Xúc tiến du lịch Quảng Nam: Mạnh ai nấy làm

GIA KHANG 15/08/2016 09:16

Đóng vai trò kết nối giữa điểm đến với doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước, hoạt động xúc tiến du lịch trở thành một trong những yếu tố không thể thiếu trong phát triển du lịch của mỗi địa phương. Tuy nhiên, thời gian qua ở nhiều nơi công tác này diễn ra khá rời rạc, thiếu tính chuyên nghiệp theo kiểu mạnh ai nấy làm.

Yếu nguồn lực, thiếu chuyên môn

Hiện nay hầu hết huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh đều có bộ phận phụ trách du lịch. Chuyên nghiệp nhất có thể kể đến 3 địa phương là TP.Hội An, thị xã Điện Bàn và huyện Tây Giang với việc thành lập cơ quan chuyên trách về du lịch. Nếu như TP.Hội An có hẳn một phòng về quản lý du lịch (Phòng Thương mại và du lịch) thì thị xã Điện Bàn thành lập Tổ thông tin xúc tiến du lịch trực thuộc Trung tâm Văn hóa thị xã. Thậm chí, Tây Giang đã trở thành địa phương đầu tiên của tỉnh thành lập Trung tâm Xúc tiến đầu tư và phát triển du lịch trực thuộc UBND huyện với đội ngũ cán bộ và kinh phí hoạt động riêng lẻ. Ở các địa phương khác, bộ phận phụ trách du lịch chủ yếu do phòng VH-TT đảm nhận.

Thông tin du lịch các địa phương rất ít cơ hội được giới thiệu tại các hội chợ du lịch lớn.
Thông tin du lịch các địa phương rất ít cơ hội được giới thiệu tại các hội chợ du lịch lớn.

Tuy vậy, không phủ nhận, dù được tổ chức chuyên nghiệp hay kiêm nhiệm, tất cả địa phương đều gặp chung một điểm là chưa có chiến lược quảng bá xúc tiến cụ thể và khoa học, thiếu sự liên kết phối hợp, chủ yếu chạy theo sự kiện vì phụ thuộc vào nguồn ngân sách cấp hàng năm. Bên cạnh đó, do trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ quản lý du lịch địa phương hạn chế, dẫn đến hiệu quả hoạt động quảng bá du lịch cũng khác nhau. Theo ông Trần Dư - Trưởng phòng VH-TT huyện Nam Giang, khó có thể đòi hỏi du lịch các huyện phát triển khi mà nguồn lực đầu tư và con người thiếu thốn. Hiện tại, mảng du lịch Nam Giang được giao cho phòng theo dõi quản lý, trong khi biên chế đơn vị chỉ gồm 5 thành viên nhưng phải đảm nhiệm 14 nhiệm vụ, nên rất khó tập trung cho hoạt động du lịch, dù Nam Giang có nhiều cơ hội, tiềm năng. “Địa phương không đủ nguồn lực và chuyên môn để quảng bá xúc tiến, trong khi quảng bá du lịch ở cấp tỉnh chưa đồng bộ, chủ yếu tập trung vào 2 di sản” - ông Dư phản ánh.

Hiệu quả cho các hoạt động famtrip mang lại cho du lịch địa phương chưa như mong muốn.
Hiệu quả cho các hoạt động famtrip mang lại cho du lịch địa phương chưa như mong muốn.

Không chỉ Nam Giang mà phần lớn công tác quảng bá của các huyện, thị xã, thành phố chủ yếu tập trung vào 2 hoạt động chính là in tập gấp, làm đĩa, thỉnh thoảng phối hợp với Sở VH-TT&DL kết nối doanh nghiệp, báo chí tổ chức đoàn famtrip khảo sát tiềm năng du lịch địa phương, ngoài ra chưa có chiến lược quảng bá chuyên nghiệp, cụ thể. Trong khi hiệu quả khảo sát du lịch thế nào vẫn là câu chuyện “nhạy cảm” đối với không ít nơi, nói như lời lãnh đạo phòng văn hóa một huyện miền núi: “Đoàn cứ đến khảo sát, famtrip, ăn chơi một trận rồi về biệt tăm, gây tốn tiền ngân sách địa phương, nhưng hiệu quả chẳng thấy đâu vì doanh nghiệp không quay lại”.

