởng sáng tác về Hội An thời xa xưa. Cũng chính bắt đầu từ đó về sau, anh đã lưu ý đến những tư liệu, bài viết, tìm kiếm những hình ảnh liên quan đến Hội An xưa, một thành phố thương cảng quốc tế lớn của Đàng Trong thời chúa Nguyễn. Tuy nhiên, tư liệu bằng văn bản thì rất nhiều, nhưng tư liệu hình ảnh lại khá hiếm. Trong lúc đó, anh lại bận rộn cho một số đề tài sáng tác khác, nên đành tạm gác ý tưởng một bức tranh khổ lớn về Hội An xưa.

Một điều may mắn, cho đến một dịp cách đây không lâu, anh gặp lại ông Sokei - một người bạn Nhật, người mà anh đã kể về ý tưởng bức tranh đó cách đây 5 - 6 năm trước. Lần gặp này ông Sokei không chỉ tới thăm mà còn mang theo cuốn sách mỹ thuật in những bức tranh của một họa sĩ Nhật Bản vẽ về miền Nam nước Nhật thời xưa. Bên cạnh đó, anh cũng nhận được sự giúp đỡ sưu tập tài liệu hết sức nhiệt tình của nhà nghiên cứu Nguyễn Chí Trung và các anh em làm việc tại Trung tâm Quản lý và bảo tồn di tích Hội An. Tất cả hâm nóng cảm xúc anh một lần nữa. Điều khó nhất còn lại, là làm thế nào để tạo ra một tác phẩm đẹp mang hơi thở Hội An Thế kỷ 17? Do vậy, gần như suốt một năm liền, anh đã gác bỏ mọi công việc để tập trung thực hiện tác phẩm “Hội An xưa”.

Đau đáu chuyện nghề

Họa sĩ Nguyễn Tường Vinh sinh năm 1958, quê gốc Hà Nội. Sống và làm việc tại Đà Nẵng từ 1977 đến nay. Hội viên Hội Mỹ thuật TP.Đà Nẵng, hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam. Tác phẩm đầu tay được chọn treo tại Triển lãm Mỹ thuật thủ đô 1977 và được chọn in trong tập sáng tác mỹ thuật 1979 do Bộ VH-TT ấn hành có tên: Công trường xây dựng khu Giảng Võ (chất liệu sơn dầu). Tường Vinh đã có nhiều tác phẩm được chọn để trưng bày trong các cuộc triễn lãm mỹ thuật toàn quốc, khu vực... và các nước Nhật (1990), Đức (1992), Hà Lan (1994) và Đan Mạch (1995). Tác phẩm trong sưu tập của Hội Mỹ thuật Việt Nam, Bảo tàng mỹ thuật Việt Nam, Chính phủ và Bảo tàng mỹ thuật Đà Nẵng. Nhiều tác phẩm đã nhận được các giải thưởng của Hội Mỹ thuật Việt Nam, UBND TP.Đà Nẵng, Liên hiệp Các hội VHNT Đà Nẵng…

Là một trong những họa sĩ đầu đàn của phong trào mỹ thuật Quảng Nam - Đà Nẵng thế hệ sau 1975 và có nhiều tác phẩm được giới sưu tập đánh giá cao, nhắc về hoạt động mỹ thuật giai đoạn hiện nay, họa sĩ Tường Vinh nêu nhận định: “Đà Nẵng, Hội An cũng như một số thành phố trung tâm lớn khác trong nước như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Huế… đã có một thời bùng nổ cái được gọi là thị trường tranh, cái kiểu người người vẽ tranh, nhà nhà bán tranh ấy. Nhiều họa sĩ đã sống được bằng việc sáng tác và bán tác phẩm của mình chủ yếu cho khách du lịch nước ngoài hay một số nhà sưu tập nước ngoài quan tâm tới văn hóa, con người Việt Nam. Thời kỳ đó kéo dài khoảng hơn 10 năm kể từ khi nước ta bước vào thời kỳ mở cửa và phát triển kinh tế thị trường. Những năm gần đây kinh tế của cả thế giới khủng hoảng. Nó đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới thu nhập của hầu hết họa sĩ nước ta. Theo tôi thấy trong cả nước hiện nay chưa có một thị trường tranh tượng nghệ thuật thực sự. Mỗi sản phẩm mỹ thuật cũng như sản phẩm của các ngành nghệ thuật khác được sinh ra từ tấm lòng và trái tim của mỗi nghệ sĩ. Nó tồn tại hay không tồn tại, phát triển rực rỡ hay lụi tàn là tùy thuộc ở sự đón nhận của xã hội và chính quyền. Nói một cách đơn giản: sản phẩm đã làm ra mà không được quảng bá, không được tiêu thụ, không được gìn giữ thì người làm ra sẽ phải chuyển sang làm việc khác để sinh sống. Theo tôi, phong trào mỹ thuật của Quảng Nam - Đà Nẵng chúng ta mấy năm gần đây có vẻ phát triển theo phương ngang. Tức là đông hội viên, nhiều cuộc triển lãm, trưng bày, nhiều phát động sáng tác, nhiều cuộc đi thực tế sáng tác và trại sáng tác… hơn những năm về trước nhưng có vẻ lại đang thiếu chiều sâu và thiếu cả chiều cao”.

