Thành phố xây trên ba cái cồn

Ký của TRƯƠNG TÂM THƯ 20/08/2016 09:36

1.110 năm trước, Tam Kỳ chính danh phủ lỵ - trung tâm hành chính. Đó là vào mùa xuân 1906 - 1907. Một dấu mốc. Bách chu niên tuy hãn hữu với đời người trên cõi phàm tục này, nhưng chẳng là “cái sát na” chi cả trong tạo hóa một vùng đất. Những trang sử ố vàng được lần giở lại...

Cơ sở hạ tầng và môi trường đô thị Tam Kỳ đang được tiếp tục đầu tư để đáp ứng vai trò trung tâm tỉnh lỵ.
Cơ sở hạ tầng và môi trường đô thị Tam Kỳ đang được tiếp tục đầu tư để đáp ứng vai trò trung tâm tỉnh lỵ.

Vùng đất này vốn thuộc châu Chiêm Động của Chiêm Thành, năm 1402 được tiến dâng nhà Hồ và sáp nhập vào lãnh thổ nước Việt. Năm 1471, nhà Lê thành lập đạo thừa tuyên Quảng Nam, có vùng Tam Kỳ hiện ra khá rõ trên bản đồ nhưng vẫn chưa có một cước chú nào về địa danh này. Phủ biên tạp lục của nhà bác học Lê Quý Đôn năm 1775 và một sắc phong của vua Lê năm 1767 có nhắc đến tên Tam Kỳ là một con sông, một ngôi làng, một xã. Mãi đến năm 1906, chiếu chỉ vua Thành Thái triều nhà Nguyễn ban ra, chính thức “nâng cấp” Tam Kỳ trở thành phủ lỵ – trung tâm hành chính. Kể từ đây về sau, qua nhiều thời kỳ, nhiều biến thiên thăng trầm lịch sử, Tam Kỳ vẫn luôn được chọn làm trung tâm hành chính của nhiều cấp chính quyền từ huyện đến tỉnh.

Quả thật, có nhiều con đất được tạo hóa ban cho địa thế, vị trí lý tưởng. Nhưng thiên nhiên chỉ sáng lên, chỉ sống động khi có ánh nhìn chiếu rọi của con người. Ngược dòng thời gian, thử tìm dấu con người đã phả hơi thở lên vùng đất này. Các lão nhân, các gia phả để lại ở Hương Trà, Tứ Bàn - những làng xóm “cổ” nhất Tam Kỳ - cho biết, khoảng thế kỷ 15 - 17, những đoàn lưu dân từ Thanh - Nghệ  xuống thuyền vượt bể vào Nam. Từ bể Đông phóng tầm mắt vào đất liền, họ nhìn thấy ba cồn đất nhô lên cao hình tam giác, nay là các núi An Hà, Quảng Phú, Trà Cai, bèn ghé thuyền vào. Lại thấy ba dòng sông nay là Trường Giang, Tam Kỳ, Bàn Thạch lượn quanh ba cái cồn ấy, đất đai màu mỡ, liền sinh cơ lập nghiệp. Tam Kỳ - nghĩa đen là ba cái cồn. Từ chỗ định vị con đất bằng cái nhìn từ bể, đến chỗ hình thành danh xưng về địa lý - hành chính. Lại có giả thuyết, Tam Kỳ là chỉ vị trí vùng đất ở giữa bắc – trung – nam kỳ. Hoặc dân gian diễn giải “Tam Kỳ” gọi ra ba cái lạ của thế đất và nét đặc sắc khó tả ra đây trong cơ thể con người ở xứ đất này... Các núi, các sông, các truyền thuyết còn đến ngày nay. Nhưng thật khó để minh định về nguồn gốc của một cái tên xứ sở, bởi nó không có giấy khai sinh như con người. Mà “giấy khai sinh” cũng chắc gì đã chỉ đúng về “con người” đó!

