Những người tiên phong của đất xưa
Một số nhân vật lịch sử của huyện Hà Đông xưa đã để lại những dấu ấn đáng kể trong học hành, làm việc cũng như trong chiến đấu. Nhân kỷ niệm 110 năm phủ lỵ Tam Kỳ, xin gửi đến bạn đọc một số thông tin về những người đạt thành tích đầu tiên trong từng lĩnh vực mà sử liệu gốc còn lưu lại.
Bài thơ của hoàng tử Hồng Nhậm tặng ông Trần Hưng Nhượng vào tháng 9.1845. |
Vị võ tướng thời Tây Sơn đầu tiên quê ở Hà Đông còn lưu lại bằng sắc là cụ Đống Công Trường, người thôn A Vó, tổng Đức Hòa, thuộc Kim Hộ, huyện Lễ Dương (sau thuộc huyện Hà Đông rồi thuộc phủ Tam Kỳ). Quê gốc của cụ ở làng Chiên Đàn, theo các vua Tây Sơn lập được nhiều chiến công, được phong tước Miên Tài bá, sau thăng Miên Tài hầu. Theo truyền khẩu cũng như một số tư liệu sao lục còn lưu lại, một số võ tướng đồng thời với cụ Đống Công Trường có Lê Văn Thủ, Lê Văn Long, Kiều Phụng; đều là những võ tướng đầu tiên của đất Tam Kỳ - Hà Đông đã tham gia khởi nghĩa nông dân chống ngoại xâm, xóa cuộc phân tranh Trịnh - Nguyễn, tạo tiền đề cho công cuộc thống nhất đất nước vào cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX.
Vị thượng thư đứng đầu một bộ trong triều Nguyễn lúc mới dựng nghiệp cũng là một người Hà Đông, đó là cụ Trần Văn Thái, quê ở thôn Ngọc Giáp, thuộc Chu Tượng, huyện Lễ Dương, phủ Thăng Hoa (nay là thôn Lộc Ngọc, xã Tam Tiến, Núi Thành). Khi vua Gia Long kiến tạo triều đình (năm 1802), cụ Thái đã giữ những chức vụ trọng yếu về nhiều lĩnh vực của thủy quân - đặc biệt là thiết kế và chế tạo tàu thuyền vận tải và chiến đấu. Năm 1809 cụ Trần Văn Thái được giao giữ chức Thượng thư bộ Công - là một trong 6 vị thượng thư đầu tiên của triều Nguyễn. Cùng với cương vị này, cụ được giao thống quản điều hành toàn bộ thủy quân trong cả nước. Cụ mất năm 1810, được truy tặng tước Trụ quốc Tham chính (cao hơn quan hàm Thượng thư) - một tước hiệu cao nhất mà triều Nguyễn từng ban tặng cho một người Quảng Nam. Mộ cụ hiện an vị ở xã Tam Tiến, huyện Núi Thành.
Hai người đầu tiên khai khoa thi cử đất Hà Đông xưa là Doãn Văn Đổ, người đầu tiên đỗ Sinh đồ (sau đổi tên thành Tú tài) vào năm 1813 và Doãn Văn Xuân, người đầu tiên đỗ Hương cống (sau đổi tên thành cử nhân) vào năm 1819. Cả hai ông là anh em ruột, quê ở làng Quảng Phú (nay thuộc phường An Phú và xã Tam Phú, TP.Tam Kỳ). Thời ấy, làng này thuộc tổng Hưng Thịnh Hạ, huyện Lễ Dương (sau đổi thành huyện Thăng Bình); vì thế, tên hai ông được khắc vào văn bia ở Văn thánh Thăng Bình. Nhiều tên các vị cử nhân tú tài thuộc làng Quảng Phú tổng Hưng Thịnh hạ này (sau thuộc về địa phận về huyện Hà Đông) cũng có tên trong văn bia văn thánh nói trên.
Vị khoa bảng đầu tiên vào dạy hoàng tử trong triều Thiệu Trị là cụ Trần Hưng Nhượng, quê ở làng Khương Mỹ, tổng Đức Hòa, huyện Hà Đông (nay là thôn Khương Mỹ, xã Tam Xuân 1, huyện núi Thành). Trước khi được giao việc giúp hoàng tử Hồng Nhậm (sau này là vua Tự Đức) đọc sách, cụ Nhượng từng làm giáo thụ tại phủ Kiến An, tỉnh Định Tường - quê của bà Phạm Thị Hằng, vợ vua Thiệu Trị. Có lẽ là người mẫu mực trong dạy học ở quê vợ của nhà vua nên cụ Nhượng được chú ý và được chọn lựa làm thầy dạy học cho nhà vua tương lai. Hiện gia tộc còn giữ một bài thơ của hoàng tử Hồng Nhậm tặng cho ông thầy dạy học của mình vào năm 1845, lời lẽ rất thiết tha, cảm động. Cụ Nhượng cũng là người Quảng Nam đầu tiên được điều đến làm việc tại vùng biên giới Lạng Sơn - Cao Bằng với chức vụ Án sát sứ - một chức vụ quan trọng trong tình hình thổ phỉ xâm lấn, cướp phá ở biên giới Việt - Trung lúc đương thời.
