Sinh lực mới ở Đại Nghĩa
Đại Nghĩa (Đại Lộc) hôm nay đang dần bứt phá, từng bước thoát khỏi lớp vỏ của một xã thuần nông khi tỷ trọng của ngành công nghiệp - xây dựng cơ bản, thương mại - dịch vụ của xã không ngừng được nâng lên. Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ xã, chặng đường trở thành xã nông thôn mới đang được rút ngắn khoảng cách.
Kinh tế - động lực then chốt
Công nghiệp của Đại Nghĩa trên đà hình thành với 2 cụm công nghiệp Đại Nghĩa 1, Đại Nghĩa 2 đang từng bước kêu gọi xúc tiến đầu tư. Toàn xã có 164 cơ sở hoạt động công nghiệp, 1 nhà máy gạch tuy nen, 1 cơ sở may gia công, góp phần giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động địa phương. Ở lĩnh vực thương mại - dịch vụ, toàn xã có 232 hộ kinh doanh dịch vụ, 21 dịch vụ vận tải, phần lớn địa phương quản lý môn bài, thu ngân sách… Dù tỷ trọng đóng góp cho cơ cấu kinh tế có giảm, song nền nông nghiệp địa phương vẫn khẳng định thế mạnh của nền kinh tế. Vừa phát triển nhóm cây lương thực, cây lúa lai F1, cây thực phẩm, cây công nghiệp ngắn ngày, chăn nuôi…, kinh tế rừng cũng là nguồn lực lớn giúp cải thiện bức tranh nông nghiệp, đưa kinh tế hộ phát triển trên địa bàn xã…
Gắn biển công trình chào mừng 70 năm ngày thành lập Đảng bộ xã tại Trường Tiểu học Đoàn Nghiên. |
Theo ông Nguyễn Nhớ - Chủ tịch UBND xã Đại Nghĩa, với 1.000ha đất nông nghiệp, ngoài sản xuất cây lương thực, địa phương còn chú trọng quy hoạch vùng sản xuất lúa lai F1 với diện tích 150ha, góp phần tăng giá trị, sản lượng trên cùng một đơn vị diện tích. Sắp tới đây, nhiều vùng sản xuất lúa giá trị thấp (khoảng 40ha), thiếu chủ động nước tưới của xã sẽ tiếp tục được chuyển đổi sang trồng cây màu. Các loại cây công nghiệp ngắn ngày, cây rau, hoa màu là các đối tượng cây trồng chủ lực có giá trị cao của xã với các giống chủ lực là bắp, đậu phụng, ớt, thuốc lá, đậu xanh, dưa hấu… Trong số hơn 154ha đất sản xuất cây công nghiệp ngắn ngày, cây hoa màu của xã, có khoảng 40ha cho giá trị kinh tế cao nhờ thâm canh tốt. “Từ đầu năm 2016 tới nay, đáng phấn khởi khi đầu ra và giá cả các mặt hàng nông sản nhìn chung ổn định. Nhiều mô hình sản xuất luân canh, xen canh cho thu nhập 150 - 200 triệu đồng/ha/năm, từng bước tạo nên bức tranh nông nghiệp khởi sắc” - ông Nhớ nói.
