Lắng nghe người từng lầm lỡ
Sau Hội An, TP.Tam Kỳ là địa phương thứ 2 triển khai thực hiện gặp gỡ, đối thoại giữa lãnh đạo và các ban ngành của thành phố, của tỉnh với những người chấp hành xong án phạt tù, thanh niên chậm tiến.
Cần sự quan tâm
Buổi đối thoại diễn ra trong không khí cởi mở. Có khá nhiều ý kiến của người chấp hành xong án phạt tù tham gia phát biểu, gửi gắm nguyện vọng đến lãnh đạo thành phố. Nội dung chủ yếu xoay quanh việc vay vốn, hỗ trợ sản xuất, tạo việc làm. Cũng có ý kiến “trách khéo” khi họ chấp hành xong án phạt tù, trở về địa phương nhiều năm nhưng không nhận được sự quan tâm của các ban ngành, đoàn thể. Không chỉ mặc cảm vì bị mọi người xa lánh, người chấp hành xong án phạt tù còn khó kiếm được việc làm, không có vốn làm ăn, nên rất dễ trở lại con đường sa ngã. Bà V.T.X. (trú phường An Mỹ) chia sẻ: “Tôi ra tù trở về địa phương đã 12 năm nhưng chưa một lần thấy chính quyền, các ban ngành đoàn thể của địa phương hỏi han. Từ hai bàn tay trắng, một mình tôi phải bươn chải làm đủ nghề để nuôi con. Bây giờ cũng đã ngoài 45 tuổi rồi nên bản thân không có nguyện vọng học nghề nữa, chỉ mong thành phố tạo điều kiện cho tôi vay vốn để đầu tư mua sắm phương tiện gì đó làm ăn, kiếm sống qua ngày”.
Lãnh đạo TP.Tam Kỳ và các ngành liên quan của tỉnh gặp gỡ, đối thoại với người chấp hành xong án phạt tù trên địa bàn thành phố. Ảnh: VINH ANH |
Khác với bà V.T.X., nhiều người chấp hành xong án phạt tù cho biết từ khi ra tù đã nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của công an, chính quyền địa phương, để nỗ lực vươn lên làm lại cuộc đời. Trường hợp của bà C.T.B. (trú phường Hòa Hương) là một ví dụ. Cách đây hơn 10 năm vợ chồng bà B. vướng vào vòng lao lý vì tội vận chuyển trái phép chất cyanua. Nhờ cải tạo tốt nên sau 3 năm giam giữ, bà B. được trả tự do về địa phương (chồng bà được trả tự do sau 5 năm). “Lúc trở về, cuộc sống khó khăn lắm nhưng may mắn được sự quan tâm của địa phương nên tôi đã vượt qua được. Lúc thì cho gạo, lúc thì hỗ trợ tiền, đặc biệt địa phương đã tạo điều kiện để vợ chồng tôi vay 10 triệu đồng mở tiệm sửa xe, rửa xe máy. Đến nay, cuộc sống của gia đình tôi đã ổn định, có việc làm và thu nhập đều đặn hàng ngày” - bà B. chia sẻ. Hay như trường hợp của anh N.P.V. (trú phường Tân Thạnh), được sự quan tâm, giúp đỡ của địa phương, công an phường, đến nay anh V. đã có một gia đình hạnh phúc, có công việc ổn định với mô hình nuôi heo, gà, bồ câu. Anh V. chia sẻ: “Phải vào tù ra tội khiến bản thân tôi rất mặc cảm, xấu hổ với gia đình và mọi người xung quanh. Nhưng nhờ sự động viên, giúp đỡ của Công an phường Tân Thạnh, tôi đã vượt qua mặc cảm, cưới được vợ rồi có con và phấn đấu làm ăn lương thiện bằng chính đôi bàn tay của mình”.