Quy về một mối

Trong khi các địa phương khó đủ điều kiện và chuyên môn để thực hiện, thì công tác quảng bá du lịch nên cần tập trung về một mối là Sở VH-TT&DL. Ông Phan Văn Tú - Giám đốc Trung tâm Thông tin và xúc tiến du lịch Quảng Nam cho rằng, cần phải hiểu hoạt động xúc tiến du lịch chính là kêu gọi du khách đến để thưởng thức một sản phẩm cụ thể. Do đó, công tác xúc tiến của trung tâm thời gian qua chỉ tập trung vào những điểm tham quan đã có sản phẩm dịch vụ, dù tiềm năng điểm đến của một số nơi thỉnh thoảng vẫn được trung tâm giới thiệu tại các hội chợ hoặc sự kiện du lịch lớn. “Chúng ta phải hiểu xúc tiến du lịch là giới thiệu những điểm đã có sản phẩm để khách đến, còn những nơi chỉ mới dạng tiềm năng thì lại liên quan đến hoạt động xúc tiến đầu tư của Ban Xúc tiến đầu tư tỉnh. Tất nhiên, trung tâm cũng có nhiệm vụ này nhưng ở mức độ vừa phải, chủ yếu vẫn nghiêng về việc giới thiệu sản phẩm nhiều hơn” - ông Tú nói. Điều đó cũng đồng nghĩa, công tác giới thiệu, quảng bá xúc tiến du lịch của tỉnh và địa phương luôn có sự khác biệt, ít chia sẻ và liên kết, phần ai nấy làm. Hàng năm trung tâm vẫn đều đặn tham gia các roadshow, hội chợ du lịch tại những thị trường trong và ngoài nước, còn địa phương chỉ quẩn quanh với tiềm năng của mình theo kiểu “có gì chào bán nấy”, trong khi khách chỉ mua những thứ họ cần chứ chưa hẳn mua những gì mình có nên dẫn đến sự lãng phí và không hiệu quả.

Theo ông Đinh Hài - Giám đốc Sở VH-TT&DL, Trung tâm Thông tin và xúc tiến du lịch Quảng Nam không thể giới thiệu, xúc tiến hết tất cả địa phương trong tỉnh do hạn chế về kinh phí khi ngân sách đầu tư cho hoạt động xúc tiến hàng năm chỉ 3 - 4 tỷ đồng bao gồm trả lương cho nhân viên. “Với số tiền đó thì làm gì cũng khó, kể cả muốn in một quyển sách quảng bá du lịch cũng không mong đẹp được nên cần phải có sự thay đổi và phối hợp giữa tỉnh với địa phương trong công tác quảng bá xúc tiến du lịch theo hướng tập trung về một đầu mối là Trung tâm Thông tin và xúc tiến du lịch tỉnh. Trong đó, thay vì địa phương bỏ kinh phí tự xúc tiến như trước đây, nay cùng góp tiền vào cho trung tâm để đi quảng bá” - ông Hài đề xuất. Mặc dầu đánh giá đây là một ý tưởng hay nhưng ông Phan Văn Tú nhìn nhận rất khó thực hiện do phụ thuộc vào điều kiện ngân sách đầu tư cho du lịch từng địa phương khác nhau cũng như nhiều vấn đề liên quan. “Thật ra, từ trước đến nay chúng tôi vẫn kêu gọi địa phương và doanh nghiệp tham gia trong các sự kiện du lịch hoặc giai đoạn cụ thể nhưng để phối hợp đồng bộ xuyên suốt một năm vẫn chưa nghĩ đến. Nếu năm 2017 triển khai được sự phối hợp này thường xuyên, theo tôi hiệu quả sẽ rất tốt cho các bên và chi phí của địa phương, doanh nghiệp cũng sẽ ít hơn” - ông Tú phân tích.

GIA KHANG

GIA KHANG