Nhạc, ảnh cho đất ba sông

LÊ QUÂN 20/08/2016 10:44

Những ấn phẩm thức dậy nhiều cảm xúc về một “Tam Kỳ xưa và nay”, “Tam Kỳ - thành phố xanh” ra mắt công chúng trong dịp kỷ niệm 110 năm Phủ lỵ Tam Kỳ và 10 năm thành lập thành phố.

đêm giới thiệu những ca khúc mới với chủ đề “Hát về Tam Kỳ yêu thương” nhằm ra mắt DVD Tam Kỳ - thành phố xanh. ảnh: Hải Hoàng
đêm giới thiệu những ca khúc mới với chủ đề “Hát về Tam Kỳ yêu thương” nhằm ra mắt DVD Tam Kỳ - thành phố xanh. ảnh: Hải Hoàng

Tam Kỳ - thành phố xanh

 “Tam Kỳ thành phố xanh” là tập nhạc và đĩa CD chuyển tải những dấu ấn đặc sắc của một thành phố trẻ. Nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển, người chịu trách nhiệm chính trong việc tuyển lựa các nhạc phẩm để đưa vào tập nhạc, chia sẻ: “Lấy tên gọi “Tam Kỳ thành phố xanh” theo như định hướng phát triển của thành phố trẻ Tam Kỳ. Và cũng từ sự năng động này mà mỗi ca khúc trong tuyển tập lần này đều mang giai điệu tươi tắn, trẻ trung, phù hợp với sức sống mới của thành phố”. Xúc cảm chân thành với vùng đất “ba sông” đã chạm đến trái tim người yêu nhạc.

Cùng với cuốn sách ảnh “Tam Kỳ xưa và nay”, đĩa nhạc DVD và tuyển tập ca khúc “Tam Kỳ - thành phố xanh”, TP.Tam Kỳ còn tổ chức nhiều hoạt động nhằm hướng tới kỷ niệm 110 năm Phủ lỵ Tam Kỳ, 10 năm thành lập thành phố, và nhận Quyết định công nhận đô thị loại II và đón nhận Huân chương độc lập hạng Ba như trưng bày, triển lãm ảnh nghệ thuật Tam Kỳ thành phố trẻ, cuộc thi ảnh Làng bích họa Tam Thanh. Đặc biệt, chương trình nghệ thuật phục vụ lễ kỷ niệm sẽ tổ chức vào tối 24.8 với sự góp mặt của nhiều ca sĩ, nghệ sĩ nổi tiếng…

Bằng nguồn cảm hứng về vùng đất, con người, 10 ca khúc trong tuyển tập đã chuyển tải khá nhiều dấu ấn của Tam Kỳ. Những biểu trưng của thành phố trẻ, từ loài hoa đặc trưng như sưa vàng, đến “vàng son dấu cũ” của những danh xưng từ chợ Vườn Lài, tháp Chiên Đàn, đò ba bến… được uyển chuyển đưa vào ca khúc, tạo nên mạch cảm xúc nối kết từ quá khứ đến hiện tại về vùng đất trẻ. Nhạc sĩ, NSƯT Đình Thậm với “Tam Kỳ đất thắm tình người” - ca khúc đầu tiên anh viết về mảnh đất nơi con gái đầu lòng mình sinh ra. “Tam Kỳ mỗi ngày mỗi đẹp, mỗi phát triển. Con người lại nhiệt tình, sâu sắc. Khi tôi viết, “nhớ cánh cò chiều trên đất ba sông”, là hình dung ra cảnh ngồi ở ven sông Bàn Thạch, thấy cò bay trắng đồng xanh, rồi lại nhớ những ngày quá khứ hẹn hò nơi này” - NSƯT Đình Thậm chia sẻ. Trong khi đó, thì những “người quen của thành phố”, lại nồng nàn với những ký ức gần gụi, khi cả một đoạn đời dài của mình gắn bó với vùng đất này. Nhạc sĩ Phan Văn Minh nói, với anh “Tam Kỳ là nơi xen lẫn những ký ức và không gian cuộc sống đương đại”. “Tôi nhớ như in những góc phố, ngã ba cũ, những hình ảnh về một không gian trầm lắng của thị xã nhỏ ven biển, ven sông. Có những con người cứ khắc đậm mãi trong trí nhớ mình”, và ca khúc “Tam Kỳ dáng phố biển xanh” chính là những khúc rời cảm xúc tìm về thành mạch của Phan Văn Minh.

