Không ảnh hưởng nhiều khi tăng viện phí

TUỆ LÂM 24/08/2016 10:01

Bắt đầu từ ngày 15.8, 16 tỉnh, thành có số lượng đầu người tham gia BHYT hơn 85% dân số và là những địa phương có bệnh viện tuyến tỉnh thực hiện tính thêm chi phí tiền lương vào giá dịch vụ y tế sẽ tiến hành điều chỉnh tăng giá dịch vụ y tế, trong đó có Quảng Nam.

Việc tăng viện phí này được áp dụng cho những đối tượng tham gia BHYT, chưa áp dụng với người bệnh không có thẻ BHYT.

Theo Thông tư liên tịch số 37/2015/TTLT-BYT-BTC do Bộ Y tế và Bộ Tài chính ban hành, việc điều chỉnh viện phí thực hiện theo hai bước: bước 1 bao gồm chi phí trực tiếp, phụ cấp đặc thù (đã được thực hiện từ ngày 1.3.2016); bước 2, mức giá bao gồm các chi phí tại bước 1 và chi phí tiền lương được thực hiện từ 1.7.2016 (tăng khoảng 18% so với mức giá hiện nay chưa tính tiền lương).

Bà Nguyễn Thị Liên - Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết, dù viện phí tăng do tính lương vào viện phí, nhưng người bệnh chưa có thẻ BHYT không bị ảnh hưởng. “Với người có thẻ BHYT thì quyền lợi được tăng lên do không phải trả thêm hoặc mua một số vật tư chưa kết cấu vào giá. Các bệnh viện có điều kiện để triển khai, phát triển các kỹ thuật y tế, người dân sẽ được thụ hưởng và được BHYT thanh toán ngay trên địa bàn, giảm chi tiền túi và bảo đảm công khai minh bạch, giảm phiền hà cho người bệnh…” - bà Liên nói.

Ông Phạm Ngọc Hòa Bình - Giám đốc Bệnh viện Minh Thiện cho biết, việc tăng viện phí lần này được áp dụng trên nhiều hạng mục khác nhau. Nhưng vẫn có những hạng mục không tăng, thậm chí giảm để có thể điều tiết được chi phí giúp bệnh nhân được thụ hưởng dịch vụ tốt nhất. “Lần tăng viện phí này chủ yếu là trích một phần tiền khám chữa bệnh của bệnh nhân để trả lương cho cán bộ y tế. Nhà nước thay vì trực tiếp trả lương như trước lại rót kinh phí sang BHYT để chi trả. Giá dịch vụ có tăng nhưng cũng không đáng kể, ví dụ như trước đây mổ ruột thừa chi phí 1,5 triệu đồng, giờ tăng lên 2,7 triệu đồng (trước mổ bằng dao nay mổ nội soi) thì bệnh nhân cũng chỉ phải chịu số phần trăm tương ứng, còn lại vẫn được BHYT thanh toán đầy đủ. Nhất là những người nghèo, gia đình chính sách còn được miễn phí hoàn toàn trong khi đó thụ hưởng dịch vụ cao hơn nhiều” - ông Bình cho biết.

Bên cạnh đó, lần tăng viện phí này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các bệnh viện, nhất là các bệnh viện công bởi việc trả lương sẽ được quyết định vào số lượng bệnh nhân tới khám chữa bệnh. Chính vì vậy, áp lực đặt ra cho bệnh viện công không hề nhỏ. “Yếu tố then chốt nhất của bệnh viện hiện nay là làm sao tạo được uy tín, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Có như vậy mới đảm bảo được đời sống của cán bộ công nhân, viên chức của bệnh viện” - ông Dương Ngọc Vinh- Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam cho biết. Về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Liên - Phó Giám đốc Sở Y tế cho rằng, việc áp dụng chi trả một phần lương cho cán bộ y tế từ quỹ khám chữa bệnh BHYT sẽ buộc các cơ sở y tế thay đổi thật sự. “Nếu một bệnh viện không có bệnh nhân tới khám chữa bệnh thì sẽ không đủ tiền để đảm bảo cho cán bộ của mình. Như thế, buộc phải phục vụ người bệnh tốt hơn, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Đến năm 2020, khi áp dụng chi phí dùng cho việc mua sắm trang thiết bị cũng được trích từ nguồn quỹ BHYT thì các bệnh viện càng phải thay đổi hơn nữa. Bởi nếu không có bệnh nhân, lại thua kém về kỹ thuật thì khó tồn tại” - bà Liên nói.

TUỆ LÂM

TUỆ LÂM