Vùng sản xuất hoa màu tập trung của xã Đại Nghĩa. Ảnh: H.L |
Tín hiệu đáng mừng là gần đây trên địa bàn xã xuất hiện nhiều mô hình sản xuất mới giúp nâng cao thu nhập cho nông hộ. Ví như, mô hình trồng nấm rơm ở thôn Nghĩa Tây; mô hình trồng nấm bào ngư, nấm linh chi của hộ ông Trương Hồng (thôn Hòa Mỹ), ông Nguyễn Lân (thôn Mỹ Liên); mô hình nuôi bồ câu lai Pháp; mô hình nuôi chồn hương kết hợp trồng chuối mốc lai, trồng huỳnh đàn của hộ ông Trần Chín (thôn Mỹ Liên)… Ngoài ra còn có các mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm (heo, gà, vịt) quy mô trang trại, gia trại tại khu chăn nuôi tập trung Hố Liễn với 7 hộ tham gia; mô hình nuôi bò thâm canh cho doanh thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm tại thôn Mỹ Thuận. Từ những mô hình chăn nuôi tập trung và phân tán trong nông hộ, đến nay toàn xã có tổng đàn trâu hơn 100 con, đàn bò gần 2.000 con, đàn heo 1.800 con. Ông Trương Hồng (thôn Hòa Mỹ) chia sẻ: “Sau khi tham gia lớp tập huấn trồng nấm do xã tổ chức, tôi đã tận dụng cơ sở cũ có nhà lưới, giàn che để trồng nấm bào ngư trên mùn cưa, diện tích 60m2, sản xuất 2.000 bịch giống. Vừa làm, vừa học hỏi kinh nghiệm.
Ông Trần Chín bên đàn chồn hương giống. Ảnh: H.LIÊN |
Mỗi ngày, gia đình tôi thu hoạch chừng 10kg nấm tươi. Với giá bán 20.000 - 30.000 đồng/kg cũng giúp thu về 200 - 300 nghìn đồng/ngày, đạt 6 - 8 triệu đồng/tháng. Tuy hiệu quả chưa cao nhưng cũng giúp tôi cải thiện kinh tế gia đình, lại tận dụng được thời gian nhàn rỗi”. Ông Trần Chín (thôn Mỹ Liên) được biết đến là người tiên phong trồng chuối mốc lai trên 4 sào đất lúa kém hiệu quả, thiếu nước tưới. Xuống giống lứa đầu tiên từ tháng 6.2015 tới nay, vườn chuối của gia đình ông đã cho lứa thứ 2, mỗi buồng bình quân cho thu nhập 100.000 đồng, trung bình 4 sào chuối đem về cho ông 35 triệu đồng/lứa. Ông Chín cho hay: “Trồng một sào chuối chăm bón nghiêm túc có hiệu quả bằng 10 sào đất lúa. Nhưng quan trọng là kỹ thuật và giống tốt mới cho năng suất cao được”. Không chỉ trồng chuối mốc, ông Chín còn đầu tư mô hình nuôi chồn hương giống với tổng đàn đã lên tới 20 con, trị giá cả trăm triệu đồng.
Được biết, thời gian tới Đại Nghĩa tiếp tục hướng tới phát triển các mô hình chăn nuôi heo siêu nạc, nuôi bò thâm canh, mô hình nông - lâm kết hợp, mô hình trồng cây ăn quả, đưa các giống mới vào sản xuất, cải thiện đời sống, tăng thu nhập cho nông dân… Ngoài những mô hình sản xuất trên, hàng trăm hộ dân trên địa bàn xã đã đổi đời từ kinh tế rừng. Toàn xã có 1.700ha đất rừng đã phủ xanh, thu hút 100 hộ tham gia trồng keo lá tràm, trồng bạch đàn khai thác lấy gỗ, trong đó có những hộ sở hữu lên tới hàng chục héc ta, nhờ đó kinh tế gia đình khấm khá từ rừng. Đường lâm sinh đã mở với chiều dài 11km, các phương tiện cơ giới dễ dàng vào rừng vận chuyển gỗ keo, bạch đàn. Nông sản do bà con làm ra, cũng nhờ có đường mà tiêu thụ dễ dàng hơn trước.