Người Hà Đông đầu tiên lĩnh chức Sơn phòng sứ Quảng Nam là ông Nguyễn Văn Hưng (còn gọi là Xán). Ông Hưng đỗ “liên tiệp tú tài” (hai lần đỗ tú tài) vào các năm 1842 và 1847, dưới thời vua Thiệu Trị; sau đó đỗ cử nhân vào năm Tự Đức nguyên niên (1848). Ông Hưng, trong cương vị quan trông coi miền sơn cước của cả tỉnh đã có công rất lớn trong việc thu phục người dân thiểu số; không để họ tràn xuống đồng bằng quấy phá, cướp trâu như trước. Việc bình định miền núi của ông Hưng đã tạo đà cho Sơn phòng sứ Trần Văn Dư có điều kiện chuẩn bị hậu cần cho phong trào Nghĩa hội trong thời gian sau đó. Sách Quốc triều hương khoa lục ghi nhận ông Hưng từng làm đến chức Hồng lô tự khanh.
Người trẻ nhất ở đất Hà Đông đỗ cử nhân là ông Phan Văn Xưởng, sinh năm 1816 quê ở làng Khánh Thọ, tổng Chiên Đàn (nay là thôn Khánh Thọ, xã Tam Thái, huyện Phú Ninh). Ông Xưởng đỗ cử nhân năm 1834, lúc mới 18 tuổi. Tám năm sau, lúc 26 tuổi, ông đã thăng tới chức Lễ khoa Chưởng ấn Cấp sự trung kiêm chức Ngự sử ở Tôn Nhân phủ chuyên xem xét và chỉ ra điều sai trái (kê hặc) của các thân tộc nhà vua. Ông Xưởng là người giỏi chữ nghĩa và có nhiều sáng kiến. Khi tháp tùng vua Thiệu Trị tuần du Bắc hà vào mùa xuân năm 1842, ông đã tham gia cùng Khâm sai đại thần là Thượng thư bộ Hình Vũ Xuân Cẩn giải quyết hơn bốn nghìn lá đơn khiếu nại tồn đọng của dân chúng từ Quảng Bình đến biên giới phía bắc. Những ý kiến đóng góp cho triều đình và tính cách của ông Xưởng được sách Đại Nam thực lục ghi cả thảy 18 lần - đó là điều hết sức đặc biệt.
Gia đình có nhiều đại khoa đầu tiên ở đất Hà Đông ghi những công lao lớn với dân với nước là gia đình cụ Nguyễn Dục. Cụ Nguyễn đỗ phó bảng năm 1838, từng được sung vào chức Giáo đạo dạy các hoàng tử ở Dục Đức đường và nổi tiếng là nhà sư phạm mẫu mực của chốn kinh đô, được các sử gia của triều Nguyễn khen tặng là “người có học lực thuần phục, trọng hậu; giản dị, điềm tĩnh, tính hạnh chính trực, là một người gương mẫu cho làng Nho của đất Nam châu”. Con trai của cụ Nguyễn Dục là Nguyễn Thích đỗ tiến sĩ năm 1884, qua đời năm 1885 trong một cuộc binh biến ở kinh thành Huế. Con rể của cụ Nguyễn Dục là Trần Văn Dư, đỗ tiến sĩ năm 1875, kinh qua nhiều chức vụ quan trọng ở triều đình, từng là thầy dạy học của hoàng tử Ưng Đăng rồi Ưng Ky (sau là vua Đồng Khánh). Cụ Trần được cả nước biết tiếng vì là người lãnh đạo phong trào Nghĩa hội Cần vương ở Quảng Nam từ tháng Giêng đến tháng Chạp năm 1885. Cụ bị ám hại bởi tay bọn quan lại Nam triều thân Pháp trong một tình huống mà nhà vua Đồng Khánh, học trò cũ của cụ can thiệp không kịp.
Người Hà Đông uống thuốc độc tự vẫn khi “chống Pháp bất thành” là cụ Phan Bá Phiến người thôn Cây Bàng, xã Kỳ Lộc, huyện Hà Đông (nay là thuộc xã Tam Tiến, huyện Núi Thành). Cụ Phiến đỗ cử nhân vào năm 1882. Sau khi từ quan về quê, cụ tham gia phong trào Nghĩa hội Cần vương, trở thành phụ tá đắc lực cho cụ Trần Văn Dư (năm 1885) rồi cho cụ Nguyễn Duy Hiệu (1886-1887). Khi Nghĩa hội Quảng Nam không còn chống nổi với thực dân Pháp, cụ Phiến đã uống thuốc độc tuẫn tiết vào ngày mùng 5 tháng 8 âm lịch năm 1887. Cụ Phan Bội Châu đã kể về việc ấy trong sách Việt Nam vong quốc sử như sau: “Lúc sinh thời, khi khởi phát đại sự, Phiến vẫn thường mang thuốc độc trong túi áo; lập chí của ông hy sinh vì cách mạng vốn đã có từ lâu”.
