Ngày hội không chỉ của phố thị
Mưa nặng hạt kéo dài suốt buổi. Mặc, người già, người trẻ Tam Kỳ vẫn nô nức đến với ngày hội kỷ niệm 110 năm Phủ lỵ Tam Kỳ, 10 năm thành lập thành phố. Và hơn hết, là niềm hân hoan chào đón thành phố mình trở thành đô thị loại II.
|
Ông Tạ Văn Hào, quê Tiên Phước, đội mưa đi dự lễ kỷ niệm. Ảnh: LÊ QUÂN |
Đến trước lễ khai mạc từ hơn 2 tiếng, ông Lê Văn Thanh, người dân xã Tam Thanh cho biết, vào 5 năm trước, ông cũng đến khu vực Quảng trường 24.3 từ rất sớm, chờ đón chương trình kỷ niệm 105 năm Phủ lỵ Tam Kỳ. “Năm nay thoải mái hơn, không phải chen chúc ngoài đường lớn. Quảng trường bây giờ đẹp đẽ, sáng hơn hẳn các năm. Chỉ tiếc là thời tiết không ủng hộ, nếu không chúng ta đã có một lễ kỷ niệm hoàn hảo. Nhưng dù có thế nào thì người dân chúng tôi vẫn ủng hộ. Một chương trình rất ý nghĩa” - ông Thanh nói. Cũng như ông Thanh, rất nhiều người dân ở các xã vùng ven thành phố tranh thủ tụ hội về quảng trường trung tâm từ rất sớm. “Cuối tuần tôi hay chở cháu ra đây đi dạo, đạp xích lô. Mấy ngày nay còn có thêm triển lãm ảnh nữa, không khí khác hẳn” - bà Lê Thị Thu Tâm, nhà tại xã Tam Đàn, Phú Ninh chia sẻ. Mặc dù trời mưa khá to, nhưng dòng người vẫn cứ đổ về khu vực quảng trường để tham gia buổi lễ và cổ vũ cho đội ngũ diễn viên, ca sĩ trên sân khấu. Những người từ các địa phương khác như Núi Thành, Thăng Bình… cũng tìm về Tam Kỳ để chia vui với người dân thành phố và nghe, xem “Mỹ Tâm, Trọng Tấn, Uyên Linh hát”.
Với những người trực tiếp tham gia chiến đấu giải phóng thị xã Tam Kỳ, đây là dịp để họ về lại với đất xưa. Đi muộn vì đường xa, thời tiết xấu, cựu chiến binh Tạ Văn Hào (huyện Tiên Phước) - người tham gia trận đánh giải phóng Tam Kỳ năm xưa nói: “Sau ngày giải phóng, nhiều anh em, đồng đội chúng tôi còn ở lại để xây dựng Tam Kỳ. Còn tôi sau đó tiếp tục tham gia chiến trường Campuchia, rồi về lại Tiên Phước. Bây giờ, mỗi lần xuống phố là mỗi lần thấy đổi khác”. Khi nhìn lên màn hình lớn của sân khấu, một vài hình ảnh Tam Kỳ trong quá khứ thoáng qua bằng những thước phim, những người ở thế hệ như ông Hào về trước cũng bắt đầu thấy mắt cay cay.
Còn có rất nhiều vùng quê, người quê cùng hùn nhau thuê xe 16 chỗ để chạy vào Tam Kỳ xem chương trình văn nghệ và bắn pháo hoa. Dù trời mưa nặng hạt, có làm họ chùng lòng đôi chút, nhưng vẫn một mực “đội mưa” để nghe hát, xem múa. Ngay cả các ca sĩ, diễn viên, khi phải hát múa dưới trời mưa to, sân khấu sũng nước, vẫn không ngăn họ cháy hết mình với Tam Kỳ. Từ phía khán giả, những tràng vỗ tay không ngớt khi ca sĩ Mỹ Tâm xuất hiện. Và dù mưa như vậy, nhưng nhìn xuống phía dưới khán giả, thấy bà con vẫn rất đông, người nghệ sĩ phía trên sân khấu không còn nề hà gì nữa. Trước khi đến với đêm nhạc tại Tam Kỳ, Mỹ Tâm đã có một chương trình từ thiện đến với trẻ em huyện Nông Sơn, trao tặng cho hai trường miền núi của huyện này toàn bộ bàn ghế mới; thay mới hệ thống cửa của các phòng bị hư hỏng, tặng máy vi tính và nhiều phần quà bao gồm sách vở, dụng cụ học tập cho trẻ em tại đây.
Những ánh mắt không ngừng dõi lên sân khấu, như là họ đang cùng tự hào về quê hương, “tâm huyết và trách nhiệm, chung sức đồng lòng xây dựng thành phố ngày càng phát triển giàu đẹp, văn minh. Phấn đấu nâng cao chất lượng đô thị để hướng đến xây dựng thành phố loại 1 sau năm 2020”, như lời nhắn nhủ, lời hứa của ông Nguyễn Văn Lúa - Bí thư Thành ủy Tam Kỳ đến với người dân phố thị.
LÊ QUÂN