2. 20 năm qua nhanh như một cái chớp mắt. Chớp mắt để nhớ lại đoàn người khăn gói lên đường, rời TP.Đà Nẵng tiến về phía Nam, không phải như cha ông thuở trước “mang gươm đi mở cõi” mà là với tâm thế tái dựng tỉnh lỵ trên vùng đất ba cồn. Hơn 20 năm trước - từ ngày giải phóng đến 1997, Tam Kỳ bị bỏ lửng cuối tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng. Vùng đất này chỉ được “xướng danh” nhờ “ăn theo” tiếng tăm đại công trình thủy nông Phú Ninh khi ấy vào loại lớn nhất nước, huy động toàn dân, toàn quân, lao động công ích, xây dựng suốt 4 năm ròng rã từ 1977-1981 mới nên cái hồ mênh mông chi thủy tưới tắm khắp phía nam Quảng Nam cho đến bây giờ. Tam Kỳ “lấy lại” vị thế trung tâm hành chính khi trở thành tỉnh lỵ Quảng Nam. Nhưng lúc đó, Tam Kỳ chỉ có mỗi một con đường chiều dọc là quốc lộ 1 cũ chẻ ra mấy nẻo đường ngang ngắn cũn cỡn, không có lấy một cái ngã tư để mà đi lạc. Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam - ông Mai Thúc Lân “thống lĩnh” đoàn người “vào Nam” khi ấy nói vui: “Đường Đà thành lung linh ánh điện/ Phố Tam Kỳ mờ mịt cát bay”. Một số người thất vọng lắm. Không ít kẻ “bỏ chạy” lại phía lung linh...

Nhưng 20 năm bây giờ nhìn lại, mọi thứ đã thay đổi nhiều. Tôi trộm nghĩ, Tam Kỳ thay đổi như vậy cũng một phần chính nhờ “đi lên” từ cái gần như không có gì cả ấy. Làm mới dễ hơn sửa chữa mà! Phố xá xây từ đồng quê, và con người bắt đầu học đòi từ quê lên phố. Tỉnh về, đầu tiên phải là dựng Tam Kỳ lên xứng danh trung tâm hành chính. Phải nói đến đường sá trước hết, bởi bây giờ mà đi lòng vòng dễ lạc vào tận... huyện Núi Thành. Đường ngang lối dọc nhiều hơn. Mấy xóm cũ lơ thơ giờ đành lùi khuất đằng sau các khu dân cư mới mở... Trụ sở cơ quan san sát bề thế. Quán xá chen nhau đủ món từ A tới Z. Người dân giờ có những nơi tham quan, vui chơi như công viên quảng trường 24/3, khu tưởng đài Mẹ Việt Nam anh hùng, công viên quảng trường biển Tam Thanh… Tam Kỳ cũng đã hình thành hệ thống khách sạn, nghỉ dưỡng cao cấp như khách sạn Mường Thanh, khu nghỉ dưỡng ven sông Bàn Thạch, hay khu nghỉ dưỡng Tam Thanh. Người dân cũng dần nhận ra thời cơ, bèn chớp lấy bung ra làm ăn. Cái này mới cực kỳ quan trọng. Nguyên Chủ tịch UBND TP.Tam Kỳ, ông Hoàng Xuân Việt kể: “Tam Kỳ trước đây chẳng có lấy cái nhà cao hơn 3 tầng. Những công thương gia giàu có trước đây đều người từ nơi khác vào lập nghiệp. Chỗ thịnh nhất là ngã ba - bây giờ đã là ngã tư Nam Ngãi - bốn phía đều là những nhà buôn “lừng danh thiên hạ”, nhưng cũng chỉ dừng lại ở 3 tầng. Tôi nhiều năm tìm hiểu, mới biết, cái nhà của một người bản địa ở Hương Trà giàu nhất Tam Kỳ cũng chỉ có 3 tầng. Không phải không có người đủ sức tiền tài, mà là vì cái lẽ gì đó mà người bản địa Tam Kỳ cứ theo quan niệm “không quá ba tầng”.

Vùng đầm phá sông nước Tam Kỳ giàu tiềm năng đang chờ khai phóng.
Vùng đầm phá sông nước Tam Kỳ giàu tiềm năng đang chờ khai phóng.

