Phố của riêng tôi

CÔ GIANG 28/08/2016 09:48

Vào Tam Kỳ. 70 cây số. Vô Sài Gòn. Tận mấy trăm cây. Đó là tính quãng đường khởi đi từ Đại Lộc quê tôi. Nhưng đi Sài Gòn lại “chẳng thấy xa”, mà đi Tam Kỳ thì lúc nào cũng xa lơ, cứ cảm giác đi ngược đường. Người nhà tôi mỗi khi có việc phải vào Tam Kỳ, thường hay buông câu cửa miệng “xa tút lút, đi cứ ngược ngược”. Cảm giác ấy vẫn ngự trị trong tôi, dù tôi ngụ cư ở thành phố này đã 15 năm.

Tam Kỳ hôm nay. Ảnh: PHƯƠNG THẢO
Tam Kỳ hôm nay. Ảnh: PHƯƠNG THẢO

Tôi lần tìm cơn cớ của cảm giác đi ngược đường, có lẽ bắt nguồn trước khi chia tách tỉnh, dân Đại Lộc làm việc gì liên quan đến công quyền, các loại giấy tờ thủ tục, chỉ cần chạy ra Đà Nẵng, cách non 30 cây số. Mà thuận ro, vì chẳng phải căng não khi lái xe trên 60 cây số quốc lộ 1 để vào tận Tam Kỳ, bao nhiêu là xe, bao nhiêu là nguy hiểm. Ngược là phải rồi. Nghe đồn rằng, Đà Nẵng muốn xin thêm đất Đại Lộc để mở rộng địa giới thành phố trực thuộc trung ương nhưng Quảng Nam không thuận, chính phủ không cho. Vì vùng đất Bắc Thu Bồn ấy giàu tiềm năng, lợi thế. Cũng nghe đâu có một cuộc đổi chác, Đà Nẵng muốn Đại Lộc, nếu lấy cả Hiên, Giằng (Tây Giang, Đông Giang) thì Quảng Nam… sẽ cho. Nhưng lấy cái đất khó vùng tây vời vợi xa kia, dù rất nhiều tiềm năng như truyền thông từng bao nhiêu lần quảng bá, thì Đà Nẵng ngại. Và câu chuyện đó, trong dân gian vẫn cứ nói tới trên những bàn nhậu bàn cà phê. Lâu lâu dân gian lại rộ lên rằng, Đại Lộc sắp về Đà Nẵng, cư dân quê sắp thành thị dân thành phố loại 1 - thành phố đáng sống, dù chắc cũng không mấy thay đổi có thể thấy được liền. Thành phố đáng sống, là ở trung tâm đó, chứ cách 30 cây số, nhằm nhò gì. Nhưng dân thì vẫn ưng, vì họ nói, sẽ khỏi phải đi ngược đường, khỏi chạy vô tút Tam Kỳ. Dân ưng thì họ vẽ bao nhiêu chuyện vậy, không biết đúng sai nhưng họ có lý của họ.

Mà có khi, cảm giác ngược đường ấy, khởi đi từ xa hơn nữa, thuộc về ẩn ức chăng? Khi mà vùng đất Đại Lộc còn thuộc phủ Thuận Hóa. Người ta đi ra rồi lại quay về, nó thuận chân hơn là đi vô rồi lại ngược đường trở về. Ẩn ức từ lối mòn của quá trình nam tiến trong những di dân xưa.

Hẳn nơi này đã ra phố từ chừng 20 năm trước, khi bao nhiêu người rầm rập từ Đà Nẵng vào, lúc Tam Kỳ đương mang chỉ giới hành chính thị xã. Tôi thích gọi Tam Kỳ là thị xã hơn. Những năm đó, bao nhiêu quan chức, cán bộ đề huề vợ con nhà cửa ở Đà Nẵng cuối tuần về và đầu tuần vô. Hồi còn chưa cấm dùng xe công, người không để ý ngày tháng cũng sẽ tự… hình dung được lịch tháng ngày khi thấy xe biển số xanh “mã nguồn 92” theo nhau ngược ra Đà Nẵng: Cuối tuần rồi!

Phố hẳn đã ra phố nhưng kiểu của lối sống thị dân thì dường nhạt nhòa đâu đó.

