Đơn giản... dễ tử vong
1. Khi sử dụng xe máy làm phương tiện để đi lại, hầu hết người dân đều “bọc” bên mình chiếc điện thoại di động (ĐTDĐ) cho tiện liên lạc. Do thói quen, số người dừng lại để nghe, gọi điện thoại hay đọc tin nhắn khá hiếm hoi. Sốc hơn, có người mà nhất là lứa tuổi thanh niên vừa chạy vừa đọc và… trả lời tin nhắn. Theo các nhà nghiên cứu, người vừa điều khiển xe máy vừa sử dụng ĐTDĐ sẽ dễ khiến đầu óc không tập trung nhìn làn đường, giảm khả năng điều khiển, kiểm soát động tác lái xe. Để điều chỉnh hành vi, Chính phủ đã ban hành nhiều chế tài có liên quan. Mới nhất, Nghị định số 46/2016/NĐ-CP quy định người đang điều khiển xe máy sử dụng ĐTDĐ, thiết bị âm thanh, trừ thiết bị trợ thính sẽ bị phạt tiền từ 100 - 200 nghìn đồng (mức phạt tại Nghị định 171/2013/NĐ-CP là 60 - 80 nghìn đồng). Song đáng tiếc, thực trạng này xuất hiện ở mọi tuyến đường, đáng ngại nhất là tại những tuyến phố đông người và dày phương tiện qua lại. Đặc biệt, trên quốc lộ 1, người điều khiển xe máy sử dụng ĐTDĐ xuất hiện thường xuyên, trong khi đây là tuyến huyết mạch có hỗn hợp các loại phương tiện giao thông tham gia với tốc độ cao.
2. “Giá như!”, “hay vậy!”, “tiếc là!”… là những thán từ mà bản thân người điều khiển, người ngồi trên xe máy không đội mũ bảo hiểm (MBH) khi tham gia giao thông, hoặc người thân trong gia đình nạn nhân thường thốt lên đau đớn hậu tai nạn. Trong đó, trường hợp vi phạm xuất hiện khắp nơi, tập trung vào lứa tuổi thanh thiếu niên, nhất là sử dụng MBH không đúng chuẩn. Nhằm “nhấn mạnh” tác dụng của MBH đạt chất lượng, Chính phủ cũng đã ban hành chế tài xử phạt 200 nghìn đồng/trường hợp. Vì đội MBH đúng quy cách, chất lượng, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng để chẳng may xảy ra tình huống va chạm khi tham gia giao thông, mũ sẽ bảo vệ bộ phận não bộ khi mà phần đầu nạn nhân bị va đập, giảm nguy cơ dẫn đến tử vong. Điều này chắc chắn nhiều người đã nắm bắt, tuy nhiên, không phải ai cũng trang bị cho mình một sản phẩm đảm bảo, rõ nguồn gốc. Nhiều người cứ suy nghĩ rằng, đội MBH chỉ để đối phó với công an nên mua cho có. Không ít bậc cha mẹ không tiếc tiền sắm cho con mẫu đồ chơi tiền triệu, song lại băn khoăn khi chọn MBH chất lượng.
Những vấn đề nêu trên tưởng chừng đơn giản, người tham gia giao thông có thể chủ động thực hiện nhằm đảm bảo an toàn cho chính mình nhưng phần lớn lại bỏ qua. Việc chế tài xử phạt chưa đủ tính răn đe nên họ vẫn vô tư vi phạm. Vừa lái xe vừa sử dụng điện thoại hay đội MBH cho có lệ không phải là chuyện mới nhưng để hạn chế, xóa hẳn tình trạng trên vẫn là bài toán khó. Bởi ngoài việc xử phạt của cơ quan chức năng, sâu xa hơn phải thay đổi từ chính ý thức của người tham gia giao thông. Bởi một khi họ coi thường sự an nguy của chính mình thì khó lòng ý thức bảo vệ an toàn giao thông cho cả cộng đồng.
SÁU CÒI