Nhiều nước lo ngại nhà đầu tư Trung Quốc
Lãnh đạo nhiều nước phương Tây đang lo ngại tác động tiêu cực của các nhà đầu tư Trung Quốc tại khu vực.
Trong khi hiện nay Trung Quốc không còn là điểm đến hấp dẫn của nhiều nhà đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp Trung Quốc đổ tiền đầu tư ra nước ngoài đạt mức kỷ lục từ trước đến nay. Theo Bộ Thương mại Trung Quốc, đầu tư nước ngoài là một trong những chiến lược kinh tế của nước này, đạt hơn 123 tỷ USD vào năm 2015 và tiếp tục gia tăng mạnh vào năm nay. Nhà đầu tư Trung Quốc hoạt động ở nước ngoài chủ yếu trong lĩnh vực bất động sản, tài chính, giải trí, công nghệ và đặc biệt là ngành năng lượng… Thế nhưng, lãnh đạo các nước phương Tây đang rất lo lắng về tác động của nhà đầu tư Trung Quốc như về công nghệ và cơ sở hạ tầng quan trọng.
Hãng tin CNN cuối tuần qua đưa tin, sự quan ngại, thận trọng của các chính phủ từ Mỹ, Anh, Đức, Australia đối với các doanh nghiệp đầu tư từ Trung Quốc đang gia tăng. Đầu tư của Trung Quốc tại phương Tây là việc mua lại hay đầu tư vào hệ thống lưới điện, nhà máy hạt nhân, lưu trữ dữ liệu và công nghệ rô-bốt. Ke Geng, đối tác của công ty luật O’Melveny & Myers, tham gia cố vấn cho các nhà đầu tư Trung Quốc tại nước ngoài cho biết: “Khi chúng tôi làm việc với các nhà đầu tư hay người mua Trung Quốc, vấn đề rủi ro an ninh quốc gia, liên quan đến môi trường chính trị quốc tế sẽ được nhắc đến”.
Ngày 19.8 vừa qua, Bộ trưởng Tài chính Australia, Scott Morrison chính thức bác bỏ gói thầu mà một công ty điện quốc doanh Trung Quốc Grid Corp và công ty tư nhân Cheung Kong ở Hồng Kông mua số cổ phần trị giá 10 tỷ AUD (khoảng 7,67 tỷ USD) trong công ty phân phối điện Ausgrid ở bang New South Wales. Lý do mà Bộ trưởng Scott Morrison nêu lên cụ thể là vì an ninh quốc gia nếu như doanh nghiệp Trung Quốc nắm giữ lĩnh vực quan trọng này. Đây không phải lần đầu tiên mà vào cuối tháng 4.2016, Bộ trưởng Tài chính Australia chặn đứng vụ công ty chăn nuôi gia súc lớn nhất Úc S. Kidman & Co - chủ đất tư nhân lớn nhất ở Australia cho tập đoàn Bằng Hân Thượng Hải (Trung Quốc) và Công ty Australian Rural Capital Ltd. với số tiền 283 triệu USD. Tương tự, lý do của chính phủ Australia: vì an ninh quốc gia.
Ngay sau khi lên nhậm chức Thủ tướng Anh vào giữa tháng 7 vừa qua, bà Theresa May quyết định bất ngờ về việc hoãn dự án nhà máy năng lượng hạt nhân Hinkley Point có vốn đầu tư gần 24 tỷ USD, có cả sự tham gia của Tập đoàn Điện hạt nhân Trung Quốc (CGN). Theo giới phân tích, chính phủ mới của bà Theresa May bộc lộ sự nghi ngờ ý đồ của các nhà đầu tư Trung Quốc trong việc chi phối chiến lược điện hạt nhân Anh quốc, tác động đến cơ sở hạ tầng quan trọng của quốc gia và quyết định gây sốc trên của nữ Thủ tướng Anh được cho là sẽ tránh hậu họa về sau cho nước Anh. Vào tháng 2 đầu năm nay, công ty lưu trữ dữ liệu Western Digital đình chỉ kế hoạch nhận khoản đầu tư 3,8 tỷ USD từ một công ty Trung Quốc trong bối cảnh Ủy ban Đầu tư nước ngoài tại Mỹ (CFI) quyết định điều tra thỏa thuận này. Bên cạnh đó, châu Âu hiện đang lo lắng về các nhà đầu tư Trung Quốc có thể thâu tóm công nghệ nội địa khi công ty sản xuất thiết bị Midea (Trung Quốc) mua lại 86% cổ phần công ty robot Kuka (Đức) trong thương vụ mua bán vừa mới đây. Đó là chưa nói đến nhiều dự án Trung Quốc tại các nước bị từ chối khi nó liên quan đến vấn đề thảm họa môi trường.
NAM VIỆT