Cây ăn quả nuôi cấy mô
Sau 3 năm triển khai, dự án “Ứng dụng công nghệ nuôi cấy mô để sản xuất giống và trồng cây ăn quả chất lượng cao tại tỉnh Quảng Nam” giúp nông dân từng bước tiếp cận với giống cây trồng mới. Tuy nhiên, các loại cây trồng hợp thổ nhưỡng thì phát triển, có loại thì không.
Dự án cấp bộ “Ứng dụng công nghệ nuôi cấy mô để sản xuất giống và trồng cây ăn quả chất lượng cao tại tỉnh Quảng Nam” được triển khai trong giai đoạn 2013-2016, với tổng kinh phí 4,7 tỷ đồng. Dự án do cử nhân Huỳnh Hữu Thắng chủ nhiệm, Trường ĐH Nông lâm TP.Hồ Chí Minh chuyển giao công nghệ. Theo đó, tiếp nhận thiết bị và các quy trình công nghệ tạo giống nuôi cấy mô, nuôi cấy vi ghép đỉnh sinh trưởng để sản xuất cây giống chuối, bưởi sạch bệnh để cung ứng cho nông dân trồng thí điểm. Qua 3 năm, có hơn 100 hộ dân các huyện Phú Ninh, Tiên Phước, Đông Giang và Duy Xuyên được hỗ trợ cây giống, vật tư, phân bón, được hỗ trợ kỹ thuật trồng nhân rộng mô hình trên diện tích hơn 10ha.
Theo ông Huỳnh Hữu Thắng (Trung tâm Ứng dụng & thông tin KH&CN Quảng Nam), việc phát triển cây chuối, cây bưởi nuôi cấy mô tại các huyện Phú Ninh, Tiên Phước, Đông Giang và Duy Xuyên là cần thiết vì đây là hai loài cây vốn thích nghi với điều kiện tự nhiên, khí hậu của vùng thực hiện dự án. Qua đó, đã tạo ra 10.000 cây chuối lùn già, cấp cho Đông Giang 4.000 cây, Tiên Phước 2.000 cây, Phú Ninh 4.000 cây. Có khoảng 5.000 giống cây chuối dạ hương, chuối tiêu hồng được cấp cho các hộ dân Duy Xuyên trồng trong vườn nhà. 3.000 cây bưởi giống được cấp đều cho người dân 4 huyện nêu trên trồng thực nghiệm”.
Tại xã Ba, huyện Đông Giang, dự án hỗ trợ 4.000 cây chuối lùn già nuôi cấy mô cho 7 hộ dân có đất. Qua khảo sát, các hộ tiếp cận mô hình khá tốt, cây thích ứng trên đất đồi, đất vườn rừng tại Đông Giang. Tại các xã Duy Phước, Duy Tân, Duy Hòa, Duy Châu, Duy Trung, Duy Trinh (Duy Xuyên), gần 50 nông hộ cũng đã tiếp cận với giống chuối tiêu hồng, chuối dạ hương nuôi cấy mô với diện tích trồng 2,5ha, nhiều nơi nông hộ đã có chuối xuất vườn. Tại hai huyện Phú Ninh, Tiên Phước, cây chuối có khả năng bám trụ tốt. Ông Hồ Tài (xã Tiên Lộc, Tiên Phước) chia sẻ: “So với chuối bản địa thì chuối mô có năng suất, sản lượng cao, mỗi buồng hơn 10 nải, bán được giá. Nếu trước, trồng chuối bản địa, chỉ sau 1-2 lứa là chuối có hiện tượng nấm bệnh, với giống chuối mô, thời điểm này chưa thấy dấu hiệu nêu trên”.
Với 3.000 cây bưởi vi ghép, ghép mắt các loại, dự án hỗ trợ cây giống cho 79 hộ tại 4 huyện trồng thâm canh trên diện tích 6ha, đang gặp nhiều khó khăn do tỷ lệ cây chết cao, có nơi tới 40%. Tại thôn Thu Bồn Đông, xã Duy Tân, ông Trần Văn Hóa và một số hộ: Thân Đức Có, Cao Thành, Phan Nhi, Bùi Văn Tuấn được cấp giống bưởi (25 cây/hộ). Dù chăm sóc kỹ nhưng vườn bưởi nhà ông Hóa chỉ còn 10 cây. “Đất này vốn không hợp với cây ăn quả, như gia đình tôi từng trồng cả vườn cam nhưng chỉ ăn được 1-2 lứa rồi cây tự chết dần. Hơn nữa, cây nuôi cấy mô là giống mới, người dân tiếp cận quá khó, cây quá nhỏ, nếu thiếu kinh nghiệm chăm sóc không dễ gì đạt hiệu quả” - ông Hóa nói. Ngay tại Tiên Phước, vùng đất khá hợp với cây bưởi thì tình hình cũng không mấy khả quan. Ông Lê Văn Thọ - Trưởng trạm Khuyến nông - khuyến lâm huyện Tiên Phước thông tin, trong khi cây chuối phát triển tốt thì cây bưởi da xanh, bưởi Tiên Hiệp vi ghép tỷ lệ sống không cao. Không chỉ bị chết héo, nhiều cây còn có hiện tượng sâu vẽ bùa, phải dùng thuốc đặc trị…
BÍCH LIÊN