Ấn tượng từ giải bóng đá phong trào

CÔNG HÙNG 18/08/2016 10:08

Giải bóng đá vô địch huyện Thăng Bình năm 2016 vừa kết thúc với sự góp mặt của 18 đội bóng đến từ các địa phương trong huyện, đã tạo nên không khí sôi nổi ngoài sức mong đợi của một giải đấu phong trào.

Giải bóng đá vô địch huyện Thăng Bình những năm qua thật sự đã trở thành ngày hội của người dân địa phương. Người hâm mộ bóng đá ở huyện lâu nay đã trở thành những nhà “đồng tổ chức” nên sức sống của giải bóng đá phong trào này luôn được duy trì. Theo một lãnh đạo Trung tâm Văn hóa – thể thao huyện Thăng Bình (đơn vị tổ chức giải), cứ đến đầu tháng 6, cán bộ phụ trách văn hóa - thông tin các địa phương trong huyện đã liên tục gọi điện hoặc gặp trực tiếp bộ phận thể dục, thể thao của trung tâm để “hối thúc” và đề nghị cho biết thời gian tổ chức giải, nhằm chuẩn bị để tham gia. Vì là giải phong trào nên mọi thứ đều rất khó khăn, nhất là việc triệu tập được đủ số lượng cầu thủ để tham gia suốt mùa giải là vấn đề khó đối với các địa phương.

Đông đảo người dân đến cổ vũ cho giải vô địch bóng đá huyện Thăng Bình. Ảnh: C.HÙNG
Đông đảo người dân đến cổ vũ cho giải vô địch bóng đá huyện Thăng Bình. Ảnh: C.HÙNG

Nhiều thanh niên bận đi làm ăn xa hoặc đi học nên việc bố trí thời gian về đá bóng cho xã phải tính toán hợp lý nên địa phương phải chủ động về thời gian. Nhiều xã phải chi vé máy bay cho “cầu thủ làng” từ TP.Hồ Chí Minh về đá một vài trận cầu đinh rồi bay vô lại để tiếp tục công việc, tất nhiên kinh phí cho chuyến đi của cầu thủ đó là do những mạnh thường quân của địa phương tài trợ. Về kinh phí tham dự giải, đa số các địa phương đều thực hiện xã hội hóa. Ngân sách xã chỉ cấp ban đầu cho đội bóng theo dự kiến khoảng 2 đến 3 triệu đồng/mùa giải, xã nào khá hơn thì không quá 5 triệu đồng, đá ít nhất là mỗi đội 4 trận vòng loại. Nếu được đi sâu vào trong thì các đội bóng chỉ trông chờ vào sự vận động trong nhân dân là chủ yếu. Lực lượng đi vận động kinh phí cho các đội bóng đa số là những người tự nguyện và đam mê phong trào, cứ càng vào sâu giải thì số tiền đóng góp càng lớn dần lên. Những trận cầu nảy lửa và vô tư của các đội đã làm cho khán giả luôn phấn khích và đam mê, sẵn sàng ủng hộ để đội bóng của xã đá hết mình vì phong trào.

Điều ấn tượng chính là lượng khán giả đến sân. Hơn 60 trận từ vòng loại cho đến chung kết, lượng khán giả không lúc nào dưới 500 người, hơn 2/3 số trận có từ 1 nghìn người trở lên dự xem. Riêng trận bán kết và chung kết, khán giả đến sân trên 4 nghìn người. Nhìn lượng khán giả không ai nghĩ đây chỉ là giải bóng đá cấp huyện, không khác gì không khí khán giả đến cổ vũ cho đội tuyển quốc gia đang thi đấu. Giải đấu năm nay đã chứng kiến khí thế sôi nổi của khán giả khi nhiều người mang trống, cờ, kèn tự chế; rồi cũng vẽ lên mặt, khoác áo đội nhà, đeo khăn trên đầu để cổ vũ... Điều đặc biệt, năm nay đội Bình Đào vô địch, chiếc cúp do người hâm mộ của địa phương làm nên để cỗ vũ đội nhà cũng đạt kỷ lục là đưa vào cổng chính không lọt, đành phải xin ban tổ chức cho đưa lên theo đường tường rào của sân vận động để vào sân.

Theo ban tổ chức giải, khán giả năm nay đến sân đông hơn mọi năm, nhất là những xã cánh đông của huyện. Đông nhất phải kể đến khán giả xã Bình Minh, Bình Đào, Bình Triều, Bình Trung… Mỗi khi có đội nhà tham gia, khán giả những đội nói trên tổ chức đi thành từng đoàn xe như đi trẩy hội. Nhiều cổ động viên xã Bình Minh, Bình Đào thuê ô tô, cắm cờ  đi cổ vũ mặc dù chỉ cách sân vận động khoảng hơn chục cây số. Không khí trên các nẻo đường từ xã đến địa điểm sân vận động huyện (sân Cây Cốc) trước giờ thi đấu rất rộn rã. Nhiều cổ động viên tâm sự: “Đi xem giải phong trào của huyện sướng hơn giải vô địch quốc gia, vì con em mình vừa gần gũi, vừa thi đấu lăn xả, không có chuyện ni chuyện khác”. Nhiều trận cầu quyết liệt dưới sân, nhưng trên khán đài cũng quyết liệt không kém vì màn cổ vũ nhiệt tình của cổ động viên hai đội.  Đặc biệt là cổ động viên của xã Bình Minh, mỗi khi có trận thi đấu của đội nhà, nhiều tàu thuyền không đi biển, ở nhà đi xem và cổ vũ cho đội bóng.

Đội bóng Bình Minh càng vô sâu giải thì số tàu thuyền nghỉ biển càng nhiều, nếu vô đến trận chung kết thì rất ít tàu thuyền nào đi biển, ngư dân ở nhà để chở vợ con đi xem bóng đá. Cũng chính vì vậy, nguồn kinh phí để đội bóng Bình Minh tham gia hằng năm phần lớn được hỗ trợ từ các tàu thuyền trong xã và một phần không nhỏ từ những thanh niên đang lao động tại Hàn Quốc, Nhật Bản… Nhiều xã khác cũng vậy, sau mỗi trận cầu giành thắng lợi, số tiền ủng hộ cho đội bóng tại sân càng nhiều, nhiều cầu thủ được khán giả thưởng nóng do ghi bàn thắng quyết định làm mãn nhãn người xem. Theo tổ trọng tài của giải đấu, nhìn lượng khán giả đến với giải bóng đá phong trào của huyện Thăng Bình, nhiều sân vận động cấp tỉnh có đội bóng tham dự giải quốc gia phải mơ ước. Chính vì lượng khán giả như vậy, năm nào Trung tâm Thể dục – thể thao tỉnh cũng điều lực lượng trọng tài chất lượng cao ra giúp huyện, góp phần cho giải đấu luôn thành công trong nhiều năm qua.

CÔNG HÙNG

CÔNG HÙNG