Tam Kỳ xưa và nay

Với sự dày dặn và công phu, tập sách ảnh “Tam Kỳ xưa và nay” lại mang đến cho người xem nhiều hoài tưởng về một vùng đất đã có tuổi tên trọn 110 năm. Dày 255 trang với số lượng ảnh lên đến 310 bức, “Tam Kỳ xưa và nay” tập hợp khá đầy đủ diện mạo một đô thị. Bố cục xây dựng theo trục thời gian, và cách sắp xếp ảnh cũng khiến bạn đọc dễ hình dung hơn. Những khuôn hình trắng đen, mô tả về những “ký ức Hà Đông – Tam Kỳ” sẽ dẫn dắt người xem đến với một không gian của hoài niệm. Ở đó, có những ngôi làng mà những người đàn ông tóc còn búi tó, hay thậm chí là những phương tiện đi lại của một đoạn giao thời vừa phong kiến vừa chịu đàn áp của chủ nghĩa thực dân. Sau phần mở đầu với những khuôn hình tư liệu, bạn đọc sẽ đến với một “Tam Kỳ từ đơn vị xã đến trung tâm tỉnh lỵ”, giai đoạn 1945 – 1975. Lúc này, một Tam Kỳ với không gian có phần mang vẻ phố xá hơn, hàng buôn cũng đã có, phố cũng đã đông đúc hơn.

Cuốn sách ảnh “Tam Kỳ xưa và nay” với sự góp mặt của 15 tác giả và 310 bức ảnh.
Cuốn sách ảnh “Tam Kỳ xưa và nay” với sự góp mặt của 15 tác giả và 310 bức ảnh.

Và Tam Kỳ của những ngày sau giải phóng. Phần mục này được những người biên tập sách đặt tên “Tam Kỳ trên đường đổi mới”, với những hình ảnh khá sinh động, diễn tả nhiều sự chuyển biến của một đô thị bé nhỏ nằm trung điểm trên đường thiên lý Bắc Nam, giai đoạn từ 1975 – 2005. Ở phần này, những hình ảnh về Tam Kỳ với phố xá còn lẫn làng quê, với truyền thống xây dựng quê hương sau ngày giải phóng, hay một thị xã Tam Kỳ thời kỳ đổi mới giai đoạn 1985 – 2005. Những khuôn hình đối sánh từ ngày mới giải phóng đến khi tách tỉnh (1997), từ những năm xây dựng kinh tế mới đến khi phố phường nên diện mạo. Tên gọi Tam Kỳ thời này đã gắn với cái tên của phố xá, của thị xã. Và những sinh hoạt cũng dần dà mang nếp thị dân nhiều hơn… Trong phần này, những người chơi ảnh Tam Kỳ có dịp được phô bày tình cảm với vùng đất được coi là quê xứ. Anh Nguyễn Thanh Dũng (Dũng TK), Chủ nhiệm CLB nhiếp ảnh Hà Đông, chơi ảnh từ những năm 1999 với tích cóp từ thời gian này trở về sau, đa số là ảnh chụp khoảnh khắc đời thường, như cầu Kỳ Phú cũ và mới, đường hoa sưa, sông Bàn Thạch… với những hình ảnh vừa là tư liệu vừa là ảnh nghệ thuật, góp phần trong cuốn sách ảnh “Tam Kỳ xưa và nay”. “Anh em Hà Đông chụp khá nhiều hình ảnh về đời sống văn hóa, kinh tế xã hội, vùng đất và con người Tam Kỳ. Ngày trước CLB chọn tên Hà Đông, cũng phần nào đó mong những khuôn hình của mình sẽ có ích với vùng đất Hà Đông – Tam Kỳ”, anh Dũng nói. Và trong tập sách do Trung tâm Văn hóa TP.Tam Kỳ chịu trách nhiệm tuyển chọn và sưu tầm, CLB Hà Đông góp mặt với khá nhiều bức ảnh.

Cùng với sự góp mặt của anh em nhiếp ảnh Hà Đông, là những người làm báo, những người chơi ảnh tự do như Nguyễn Tuấn, Nguyễn Điện Ngọc… Những khuôn hình đầy đặn cảm xúc về một thành phố trẻ, giai đoạn 2006 – 2016, được những người biên tập sách đặt tên “Tam Kỳ thành phố trẻ”. Ở mục này, một Tam Kỳ tươi rỡ, nhiều màu sắc, thoáng đãng và hiện đại, được thu vào ống kính. Khép lại một ấn phẩm sách ảnh dày dặn, cùng với những kỳ vọng về sự phát triển không ngừng theo hướng nghiêng về sinh thái, thiên nhiên, Tam Kỳ đủ điều kiện để người đã sống ở đây nhiều đời hay những người chọn đây là quê hương thứ 2, đặt vào đó tất cả thương yêu.

LÊ QUÂN

LÊ QUÂN