Như tin đã đưa, Triển lãm Mỹ thuật khu vực Nam miền Trung - Tây Nguyên năm 2016 vừa diễn ra vào trung tuần tháng 8 tại TP.Quảng Ngãi. Triển lãm do Hội Mỹ thuật Việt Nam phối hợp UBND tỉnh Quảng Ngãi tổ chức đã giới thiệu 171 tác phẩm hội họa, đồ họa, điêu khắc, mỹ thuật ứng dụng của 167 họa sĩ, nhà điêu khắc đến từ Quảng Ngãi, Bình Định, Khánh Hòa, Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum, Quảng Nam, Phú Yên và Đà Nẵng. Hội đồng nghệ thuật đã công bố và trao giải thưởng của Hội Mỹ thuật Việt Nam cho 8 tác phẩm đoạt giải, gồm: 1 giải A, 1 giải B, 1 giải C và 5 giải khuyến khích. Trong đó, tác phẩm khắc gỗ “Hội An xưa” của Nguyễn Tường Vinh (Đà Nẵng) đoạt giải A.

Về vụ lùm xùm phát hiện 17 bức tranh giả trong cuộc triển lãm “Những bức tranh trở về từ châu Âu” tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.Hồ Chí Minh, họa sĩ Tường Vinh cho biết, anh cảm thấy rất buồn khi nghe tin. Chuyện vàng thau lẫn lộn ở thị trường tranh Việt Nam lâu nay thì vẫn thường xảy ra, nhưng sự kiện lần này thực sự sốc quá! Rất muốn những người có trách nhiệm trong công tác quản lý có những biện pháp tích cực, kịp thời trả lại không khí trong lành cho hoạt động mỹ thuật nước nhà.

Cũng liên quan vấn đề tranh thật tranh giả mà lâu nay nhiều người cũng thường xì xào về thị trường mỹ thuật xứ Quảng, đặc biệt là Hội An, họa sĩ Tường Vinh kể: “Hôm rồi, tại cuộc triển lãm ở Quảng Ngãi, ngồi gần mấy anh em họa sĩ Hội An tôi nói vui: dạo rày Hội An dường như thoát nạn tranh giả rồi, bởi vì anh em đều sáng tác cả, không còn ai sao chép. Sau câu nói ấy tôi bị anh em phản ứng rất gay gắt, vì họ nói rằng, lâu nay chuyện tranh giả, tranh chép xuất hiện tại Hội An là do người từ nơi khác đem đến, chứ anh em họa sĩ tại đây không ai làm vậy cả… Tôi giật mình, khá bất ngờ, vì lâu nay cũng chưa nghĩ đến điều đó. Do vậy, hư thật thế nào thì đã đến lúc chúng ta ngồi lại với nhau trao đổi tìm hiểu rõ ràng, mới tháo gỡ vấn nạn đó đến nơi đến chốn…”.

Trở lại công việc sáng tác của mình, đặc biệt là ở nghệ thuật tranh khắc gỗ, họa sĩ Tường Vinh cho biết, sau tác phẩm “Hội An xưa”, anh đang chuẩn bị ý tưởng thực hiện tác phẩm cho hai đề tài chính: Một là trận chiến Đà Nẵng mở đầu cho cuộc chiến tranh Pháp - Việt 1858-1859 trong lịch sử Việt Nam. Hai là tái hiện không gian Mỹ Sơn thời xưa cũ. Bên cạnh đó, anh cũng đang chuẩn bị kế hoạch cho cuộc triển lãm cá nhân đầu tiên, nhân kỷ niệm 40 năm cầm cọ.

TRẦN TRUNG SÁNG

TRẦN TRUNG SÁNG