Gành đá Miếu Bà - di tích bên dòng Trường Giang

KIM THOA 23/08/2016 09:08

(QNO) - Núi Thành có nhiều thắng cảnh mang đậm vẻ đẹp hoang sơ để níu chân du khách như gềnh đá Bàn Than, biển Rạng… Thế nhưng ít ai biết, nơi đây còn có một địa danh không chỉ mang vẻ đẹp tự nhiên mà còn ghi lại nhiều dấu tích hoạt động cách mạng ở địa phương qua các thời kỳ. Đó là di tích gành đá Miếu Bà.

Gành đá Miếu Bà hiện ở thôn Vân Thạch, xã Tam Hiệp. Trước đây, khu vực này là rừng cây và đồi đá ven sông Trường Giang. Trước năm 1930, người dân trong vùng lập miếu thờ Bà để cầu mong sự an lành cho xóm làng nên có tên gọi là Miếu Bà. Và vì Miếu Bà nằm trong quần thể gành đá nên dân làng thường gọi là gành đá Miếu Bà.

 Dấu tích còn lại của Miếu Bà. Ảnh: K.T
Dấu tích còn lại của Miếu Bà. Ảnh: K.T

Ngôi miếu nằm ngay trên những đồi đá, ẩn mình dưới rừng cây và hướng mặt về phía dòng sông từng mang ước vọng, niềm tin tâm linh của dân làng về một cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Bên cạnh ngôi miếu còn có tảng đá in hình bước chân người. Tương truyền, đây là dấu chân của vị thần chuyển đá về núi. Do chiến tranh tàn phá nên hiện tại ngôi miếu không còn nguyên vẹn, chỉ còn nền móng. Tuy nhiên, những tảng đá, rừng cây mắm ven sông thì vẫn còn đó. Và khung cảnh nơi đây vẫn khiến người ta gợi nhớ về những dấu nét văn hóa truyền thống trong tín ngưỡng dân gian của cha ông xưa.

Không chỉ có ý nghĩa về mặt tín ngưỡng tâm linh, gành đá Miếu Bà còn là nơi ghi dấu nhiều hoạt động cách mạng ở địa phương qua các thời kỳ.

Khu di tích nằm ngay bên dòng Trường Giang. Ảnh: K.T
Khu di tích nằm ngay bên dòng Trường Giang. Ảnh: K.T

Năm 1938, Chi bộ Đảng đầu tiên ra đời ở xã Tam Hiệp. Vào khoảng những năm 1939, gành đá Miếu Bà là nơi các đồng chí lãnh đạo Xứ ủy, Tỉnh ủy vừa trú ẩn, vừa thường xuyên tổ chức những cuộc họp kín để bàn kế hoạch phát triển lực lượng cách mạng và các hoạt động của Đảng. Gành đá Miếu Bà nằm sát bờ sông, thuận lợi giao lưu với các xã vùng đông nên trở thành cửa ngõ quan trọng đưa, đón cán bộ chuyển vùng bằng đường thủy.

Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, gành đá Miếu Bà tiếp tục là cửa ngõ quan trọng để tàu thuyền cách mạng ra vào chở vũ khí, thực phẩm… để dự trữ vào các kho tại nhà dân trong vùng. Riêng vũ khí, đạn dược được chứa tại ngôi miếu sau đó chuyển ra chiến trường khu V phục vụ kháng chiến.

Giai đoạn năm 1954 - 1975, nơi đây lại trở thành trung tâm để liên hệ với các cơ sở cách mạng phía nam và phía bắc vùng. Trong suốt thời kỳ này, gành đá Miếu Bà còn là điểm trung chuyển đưa những người thanh niên yêu nước đi theo tiếng gọi của Đảng từ các xã vùng đông lên vùng căn cứ cách mạng.

Rừng cây ven sông là tấm lá chắn che chở, Miếu Bà là nơi trú ẩn an toàn cho nhiều thế hệ chiến sĩ cách mạng. Nơi đây đã chứng kiến tinh thần yêu nước quật cường, bất khuất của người dân. Đồng thời, góp phần làm nên những chiến công hiển hách trong lịch sử đấu tranh cách mạng xuyên suốt các thời kỳ ở địa phương.

Sau lửa đạn chiến tranh, gành đá Miếu Bà lại trở về với vẻ yên bình, mộc mạc vốn có của nó. Giữa lòng khu công nghiệp ngột ngạt, vẫn tồn tại một khu rừng ngập mặn với hệ thực vật chủ yếu là mắm và đước. Ẩn mình bên dòng Trường Giang, rừng cây nơi đây đã tạo ra một khoảng thở, một bầu không khí trong lành, đồng thời mang đến cho người ta cảm giác yên bình, thư thái, dịu mát mỗi khi đặt chân đến.

Hiện tại, gành đá Miếu Bà đã được UBND huyện Núi Thành đề nghị UBND tỉnh công nhận di tích cấp tỉnh năm 2016. Việc bảo tồn và tôn tạo khu di tích này có ý nghĩa rất lớn trong việc lưu giữ nét văn hóa tín ngưỡng dân gian. Và đặc biệt là giáo dục truyền thống, lý tưởng cách mạng cho những thế hệ sau về một thời đấu tranh giữ nước oanh liệt của dân tộc.

KIM THOA

KIM THOA