Dốc sức cho nông thôn mới
Giai đoạn 2011 - 2015, tổng giá trị sản xuất của Đại Nghĩa đạt 1.176,88 tỷ đồng. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng dần tỷ trọng của ngành công nghiệp - xây dựng và giảm dần tỷ trọng của ngành nông nghiệp. Tính riêng 6 tháng đầu năm 2016, tỷ trọng của ngành nông nghiệp chiếm 26% trong tổng giá trị sản xuất toàn xã là 207,6 tỷ đồng, công nghiệp - xây dựng cơ bản chiếm 52%, thương mại - dịch vụ chiếm 21,9%. Ông Trương Nhành - Phó Chủ tịch UBND xã Đại Nghĩa: “Khối lượng công việc để đưa Đại Nghĩa về đích nông thôn mới kịp tiến độ khá đồ sộ. Mục tiêu đề ra, cần phải huy động nguồn lực tổng hợp, ngoài nguồn phân bổ từ cấp trên, địa phương huy động lồng ghép nhiều nguồn, huy động sức dân, huy động nguồn xã hội hóa từ trong doanh nghiệp, các tổ chức…”. |
Theo mục tiêu, lộ trình đề ra, Đại Nghĩa phấn đấu đạt danh hiệu xã nông thôn mới vào năm 2017. Đến thời điểm này, xã đã đạt 14/19 tiêu chí, 5 tiêu chí còn lại gồm: giao thông, thủy lợi, cơ sở vật chất, chợ nông thôn, nhà ở dân cư. Theo ông Trương Nhành - Phó Chủ tịch UBND xã Đại Nghĩa, đầu năm 2016, nhiều hạng mục nông thôn mới đã được kiện toàn. Hơn 40 tuyến đường giao thông nông thôn với tổng chiều dài 3,5km đã được cấp vật liệu để triển khai thi công hoàn thành. Nhiều hạng mục tường rào, cổng ngõ, khu văn hóa thôn Hòa Mỹ, đổ bê tông sân nền tại khu văn hóa thôn Phiếm Ái 1 đã triển khai hoàn thành. Hiện, công trình nhà đa năng tại Trường Tiểu học Đoàn Nghiên đã hoàn thành, đưa vào sử dụng, hai công trình tại Trường Tiểu học Trương Hoành, Trường Mẫu giáo Đại Nghĩa đang đầu tư thêm. “Một trong những thuận lợi là phần lớn thiết chế văn hóa tại 13/13 thôn đều đã được xây dựng trước đó, nay nâng cấp một số hạng mục, riêng hai nhà văn hóa thôn Mỹ Thuận và Hòa Tây là xây mới. Công trình nâng cấp, sửa chữa các hạng mục, đảm bảo trung tâm văn hóa - thông tin xã với mặt bằng, tường rào, cổng ngõ, nhà đa năng, các thiết chế văn hóa - thể thao trên tổng diện tích gần 2.000m2 đang được xúc tiến” - ông Nhành nói.
Bên cạnh nguồn vốn phân bổ từ trên, 6 tháng đầu năm 2016, xã Đại Nghĩa đã lồng ghép nhiều nguồn vốn khác để thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới từ ngân sách cấp trên khoảng 4,3 tỷ đồng, phục vụ đầu tư xây dựng các công trình, cơ sở hạ tầng giao thông nông thôn để hoàn thành một số tiêu chí đề ra. Với nguồn vốn sự nghiệp xây dựng nông thôn mới, địa phương đã phân bổ 100 triệu đồng hỗ trợ phát triển sản xuất, hiện đã có phương án hỗ trợ bò giống cho hộ nghèo, có khả năng lao động để phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập. “Lộ trình đưa Đại Nghĩa trở thành xã nông thôn mới còn rất ngắn, nhưng khối lượng công việc còn lại khá nhiều, đòi hỏi nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản rất lớn. Mục tiêu đề ra trong 6 tháng cuối năm 2016 là xã sẽ tiếp tục đầu tư các công trình, hạng mục quan trọng. Ví như, tuyến kênh mương từ sau Trường THCS Trần Hưng Đạo đi Thổ Sa và Chánh Mười, tuyến kênh mương khu vực Dinh Ông; xây mới nhà văn hóa và khu thể thao thôn Hòa Tây; sửa chữa, nâng cấp nhà văn hóa, khu thể thao thôn Đại Lợi với tổng giá trị 1,1 tỷ đồng…” - ông Nhành nói.
HOÀNG LIÊN