Khởi nghiệp... khơi khơi
Đại học UTS: INSEARCH của Úc vừa tổ chức hội thảo tại Đà Nẵng về định hướng nghề nghiệp cho sinh viên đến 2020.
Câu chuyện đặt ra trong bối cảnh, dù rô bốt hay công nghệ gì đi nữa, cũng không thay thế được bộ não con người, và sinh viên là đối tượng không thể đứng ngoài, khi chính họ là người kiến tạo tương lai. Đông Nam Á rồi sẽ thiếu khá nhiều lao động có trình độ cao, khi làn sóng tìm đến phương Tây ngày một lớn. Hội thảo đưa ra những yêu cầu đối với một sinh viên quốc tế, muốn được doanh nghiệp Úc chấp nhận làm việc, thì phải ra sao, trong đó đúc rút bằng một phương châm: Thay vì soi kỹ bằng cấp, điểm số như trước đây, thì nay người ta chú trọng nhiều đến kỹ năng mềm, tức là khả năng hoạt động xã hội, liên kết, làm việc nhóm, tương tác với đám đông, lãnh đạo, hiểu biết đa văn hóa… Sinh viên Việt Nam học tại đại học này chiếm hàng thứ 4 trong số sinh viên quốc tế, có người trong số họ đã đạt thành tích xuất sắc.
Ảnh minh họa. Nguồn: internet. |
Khi được hỏi sinh viên Việt Nam tại đây hạn chế điều gì, một diễn giả người Việt từng là cựu sinh viên trường này, nay là giám đốc quản lý đối tác, cho hay đó là thụ động và thiếu tự tin.
Câu trả lời này không nằm ngoài dự đoán.
Muốn là sinh viên thì phải học phổ thông, trong khi học sinh Việt Nam hiện giờ vẫn chưa thoát được từ học thụ động sang chủ động, từ đọc chép sang tư duy độc lập, ngay cả đại học cũng vậy. Nguyên nhân thì hằng hà sa số, tóm lại là vẫn yêu cầu nhồi nhét, học trên lớp, học thêm đêm ngày, chương trình nặng nề, không cảm hứng, thiếu khơi gợi. Bây giờ nghe đổi mới giáo dục là sợ, bởi bao năm cứ thụt lùi chứ không cải tiến. Tư duy “con gà”, thật sự không thể dùng từ khác hơn, khi học sinh hoàn thành lớp 12, ngơ ngác với kỹ năng sống. Bao năm rồi, ngay việc đơn giản là dạy bơi để các em không chết đuối, có làm được phổ biến đâu, mà toàn nói chuyện trên trời. Thể chất thì quẹo quặt hoặc béo phì. Dạy võ, một môn không thể thiếu trong nhà trường cũng không làm được. Thời gian học văn hóa choáng hết, tan giờ tan lớp, lừ đừ như ông từ vào đền, khả năng xử lý tình huống gần như không. Lỗi tại giáo dục mà ra, lỗi không phải của thầy cô, mà lỗi hệ thống từ trên xuống, lỗi ngay trong cái cụ thể là chương trình dạy, lỗi ở cả hệ thống tư tưởng, truyên truyền về sự học để làm gì, xa lắc xa lơ với thực tiễn và đòi hỏi từ chính học sinh.
Thời gian này, đi đâu cũng nghe nói tinh thần khởi nghiệp ở thanh niên, ở người lao động trẻ. Từ lâu rồi, đoàn thanh niên có câu: Thanh niên lập thân, lập nghiệp. Cũng có người trong số họ lớn lên, thành công từ khẩu hiệu này, nhưng điều đó không thể cưỡng lại rằng, cái gọi là vũ khí… khởi nghiệp được trui rèn từ giáo dục của Việt Nam gần như là số không, bởi sinh viên ra đi làm, các nơi nhận vào đều phải đào tạo lại vì kiến thức và thực tiễn ở họ một trời một vực. Lỗ hổng là từ đây, khi giáo dục ở mình không tạo ra cơ hội cho học sinh - sinh viên học tập và trưởng thành kỹ năng sống, làm việc trong môi trường đông người để từ đó khởi động việc lập nghiệp cho riêng mình.
Vì thế bây giờ khơi dựng tinh thần khởi nghiệp, thì hãy cho học sinh - sinh viên biết: nếu tôi đang đi học, muốn khởi nghiệp, ngoài mớ kiến thức, thì nhà nước, nhà trường cho chúng tôi cái gì, tạo điều kiện gì về vốn sống, kỹ năng, để bước ra đời, chúng tôi có thể làm việc ngang ngửa với nước ngoài, đạt được như mong muốn của nhà tuyển dụng? Nếu nhà nước không trả lời được câu đó, thì coi như tất cả là khẩu hiệu khơi khơi, và sinh viên chúng ta mãi mãi tụt hậu.
TRUNG VIỆT