Đảm bảo quyền trẻ em
Làm thế nào để đảm bảo môi trường cho trẻ phát triển toàn diện trước tình trạng trẻ em bị xâm hại, vi phạm pháp luật ngày càng gia tăng là bài toán khó.
Trẻ em là đối tượng dễ bị tổn thương nên cần được bảo vệ bởi cả xã hội.Ảnh: D.L |
Thực trạng
Theo Sở LĐ-TB&XH, trong 6 tháng đầu năm 2016 trên địa bàn tỉnh xảy ra 5 vụ với 6 trẻ em nữ bị xâm hại, trong đó có 3 em nữ bị hiếp dâm ở độ tuổi 6 - 16; 3 em nữ tuổi 13 - dưới 16, bị xâm hại. Cơ quan pháp luật đã khởi tố 2 vụ, đang điều tra 2 vụ, xử lý hành chính 1 vụ. Tình hình trẻ em làm trái pháp luật có 93 vụ với 163 em vi phạm, phổ biến ở độ tuổi từ 14 đến dưới 18 tuổi, trong đó đã khởi tố xử lý hình sự 15 vụ với 19 em; xử lý hành chính 76 vụ với 133 em; giao cho gia ðđình quản lý giáo dục 47 em; có quyết định giáo dục tại xã, phường 8 em; đưa vào trường giáo dưỡng 1 em; và áp dụng các biện pháp khác đối với 66 em. Trong 3 năm gần đây trung bình mỗi năm xảy ra 256 vụ vi phạm pháp luật do 367 em gây ra. Theo phân tích của Công an tỉnh, tội danh mà trẻ em vi phạm pháp luật gồm: trộm cắp tài sản, cố ý gây thương tích, gây rối trật tự công cộng, cướp giật, cướp tài sản, mua bán, tàng trữ và tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy, hiếp dâm, cưỡng dâm, cưỡng đoạt tài sản và đánh bạc. Ðộ tuổi vi phạm pháp luật từ dưới 14 tuổi đến dưới 18 tuổi.
Ông Nguyễn Ngọc Tỉnh - Trưởng phòng 2 Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh cho biết, việc đấu tranh phòng chống tội phạm do người chưa thành niên thực hiện hiện nay là nỗi lo chung toàn xã hội. vì đây là lứa tuổi phát triển về tâm sinh lý và nhân cách, còn non nớt về nhận thức và tinh thần, nên dễ bị ảnh hưởng của môi trường sống. Hành vi của người chưa thành niên thường bồng bột, thiếu suy nghĩ, thậm chí không cần suy nghĩ về hậu quả của hành vi mình thực hiện. “Ở nước ta trong những năm qua, tình hình vi phạm pháp luật và phạm tội của người chưa thành niên đã và đang là vấn đề thời sự xã hội, đòi hỏi Nhà nước, các tổ chức, đoàn thể phải có những giải pháp hữu hiệu hơn nữa để ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng này. Gần đây, loại tội mà các em thực hiện có dấu hiệu tăng đột biến là tội sử dụng mạng viễn thông, internet hoặc thiết bị số thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản” - ông Tỉnh cho biết thêm.
Hỗ trợ trên cơ sở quyền trẻ em
Theo ông Nguyễn Thùy - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, trẻ em vi phạm pháp luật khi tiến hành hỗ trợ tư pháp, tố tụng, xét xử các vụ án liên quan đều phải đảm bảo trên cơ sở quyền trẻ em. Bao gồm: quyền được lắng nghe, quyền được tham gia và tôn trọng, đối xử công bằng, bình đẳng, không phân biệt đối xử của trẻ em, người chưa thành niên vi phạm pháp luật trong quá trình tố tụng; các quyết định được đưa ra phải dựa trên lợi ích tốt nhất của trẻ em. Các cơ quan tiến hành tố tụng được tập huấn chuyên môn về xử lý các vụ án có trẻ em tham gia và thực thi nhiệm vụ của mình một cách chuyên nghiệp, hiệu quả trên cơ sở tôn trọng các quyền nêu trên. Hợp tác chặt chẽ với các cán bộ bảo vệ, chăm sóc trẻ em, cán bộ xã hội và các nhân viên hỗ trợ khác để bảo đảm trẻ em nhận được sự hỗ trợ cần thiết cũng như có trợ giúp pháp lý liên quan. Công tác tái hòa nhập cộng đồng đối với trẻ em sau khi chấp hành xong biện pháp giáo dưỡng trở về địa phương cũng cần được chú trọng.
Sự tham gia hỗ trợ tư pháp cho trẻ em là trách nhiệm của cả xã hội, từ gia đình đến các cơ quan nhà nước, cộng đồng, nhằm nâng cao mức bảo vệ trẻ một cách tốt nhất. Đáng chú ý, trẻ em bị xâm hại không dám nói ra sự thật, sợ hãi và sống biệt lập, khó hòa nhập cộng đồng là rào cản vô cùng lớn cản trở sự phát triển bình thường của trẻ. Ông Lê Văn Hương (Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước - Sở Tư pháp) cho biết: “Qua thực tế hoạt động trợ giúp pháp lý ở cơ sở cho thấy đối tượng được trợ giúp pháp lý là những người yếu thế, trong đó trẻ em dễ bị tổn thương bởi các hành vi vi phạm pháp luật và cũng là đối tượng dễ bị kẻ xấu lôi kéo. Vì thế, việc hỗ trợ pháp lý một cách toàn diện và đầy đủ nhất, đảm bảo quyền của trẻ em là rất cần thiết. Quan trọng hơ, bảo vệ trẻ cần phải có sự vào cuộc của cả gia đình, nhà trường, cơ quan nhà nước và cộng đồng xã hội. Đồng thời tránh các nguy cơ bị xâm hại và vi phạm pháp luật là trách nhiệm của nhiều cấp, ngành, đòi hỏi các cơ quan, địa phương phải phối hợp chặt chẽ hơn nữa”.
LÊ DIỄM