Mê thư pháp

GIA KHANG - MINH PHƯỜNG 28/08/2016 07:31

Nói đến nghệ thuật thư pháp ở Quảng Nam không thể không nhắc đến Hội An, nơi những cái tên đã trở nên khá quen thuộc như Phạm Thúc Hồng hay Đỗ Minh Nhàn… Họ là những người góp phần đưa nghệ thuật thư pháp đến gần hơn với cuộc sống hiện đại.

Nghệ nhân Đỗ Minh Nhàn cho chữ tại lễ hội Giao lưu văn hóa Hội An - Nhật Bản lần thứ 14 vừa qua.
Nghệ nhân Đỗ Minh Nhàn cho chữ tại lễ hội Giao lưu văn hóa Hội An - Nhật Bản lần thứ 14 vừa qua.

1. Đã bước sang tuổi 72, nghệ nhân Đỗ Minh Nhàn (phường Minh An) không quá xa lạ với những người “mê chữ” ở Hội An. Con đường đến với thư pháp của ông xuất phát từ sự đam mê và đầy nỗ lực. Theo lời nghệ nhân, ông sinh ra trong gia đình cha làm nhà giáo, năm 10 tuổi đã tập tành làm thơ, viết văn. Lớn lên, tuy không có điều kiện để trau dồi nhưng thi thoảng ông vẫn viết thư pháp tặng anh em, bạn bè. Năm 1999, khi phố cổ Hội An được UNESCO công nhận di sản văn hóa thế giới, ông nung nấu ý tưởng viết thư pháp và phát triển bộ môn nghệ thuật này rộng rãi hơn. Ông bắt đầu tham gia các câu lạc bộ thơ Phố Cổ, Tình Thi, thơ Hoài Phố và sinh hoạt vào đêm 14 âm lịch hàng tháng. Tuy vậy, dấu ấn rõ nét nhất với Đỗ Minh Nhàn chính là vào những năm 2005 – 2009, ông được mời tham gia triển lãm, viết thư pháp chữ Việt tại Đà Lạt và giành huy chương vàng, sau đó tiếp tục đoạt huy chương đồng tại triển lãm thư pháp ở Hội An.

Ông cho rằng, khác với thư pháp chữ Hán, nghệ thuật thư pháp chữ Việt vẫn thể hiện cái hồn của con chữ vì đây là chữ Quốc ngữ, là nét mỹ thuật của mẫu tự La tinh trên toàn thế giới. Thông qua thư pháp chữ Việt sẽ làm cho tâm hồn nghệ nhân tĩnh lặng. Người viết thư pháp phải thể hiện được cái tâm trên nét chữ. “Giống như con bướm nó lượn, con chim nó bay, âm thanh của gió làm cho lòng người rung động. Do đó, thư pháp là một nghệ thuật không thể thiếu trong đời sống, nó làm cho phần hồn con người được nhẹ nhàng, giải tỏa những phiền muộn”, ông Nhàn phân tích.

Năm 2013, nghệ nhân Đỗ Minh Nhàn tham gia triển lãm bộ tranh thủy mạc về các di sản trên thế giới, trong đó có các di sản tại Việt Nam như: phố cổ Hội An, vịnh Hạ Long, Kinh thành Huế, động Phong Nha – Kẽ Bàng... Đây là bộ sưu tập tranh, thư pháp lớn và gây tiếng vang nhất từ trước đến nay. Nhắc lại những kỷ niệm này, ông tâm sự: “Trong một lần đi uống nước với ông bạn, tôi tình cờ nhìn thấy họa sĩ người Nhật tái hiện hình ảnh Hội An qua những bức họa. Tôi nghĩ, tại sao chúng ta không đem những di sản của đất nước ta thể hiện bằng bức họa để di sản Việt Nam đến gần hơn với bạn bè quốc tế”. Vậy là ông bắt đầu sưu tầm những bức họa của các nghệ nhân nổi tiếng trên thế giới như Lautrec, Vroubel, Donatello… học hỏi và tích lũy ý tưởng từ những nghệ nhân đó để vẽ thành tranh. Kết quả của ý tưởng trên là 100 bức họa đã ra đời, tạo ấn tượng mạnh mẽ với bạn bè trong nước và quốc tế.