3. 10 năm “lên” thành phố, Tam Kỳ có lẽ vẫn đang trên đường tìm cách đổi mới chính mình. Cuối năm 2006, Tam Kỳ được Chính phủ “thăng cấp” lên thành phố trực thuộc tỉnh. Nhưng cái đáng tiếc nhất, là đến bây giờ, Tam Kỳ vẫn chỉ mới là nửa quê nửa phố. Con người thật khó có thể làm mới như là xây dựng. Tôi hỏi ông Nguyễn Văn Lúa - Bí thư Thành ủy Tam Kỳ: “Tam Kỳ bây giờ, cái gì sẽ phải tập trung làm?”. Ông Lúa nói: “Chỉnh trang, mở rộng đô thị, và cả con người. Riêng con người, ý thức thị dân - cái hồn của đô thị, có lẽ còn cần thời gian”.

Thời gian trả lời được mọi câu hỏi, từ chính nó, có lẽ vậy. 110 năm, 20 năm, rồi 10 năm. Những cột mốc thời gian chẳng có ý nghĩa gì to lớn nếu biên niên sử không phải là cái cớ để nhìn về tương lai. Tam Kỳ tuy đã giải được bài toán thoát nước, chống cơn ngập úng lưu cữu trong nội thành, xử lý môi trường và tạo lập hệ thống “điều hòa nhiệt độ” bằng các hồ điều hòa và các con đường phủ cây xanh. Nhưng vùng đất phía đông mở rộng ra biển giàu tiềm năng thì vẫn còn chờ khai phóng.

Chiến lược này đã được cụ thể hóa bằng quy hoạch chung thành phố đến năm 2030, tầm nhìn 2050, định hướng mở rộng không gian đô thị về phía đông. Đầu tiên là hướng biển. Không chỉ là phát triển kinh tế du lịch - dịch vụ dọc ven biển mà còn quy hoạch thành phố nhìn ra biển. Thành phố khoảng 100km2 này quá thuận lợi để quy hoạch hướng biển. Ba tuyến đường lớn nối biển đã xong hai, còn tuyến đường Điện Biên Phủ đang được triển khai, sẽ hình thành một “xương sống” nối từ đường cao tốc xuống tận biển. Các tuyến đường ngang ngoài con đường ven biển nay đã có thêm tuyến đường cứu nạn cứu hộ và đường Bạch Đằng. Một lợi thế hiếm có của Tam Kỳ, là vùng đầm phá, sông nước rộng lớn tiệm cận với biển, có diện tích đến 60km2 (chiếm 2/3 diện tích Tam Kỳ), hình thành bởi 3 con sông từng tạo nên 3 cái cồn làm mềm thành phố bên bờ. Xưa nay, những thành phố lớn, đẹp trên thế giới đều soi bóng xuống các dòng sông, bãi biển. Ông Lúa nói nhiều về các dự án bảo tồn cảnh quan, dựa vào tự nhiên để xây dựng nên chuỗi dự án sinh thái và kinh tế xanh. Điểm nhấn là khu vực hồ Sông Đầm - nơi đang nghiên cứu một dự án quy mô về công viên sinh thái thiên nhiên gắn với di tích Bãi Sậy - Sông Đầm. Ý tưởng này còn được đẩy đi xa hơn, là Tam Kỳ sẽ dịch chuyển cả trung tâm hành chính về phía đông, hình thành một đô thị mới theo kiểu một “Phố Đông” nức tiếng của Thượng Hải (Trung Quốc). Ba con sông sẽ được nạo vét, khơi thông và “xanh hóa” để bảo bọc thành phố mới…

Vĩ thanh

Dòng nước sông Trường Giang, Tam Kỳ, Bàn Thạch đã bao năm không ngừng trôi chảy dọc ngang giữa lòng Tam Kỳ, tạo nên sinh khí cho vùng đất ba cồn. Những bậc tiền hiền thuở nào tuy không sinh ra và lớn lên từ Tam Kỳ nhưng đã làm nên, đã sống với Tam Kỳ. Những cái 110 năm, 20 năm, hay 10 năm tiếp nối sự bất tận thời gian và vô cùng không gian. Nhưng, đời mỗi một con người thì hữu hạn. Đem cái hữu hạn mà chạy theo cái vô cùng, thì chỉ có... “chết” (Trang Tử nói vậy). Nhưng biết làm sao được, khi giờ đây, tôi, cùng nhiều người nữa, đang sống với Tam Kỳ, đang yêu Tam Kỳ, và bao người đang dồn tâm huyết để dựng xây Tam Kỳ...

Ký của TRƯƠNG TÂM THƯ

Ký của TRƯƠNG TÂM THƯ