Lần lượt thế hệ “ngày đầu đi mở đất” ấy về hưu hoặc chuyển về Đà Nẵng. Cũng chẳng còn bao nhiêu người cuối tuần về đầu tuần vô. Thế hệ 8X, 9X bắt đầu đến. Họ định cư. Nhưng để ý ngày lễ tết thì sẽ thấy. Cứ quê mà về. Điện Bàn, Đại Lộc, Quế Sơn, Tiên Phước, Trà My, Núi Thành. Tam Kỳ trở nên vắng hoe. Dân gốc Tam Kỳ hoặc chọn Tam Kỳ để ở từ sau giải phóng đến nay họ lặng lẽ dựng hình hài cuộc đất mà trong tâm thức nhiều người chỉ là xứ cát bay mù mịt. Họ bền bỉ không cần xưng tụng. Họ là mảng chính trong bức tranh ghép về Tam Kỳ; nhưng mình họ không thể tạo nên xứ này. Bao nhiêu mảnh ghép khác từ cư dân vùng đất khác. Vì thế để định danh đất này, ngoài danh xưng Hà Đông xưa có từ trăm năm trước, thì dùng chữ gì cho hợp với hiện tại mà không phải loay hoay với quá khứ?  Đất mở có lẽ đúng với cả xưa và nay. Bao dung khi người đến và cũng bao dung khi người đi. Từ tốn. Cho gì cũng nhận lấy gì cũng ừ. Và cứ thế chờ lắng lọc những gì hay ho còn lại.

Bao nhiêu người trẻ đến. 20. 30 tuổi. Người trẻ chộn rộn, năng động và ưa ồn ào náo nhiệt. Đất này thì thiếu những thứ ấy. Họ đến tìm kế sinh nhai, trụ lại. Chẳng nhiều khu vui chơi giải trí “ra trò” theo kiểu của người trẻ. Cuối tuần chẳng biết chơi đâu. Chẳng có công viên, sở thú với những con thú được nhốt trong lồng như định hình vốn có được học từ sách vở về danh xưng “thành phố”. Người trẻ lao đến chỗ khác nếu cần chỗ “ăn chơi”. Họ than thở xứ này buồn. Nhưng họ vẫn sống ở đó. Già dặn đi từng ngày. Và một cách vô thức, từng ngày góp hơi thở cho Tam Kỳ ấm đậm với muôn sắc họ có. Ngược thật. Mà có con diều nào không ngược gió bay lên? Tôi tự hóa giải những điều đó rồi gọi đất này là ĐẤT MỞ.

Xóm tôi đến ở chủ yếu là dân bản địa. Họ được sinh ra trên đất này, rồi lớn lên, rồi sinh con đẻ cái. Rồi chăm bẵm đến cháu. Gọi họ là dân gốc Tam Kỳ được quá còn gì! Họ chẳng bao giờ nói “yêu Tam Kỳ” hay mỹ từ nào tương tự như vậy. Họ vẫn ở đó, mặc con cái lớn lên đi xa khỏi nơi buồn tẻ tỉnh lỵ, hào nhoáng với bao nhiêu công danh ở xứ người. Hoặc thế hệ thứ hai thứ ba được sinh ra đó, dù bấp bênh áo cơm vẫn bám lấy đất này mà sống. Không yêu mà chung thủy với nhau mà tử tế với nhau đến vậy thì hóa ra là nặng duyên nợ với nhau từ tiền kiếp rồi.

Tôi nhớ nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển từng thèm thuồng mỗi lần về Tam Kỳ, ông tấm tắc: “Nơi này dễ thở quá. Sài Gòn nóng bức, không chịu nổi nếu không có máy lạnh. Tam Kỳ lúc nào cũng cho mình cảm giác bình yên. Phố xá trật tự quá, kiểu trật tự của nhà hiền triết”. Tôi cam đoan ông đang nói quá. Vì khối tình tha thiết với đất này thôi. Nhưng tôi sống chưa đủ lâu ở đất này để có thể tin những điều ông nói là đúng hoàn toàn! Lặng lẽ nơi này - đó vẫn chỉ là phố của riêng tôi.

CÔ GIANG

CÔ GIANG