Trong lễ hội Giao lưu Văn hóa Hội An – Nhật Bản lần thứ 14 vừa diễn ra mới đây, nghệ nhân Đỗ Minh Nhàn ngồi vẽ chữ cho khách. Mỗi du khách đến xin chữ với ông đó vừa là niềm vui cũng là trách nhiệm, nhất là khi những bạn trẻ hay những du khách người Nhật đến xin câu đối thư pháp về công cha, nghĩa mẹ, đạo làm con bằng tiếng Nhật để mang về nước làm quà.

2. Khác với nghệ nhân Minh Nhàn, nhà văn Phạm Thúc Hồng đến với thư pháp từ niềm đam mê về cách viết chữ Hán. Ở phố cổ Hội An, ông  không chỉ là nghệ nhân nổi tiếng viết thư pháp chữ Hán mà còn vừa viết văn, làm thơ, viết sách. Ông được cư dân phố cổ và nhiều du khách biết đến với nét chữ “rồng bay phượng múa”. Nhiều người tìm đến ông không những vì ông viết câu chữ đẹp, đôi khi họ đến chỉ nhờ ông diễn giải những bức hoành phi, câu đối hay cần giúp dịch, diễn nghĩa các bản chữ Hán Nôm khắc trên các vật dụng kiến trúc trong nhà. Thỉnh thoảng, nhiều người làm nhà theo kiểu cổ hoặc các nhà hàng, khách  sạn muốn có đôi câu đối treo lên cột lại tìm đến nhờ ông cho chữ. Đặc biệt, tuy giỏi chữ Hán nhưng ít người biết ông chỉ mới tự học từ năm 1985. Ông kể, lúc nhỏ, ông rất thích những hoành phi, câu đối nhưng không thể hiểu nghĩa được. Trong ông luôn nung nấu mong ước một ngày nào đó sẽ dịch hiểu hết những câu chữ này. Đến những năm 1980 của thế kỷ trước ông mới lần đầu tự mình nghiên cứu và học chữ Hán. Với niềm say mê và quyết tâm học hỏi ông bắt đầu học từng chữ một, từ 214 bộ chữ đơn giản đến học cách cấu tạo cụm từ ghép của chữ Hán, mày mò mãi ông cũng dần  nắm được những căn bản của loại chữ tượng hình trên. Sang những năm 1990 thì ông quyết định theo học lớp đại học tại chức và tốt nghiệp khóa luận với đề tài về Hán Nôm, để rồi từ đó ông càng dày công đầu tư nghiên cứu, tìm hiểu bộ môn mình yêu thích đến bây giờ.

Không chỉ là nhà thư pháp, nhà giáo Phạm Thúc Hồng còn được biết đến là tác giả của hàng chục đầu sách nhiều thể loại từ biên dịch đến biên khảo, nghiên cứu như “Văn học Hán Nôm trong di tích cổ Hội An”, “Miếu Quan Thánh Hội An”, “Chùa Cầu Hội An - Cổ sự giao lưu văn hóa Việt - Nhật - Trung”, “Hội quán Phúc Kiến”, “Đình Tiền hiền Minh Hương”, “Tín ngưỡng dân gian - Xưa và nay”, “Thể thức văn cúng, liễn, hoành phi thờ thần”, “Thể thức gia phả, bài vị, văn cúng, liễn, hoành phi thờ tổ tiên”…. Ngoài ra, còn có một  số tác phẩm truyện, thơ như “Độc hành ca”, “Tịnh tâm quy từ”, “Quảng Nam cần vương chí”... Nói về thư pháp, ông kể rằng, đã có một thời gian ông mở lớp dạy thư pháp cũng có mấy chục người theo học, nhưng buồn nỗi cứ mỗi ngày học viên lại bỏ học dần, đến cuối chỉ trụ được vài ba người. Nhưng những học viên còn lại này cũng thỉnh thoảng mới viết, chứ không biến đó thành cái nghiệp. Nguyên do là những người trẻ bây giờ không am hiểu về thư pháp, nhất là chưa thật sự đam mê với nghệ thuật này.

GIA KHANG - MINH PHƯỜNG

GIA KHANG - MINH PHƯỜNG