Hai tú tài người Hà Đông là anh em ruột, cùng tham gia chống Pháp, cùng chịu tù đày rồi cùng hy sinh trong nhà tù là Dương Thưởng và Dương Thạc. Theo bản luận tội của Nam triều thì hai cụ này là người làng Trường An, tổng Đức Hòa, huyện Hà Đông (nay là vùng lòng hồ Phú Ninh). Các vị cao niên vùng Tam Kỳ thì nhớ hai cụ có thời gian cư ngụ ở thôn Quán Rường, tổng Chiên Đàn (nay là xã Tam An, huyện Phú Ninh). Cụ Dương Thưởng từng làm đơn khiếu kiện quan chức, lý dịch ăn hối lộ và áp bức dân nên bị chúng để ý. Vì thế khi tìm được chứng cớ hai cụ có tham gia phong trào cự sưu kháng thuế năm 1908, chúng liền bắt và giải giao lên chính quyền Nam triều và Tòa sứ Pháp ở Quảng Nam. Cụ Dương Thạc bị đày ra đảo Côn Lôn cùng lúc với cụ Huỳnh Thúc Kháng vào tháng 8.1908; còn cụ Dương Thưởng bị đày lên nhà tù Lao Bảo cũng trong khoảng thời gian ấy. Sau đó cụ Dương Thạc mất ngoài đảo do bị ho rồi bị thổ huyết; còn cụ Dương Thưởng bị bọn cai ngục bắn chết trong một cuộc nổi dậy của tù nhân Lao Bảo.
Cụ Trần Thuyết là thủ lĩnh cuộc biểu tình của dân 7 tổng vùng Hà Đông dẫn đến việc vây phủ đường Tam Kỳ vào năm 1908. Từ một tiếng hô “đòi ăn gan” của cụ Thuyết, đáp lại là tiếng “dạ” vang lừng của toàn dân. Sợ mất mật vì tiếng hô ấy, Đề Tuệ, một Việt gian khét tiếng ở phủ Tam Kỳ đã ngã xuống bất tỉnh rồi chết ngay sau đó. Cuộc vây phủ thất bại, cụ Thuyết bị bắt rồi bị xử chém gần quãng sông sát cầu Tam Kỳ. Cụ là người đầu tiên hy sinh trong phong trào kháng sưu chống thuế năm 1908 ở Nam Quảng Nam.
Cuộc khởi nghĩa của Việt Nam Quang phục hội của sĩ dân vùng Hà Đông xưa là cuộc nổi dậy duy nhất có tổ chức, trải rộng khắp các tổng thuộc huyện Tiên Phước và phủ Tam Kỳ vào ngày 3.5.1916. Cuộc “phiến biến” (theo cách gọi của Pháp và Nam triều lúc ấy) xuất phát từ nhiều ngả, ở nhiều tổng, kéo về vây Phủ đường Tam Kỳ, đồn Đại lý Pháp cùng các đồn Thương chánh ở Tam Kỳ và Hiệp Hòa (cửa biển An Hòa). Quân khởi nghĩa đã khiến tri phủ Tam Kỳ và lính Pháp ở đồn Đại lý khốn đốn. Sau đó, nhờ sự tiếp viện từ lính Pháp ở Hội An, một cuộc bố ráp đại quy mô đã diễn ra ở phạm vi phủ Tam Kỳ. Chúng gông xiềng, tra tấn, sách nhiễu những người có tham gia - kể cả thân nhân của họ; chúng lùng bắt và kết án một số thủ lĩnh của cuộc khởi nghĩa - nhẹ thì giam ở nhà ngục Quảng Nam; nặng thì đày đi Buôn Ma Thuột, Lao Bảo. Cụ Trần Huỳnh thì bị xử chém ở Chợ Củi; cụ Trầm Tùng Vân bị xử chém tại Gò Cồn; các cụ Trần Cang, Trần Thu, Lương Đình Thự… hy sinh tại nhà tù Lao Bảo.
Hai cụ Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng là những chí sĩ xuất thân từ Nho học là người Hà Đông đầu tiên góp phần mở mối Duy tân trên đất Quảng Nam. Hai cụ là người đạt được những thành tích lẫy lừng trong công cuộc vận động Duy tân trên quy mô cả nước. Cụ Phan là người Hà Đông đầu tiên đến Pháp, làm rạng rỡ tên tuổi người nước Nam ngay ở thủ đô của nước đô hộ dân tộc mình. Cụ Huỳnh là người Hà Đông đầu tiên làm báo; cùng làm việc tại tòa soạn Báo Tiếng Dân của cụ có nhiều người quê vùng Hà Đông xưa.
PHÚ BÌNH