Hãy xóa đi sự mặc cảm
Tam Kỳ có chính sách hỗ trợ vay vốn, mức cao nhất 50 triệu đồng/trường hợp Từ năm 2002 đến nay, tổng số người chấp hành xong án phạt tù đang cư trú, làm ăn sinh sống trên địa bàn TP.Tam Kỳ là 391 người, trong đó riêng từ đầu năm 2016 đến nay có 22 người chấp hành xong án phạt tù về địa phương. Chia sẻ thông tin tại buổi đối thoại, ông Lê Hùng Lam - Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh cho biết, hiện nay trung ương chưa có chính sách cho vay vốn đối với người chấp hành xong án phạt tù. Tuy nhiên, với nguồn Quỹ việc làm của thành phố tại Ngân hàng Chính sách xã hội hiện khoảng hơn 3,1 tỷ đồng, Tam Kỳ đang có chính sách hỗ trợ cho vay đối với người chấp hành xong án phạt tù ở mức cao nhất là 50 triệu đồng/người, với lãi suất 0,65% (tương đương cho vay hộ nghèo). Những trường hợp giải quyết thêm lao động thì có thể vay với số tiền lớn hơn nhưng phải thế chấp những giấy tờ liên quan. |
Mặc cảm tự ti là tâm lý chung của những người chấp hành xong án phạt tù. Rất ít người có thể quên đi quá khứ lầm lỗi nên lúc trở về đều chọn cho mình cuộc sống khép kín, tách biệt với mọi người. Điều đó đã và đang là rào cản chính khiến cho việc tái hòa nhập cộng đồng đối với những người chấp hành xong án phạt tù trở nên khó khăn. Nhiều trường hợp rất dễ bị bạn bè lôi kéo, quay lại con đường phạm tội. Phát biểu tại buổi gặp gỡ, đối thoại, đại diện lãnh đạo Công an tỉnh, Sở LĐ-TB&XH, TP.Tam Kỳ đều nhấn mạnh, việc tái hòa nhập cộng đồng, trước tiên phải xuất phát từ chính người chấp hành xong án phạt tù. Đó là phải xóa bỏ sự mặc cảm tự ti để quên đi quá khứ lầm lỗi. Bên cạnh đó, sự quan tâm, giúp đỡ của gia đình, chính quyền và các ban ngành đoàn thể ở địa phương sẽ là động lực để người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng nhanh hơn. Đại tá Doãn Bá Hồng - Trưởng phòng Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp Công an tỉnh cho rằng: “Trong xã hội vẫn còn tồn tại sự xa lánh, kỳ thị với người từng phạm tội. Đây là rào cản lớn khiến người chấp hành xong án phạt tù về địa phương khó tái hòa nhập. Theo khảo sát của chúng tôi, tỷ lệ người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương có việc làm, tái hòa nhập cộng đồng thành công do các cấp ở địa phương giúp đỡ còn thấp, mà chủ yếu do chính tự bản thân họ và sự hỗ trợ của gia đình”.
Phó Chủ tịch UBND TP.Tam Kỳ - Bùi Ngọc Ảnh nói: “Không ai muốn mình bị tù tội, nhưng khi đã trót phạm sai lầm thì chính họ cũng đã phải trả giá với những tháng ngày bị giam giữ. Chấp hành xong án phạt tù có nghĩa là đã trả giá cho lỗi lầm của mình. Khi trở về họ cũng như bao người bình thường khác. Vì vậy, tôi mong mọi người hãy quên đi quá khứ, xóa bỏ sự mặc cảm tự ti để đứng lên làm lại cuộc đời. Cùng với đó thì gia đình, xã hội cũng cần “giang tay” đón nhận, giúp đỡ và động viên để họ vươn lên trong cuộc sống”. Ông Ảnh cũng cho biết thêm, sau buổi gặp gỡ, đối thoại này, thành phố sẽ tổng hợp kiến nghị của từng trường hợp cụ thể để có giải pháp giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng. Trong đó, thành phố sẽ ưu tiên việc hỗ trợ kinh phí để đào tạo nghề, vận động doanh nghiệp cam kết tạo việc làm cho người chấp hành xong án phạt tù sau khi được đào tạo nghề.
VINH ANH