Trả lại cho em ngày khai trường
Đà Nẵng và Quảng Nam đã có những quyết định phù hợp với những yêu cầu thực tế của ngành học phổ thông; từ năm học này, các em sẽ có được ngày khai trường thiêng liêng.
1. “Buổi sáng mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh. Mẹ tôi âu yếm nắm lấy tay tôi đi trên còn đường làng dài và hẹp. Con đường này tôi đã quen đi lại lắm lần, nhưng lần này bỗng dưng tôi thấy lạ. Cảnh vật chung quanh tôi đều thay đổi, vì chính lòng tôi có sự thay đổi lớn: Hôm nay tôi đi học!”. Đoạn văn Thanh Tịnh viết về cảm giác đầy ấn tượng của những đứa trẻ thuộc bao nhiêu thế hệ học trò về ngày khai trường đầu tiên trong đời đã đi cùng năm tháng. Người ta có thể đọc thuộc lòng những dòng trên ngay tức khắc, bởi, cảm giác lần đầu tiên bước vào trường, để rồi tiếp tục bước vào đời, để làm người thiêng liêng biết bao! Bỗng dưng một ngày, cái cảm giác thiêng liêng ấy biến mất. Viện lý do chương trình học cần phải kéo dài để tải hết các nội dung cần “cải cách” cho các lứa tuổi học trò phổ thông, chương trình đang từ 33 tuần, khá gọn cho vệc dạy - học và các hoạt động khác trong một năm học, đã được kéo dài ra thành 35, rồi 37 tuần (riêng học sinh tiểu học học trong 35 tuần). Trong 37 tuần ấy, cũng chỉ để dạy một chương trình cũ (viết cho 35 tuần), sở dĩ cần kéo dài ra để …. giảm tải. Một lý do không thuyết phục được ai nhưng người ta vẫn cứ thế mà làm, dẫn đến hệ lụy là học trò mất biến cảm giác nao nức của ngày đầu tiên đến trường.
Ngày tựu trường đúng nghĩa luôn mang đến sự thiêng liêng. |
Hằng năm, học trò bắt đầu học từ những ngày đầu tháng 8, cái thời điểm mà lẽ ra các em phải được nghỉ hè, thoải mái vui chơi để chuẩn bị cho một năm học mới. Học đã đời hai, ba tuần các em lại tiếp tục được khai giảng, cũng vào ngày ấy, ngày 5.9 hằng năm. Người ta đã làm gì khi học rồi mới khai? Chương trình 35 tuần lẽ ra khởi phát từ ngày khai giảng và kết thúc vào cuối tháng 5 ấy được giao về cho các địa phương, phân phối lại sao cho hết quỹ thời gian để các em học trong tư thế giảm tải. Lạ, nếu giảm tải thì giảm từ chương trình, cớ sao phải kéo dài thời gian ra. Nhưng ngay cách làm mỗi nơi mỗi khác này dẫn đến những hệ lụy không mong muốn: Khoảng đầu tháng 5 sau khi kiểm tra học kỳ II xong là học sinh chừng như không muốn học nữa. Hoặc, học trong tư thế cầm chừng. Nhiều hiệu trưởng than trời với thời điểm này bởi học sinh rất lơ là việc học và quay ra phá phách. Theo nhiều hiệu trưởng, đây là thời điểm cơ sở vật chất nhà trường hư hại nhiều nhất. Thêm nữa, do đặc điểm các môn có khác nhau nên nhiều môn hầu như chẳng còn nội dung để dạy trong khi vài môn khác chưa xong chương trình của năm học. Việc tổ chức dạy học khập khiễng như vậy kéo dài đến ngày bế giảng. Ngoài ra, các em cuối cấp còn phải lo ôn thi tốt nghiệp và đại học, ôn luyện thi vào lớp 10 nên những ngày cuối năm ở các trường phổ thông mọi thứ trở nên khó quản lý. Lại không có sức thuyết phục khi người ta lại kéo dài thêm thời gian nghỉ tết từ dăm ba ngày sang 10 đến 14 ngày. Cũng với lý do “giảm tải”. Một câu hỏi dễ dàng được nêu lên: Tại sao phải học sớm, học trước khai giảng để giữa năm lẫn cuối năm nghỉ rất nhiều ngày như vậy? Chẳng thấy ai trả lời cho ra lẽ!
2. Cái cách sử dụng thời gian của năm học trái khoáy kéo dài khá nhiều năm. Cả thầy lẫn trò, cùng phụ huynh rồi cũng cứ phải chịu đựng bởi mọi thứ đã sắp đặt đâu vào đấy. Ngày 3.6.2016, Bộ GD&ĐT ban hành Quyết định số 1893/QĐ BGD ĐT quy định thời gian tựu trường sớm nhất là ngày 1.8, muộn nhất là ngày 25.8 và chỉ quy định thời gian kết thúc năm học trước ngày 31.5.2017. Bộ đã có bước giao quyền chủ động về cho các địa phương trong việc ban hành khung thời gian kế hoạch năm học. Ngày 23.6, với sự tham mưu của Sở GD&ĐT, UBND TP.Đà Nẵng quyết định cho học sinh tựu trường vào ngày 1.9 (muộn hơn quy định của Bộ 6 ngày), nghĩa là chỉ học sau khi khai giảng vào ngày 5.9.2016, hoàn toàn trả đầy đủ những ngày hè cho học sinh. Nhận được thông tin này, phụ huynh và học sinh phấn khởi ra mặt. Ngày khai trường đã được trả lại đúng cho tuổi thơ các em, nhất là với các em lớp 1. Như một hiệu ứng domino, sau đó cũng với sự tham mưu của Sở GD&ĐT, tỉnh Quảng Nam cũng quyết định chỉ đạo các trường tựu trường vào ngày 1.9, nghĩa là chỉ có thể tổ chức dạy học sau khi khai giảng, tức sau ngày 5.9.
Đà Nẵng và Quảng Nam đã có những quyết định phù hợp với những yêu cầu thực tế của ngành học phổ thông. Có vẻ như là một sự tất yếu, trước sau gì sự hợp lý cũng thắng thế. Từ năm học này, các em sẽ được trả lại đầy đủ ý nghĩa của ngày khai trường thiêng liêng. Nhưng còn những năm học vừa qua thì sao? Những ngày “khai trường đã bị lấy mất” của các em, ai sẽ trả lại đây? Bởi, mỗi người chỉ có một tuổi thơ và thời gian không bao giờ quay ngược. Lại thêm một mong ước, giá như hai cái mốc thời gian tựu trường nêu ở trên trùng nhau!
LÊ TRÂM