Cảnh giác với tội phạm thẻ ATM
Nhiều khách hàng sử dụng thẻ tín dụng hay thẻ ATM đang đối mặt trước rủi ro thiệt hại về tài chính từ tội phạm công nghệ cao.
Cảnh sát Indonesia vừa bắt giữ Hacane Hanifi (46 tuổi), quốc tịch Algeria vì sử dụng thẻ tín dụng của người khác. Sự việc bắt đầu khi chủ quán bar Eikon ở khu du lịch nổi tiếng Kuta, đảo Bali (Indonesia) gọi điện đến cảnh sát địa phương khi tình nghi hành động gian lận của Hacane Hanifi. Trước đó, nhân viên bảo vệ của quán bar trên được khách hàng tên Rosalinda Octaviani (22 tuổi) thông báo về việc cô bị mất túi xách, trong đó có thẻ tín dụng ngay trong quán. Camera của quán lập tức phát hiện chân dung kẻ trộm cắp sau khi Hacane Hanifi đã kịp tẩu sang câu lạc bộ giải trí Sky the Garden gần đó. Rosalinda Octaviani đứng ngay quầy thanh toán của Sky the Garden và lập tức phát hiện ra kẻ trộm cắp.
Hacane Hanifi (đứng giữa hàng thứ hai) vừa bị cảnh sát Indonesia bắt giữ vì lấy cắp thẻ tín dụng. Ảnh: Jakartapost |
Khác với thẻ ATM, thẻ tín dụng (credit card) không cần nhập mã PIN (mật khẩu) khi thanh toán tại quầy và chỉ cần có đủ thông tin ở mặt trước và mặt sau thẻ tín dụng nên rất dễ bị kẻ trộm sử dụng để thanh toán tiền mặt và đánh cắp thông tin để làm thẻ giả. Do vậy, đối với những người sử dụng thẻ tín dụng, họ chỉ cần giữ thẻ cẩn thận, che giấu thông tin trên thẻ khi thanh toán và cần báo khóa thẻ cho ngân hàng ngay khi mất để được phong tỏa thẻ. Kẻ trộm thẻ tín dụng của người khác rất dễ bị phát hiện nếu các quầy thanh toán nhận được thông báo bị mất từ chủ thẻ nhưng cũng không dễ bị phát hiện khi được làm giả. Đối với ATM bị đánh cắp thông tin tài khoản, khách hàng sẽ rất khó để nhận biết cho đến khi họ bị báo rút tiền trong tài khoản. Tội phạm làm thẻ giả để rút tiền hay thực hiện lệnh chuyển tiền vào tài khoản và rút tại các cây ATM ở rất xa như tại một quốc gia khác, nhắm vào cả ngân hàng và chủ thẻ ATM.
Trong tháng 5 vừa qua, chỉ trong vòng hai giờ đồng hồ, tội phạm người Nam Phi sử dụng 1.600 thẻ giả để rút 13 triệu USD của ngân hàng Standard Bank (Nam Phi) từ 1.400 cây thẻ ATM tận bên Nhật Bản bằng việc sử dụng mạng lưới ATM của ngân hàng Seven Bank. Nhưng theo các chuyên gia, cả hai ngân hàng Standard Bank và Seven Bank (Nhật) bộc lộ điểm yếu trong việc theo dõi các giao dịch và lẽ ra họ phải xây dựng hệ thống ngăn chặn những hoạt động bất thường xảy ra ở nhiều địa điểm trong cùng một lúc. Do đó, trách nhiệm thuộc về nơi phát hành thẻ là Standard Bank nhưng không kiểm soát tốt giao dịch lại ở ngân hàng Seven Bank.
Trước đó, cảnh sát bang New South Wales của Australia truy lùng gắt gao ít nhất 12 tội phạm sử dụng thẻ AMT giả để rút tiền của các chủ thẻ sau khi bọn chúng lấy cắp được thông tin từ chủ thẻ. Trong vòng một năm rưỡi, bọn chúng giao dịch thành công và rút được 6,5 triệu USD. Bên cạnh đó, nhiều quốc gia phát hiện bọn tội phạm đến ngân hàng, mở một tài khoản và thông tin giả mạo, đánh cắp thông tin các chủ thẻ khác để thực hiện lệnh chuyển tiền vào tài khoản của chúng. Ở Australia, bọn tội phạm chủ yếu nhắm vào các chủ thẻ là người nước ngoài hay sinh viên du học đến từ châu Á. Do đó, các chuyên gia cho rằng, đối với các chủ thẻ ATM thì điều quan trọng nhất là khách hàng phải tự bảo vệ, thận trọng và cảnh giác với mọi giao dịch trên mạng, không nên mở hộp thư từ những địa chỉ lạ, tránh lộ bí mật thông tin cá nhân, thay đổi mật khẩu nhằm ngăn chặn ngay hành động đánh cắp thông tin chủ thẻ tín dụng từ các tội phạm công nghệ cao.
NAM VIỆT