Tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2016: Nhà trường lo không đủ chỉ tiêu
Theo quy định, ngày 19.8 là hạn cuối để thí sinh nộp giấy chứng nhận kết quả tuyển sinh (CNKQTS) xác nhận nhập học nhưng tại Trường Đại học Quảng Nam, số thí sinh đến xác nhận nhập học chỉ mới đạt khoảng 53% so với số thí sinh được thông báo trúng tuyển ĐH-CĐ năm 2016.
Đậu mà không học
Theo ghi nhận của phóng viên tại Phòng Khảo thí và đảm bảo chất lượng (Trường ĐH Quảng Nam) vào cuối tuần qua, có khá ít thí sinh đến trực tiếp để nộp giấy CNKQTS xác nhận nhập học tại trường. Trong khi đó, nhà trường cũng đang tổng hợp tiếp tục các trường hợp đã nộp giấy CNKQTS qua đường bưu điện. Tính đến chiều 21.8, nhà trường mới nhận được khoảng 557 giấy CNKQTS trên tổng số 1.035 hồ sơ được thông báo trúng tuyển ĐH-CĐ năm 2016. Như vậy, dựa theo kết quả thông báo trúng tuyển thì chỉ mới có khoảng 53,8% thí sinh xác nhận nhập học tại trường, các trường hợp còn lại được xác định là thí sinh ảo, vì có thể thí sinh đã nộp giấy CNKQTS xác nhận nhập học vào một trường khác ngoài Trường ĐH Quảng Nam (thí sinh được quyền đăng ký xét tuyển vào 2 trường CĐ-ĐH).
Thí sinh nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển vào các trường ĐH trong đợt vừa qua. Ảnh: VINH ANH |
Bà Nguyễn Thị Kim Thoa - Trưởng phòng Khảo thí và đảm bảo chất lượng (Trường ĐH Quảng Nam) cho biết, theo chỉ tiêu tuyển sinh CĐ-ĐH của nhà trường năm 2016 thì số lượng thí sinh được thông báo trúng tuyển đợt 1 (1.035 thí sinh) cũng mới chỉ đạt 69%. Trong khi đó, theo kết quả nộp giấy CNKQTS đến thời điểm hiện nay thì số lượng thí sinh ảo lên đến gần 50% nên nhà trường phải tổ chức xét tuyển bổ sung đợt 1 vào các ngành ĐH-CĐ hệ chính quy năm 2016 lên đến 990 chỉ tiêu (hệ đại học 670 và cao đẳng là 320 chỉ tiêu). Thời gian xét tuyển bổ sung bắt đầu từ ngày 21 - 31.8, thí sinh có thể nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển theo 3 phương thức: qua đường bưu điện, nộp trực tiếp và nộp trực tuyến. Bà Thoa cũng cho biết, căn cứ theo số lượng thí sinh nộp giấy CNKQTS thì mới chỉ có 2 ngành học là Giáo dục Tiểu học và Mầm non tuyển sinh đủ chỉ tiêu, còn lại 14 ngành ĐH-CĐ khác chưa đủ chỉ tiêu, thiếu chỉ tiêu nhiều nhất là ngành Ngôn ngữ Anh và Công nghệ thông tin. Đặc biệt, số lượng thí sinh trúng tuyển vào nhóm ngành sư phạm năm nay lại giảm hơn so với mọi năm. Mặc dù trên mặt bằng chung thì thí sinh nhóm ngành sư phạm của trường vẫn đông hơn những ngành khác. Điều này cũng có thể do thí sinh không “mặn mà” với ngành sư phạm nên số thí sinh đăng ký xét tuyển giảm dần.
Hạ điểm chuẩn
Ngày 1.9 thí sinh làm thủ tục nhập học Theo Trường ĐH Quảng Nam, các thí sinh trúng tuyển vào các ngành ĐH-CĐ hệ chính quy năm 2016 làm thủ tục nhập học tại trường vào 8 giờ ngày 1.9.2016. Mọi thủ tục về hồ sơ nhập học, thí sinh có thể xem trên website của nhà trường. |
Để đảm bảo chỉ tiêu tuyển sinh, năm nay, Trường ĐH Quảng Nam đã hạ điểm chuẩn xét tuyển trung bình 2 - 3 điểm/ngành học so với năm 2015, tuy nhiên nguy cơ thiếu chỉ tiêu vẫn có thể xảy ra. Đơn cử, như ngành Sư phạm Toán, năm 2015 điểm chuẩn là 21 điểm thì năm nay chỉ còn 15 điểm; ngành Ngôn ngữ Anh năm 2015 lấy 20,33 điểm thì năm nay cũng chỉ có 15 điểm. Trong 12 ngành tuyển sinh hệ ĐH thì chỉ có ngành Giáo dục Tiểu học và Giáo dục Mầm non có điểm chuẩn trên 15 điểm, những ngành còn lại chỉ xét tuyển ngang với điểm sàn của Bộ GD&ĐT (15 điểm). Theo bà Thoa, lý do có thể là do thí sinh căn cứ vào điểm chuẩn quá cao của năm 2015 nên không dám nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển vì sợ trượt. Tuy nhiên, vì mặt bằng điểm thi THPT quốc gia năm nay thấp, đặc biệt là điểm thi môn Tiếng Anh nên điểm chuẩn của các trường phải hạ xuống để đảm bảo chỉ tiêu. Không chỉ trường tốp dưới, mà những trường tốp trên cũng vậy, họ cũng hạ điểm chuẩn sát với điểm sàn để tuyển sinh đủ chỉ tiêu. “Với tình hình năm nay thì không còn cách nào khác nhà trường phải xét tuyển hết đợt này đến đợt khác để đảm bảo chỉ tiêu. Nếu đợt 1 chưa đủ thì phải tuyển sinh đợt 2 và có thể là đợt 3, tuy nhiên phải đảm bảo quy định về thời gian của Bộ GD&ĐT đưa ra, chứ không thể làm sai quy định” - bà Thoa nói.
Liên quan đến công tác tuyển sinh năm 2016, bà Thoa chia sẻ, việc thay đổi hình thức xét tuyển so với năm 2015 đã tạo điều kiện tốt hơn cho thí sinh, giúp thí sinh có nhiều lựa chọn và cơ hội hơn. Tuy nhiên, trên thực tế, việc xét tuyển theo hình thức như năm nay cũng khiến cho các trường gặp khó trong tuyển sinh. Có nghĩa tạo ra lượng thí sinh ảo quá lớn, nhà trường không lường hết được dẫn đến việc tuyển sinh lúng túng, bị động. Khó khăn nhất là những trường tốp dưới, việc các trường tốp trên hạ điểm chuẩn nên đa số thí sinh sẽ chọn vào các trường đó, sau đó mới đến những trường tốp dưới. “Trong báo cáo gửi Bộ GD&ĐT, nhà trường cũng có đề xuất với Bộ nên để các trường tốp dưới được tự chủ trong việc tuyển sinh. Hoặc nên quay trở lại hình thức thi “3 chung” (chung đề, chung thời gian và chung kết quả thi - pv), nhằm tạo điều kiện cho các trường ĐH-CĐ chủ động trong công tác tuyển sinh” - bà Thoa cho hay.
VINH ANH