Bên lũy tre làng
1. Ngày trước, làng tôi và làng An Thanh (Điện Thắng - Điện Bàn) bên cạnh có một nghề nổi tiếng: nghề chẻ tre đan cót và làm nhà tre. Mỗi năm theo ước tính của nhiều người cũng đã có đến cả vài triệu mét cót, những rui mè kèo cột phên tre và đủ loại vật dụng đan từ nan tre bán ra thị trường, cả nông thôn và thành thị. Đó là nguồn thu nhập đáng kể bên cạnh việc làm ruộng. Từ nghề này, làng có nhiều thợ tre, thợ đan cót, đan ghe nổi tiếng một thời. Tôi yêu làng, nghiên cứu nhiều năm về cây tre và được các bạn văn gán cho biệt hiệu “Người Việt gốc… tre” từ đó.
Lũy tre tỏa bóng mát bên sông. Ảnh: PHƯƠNG THẢO |
Từ sau 1975, tuần nào tôi cũng về quê và sang vườn nhà ngoại. Vẫn là cái sân đất rợp bóng tre mà ngày nhỏ tôi vẫn nằm nghe cậu kể chuyện cổ tích dưới những đêm trăng. Vẫn là chiếc chõng đóng bằng tre ngâm láng mượt với chiếc vạt chõng bằng tre cật được cậu tôi bện lại từ những sợi mây mềm mại. Tôi nằm dưới bóng râm đánh một giấc trưa giữa tiếng kẽo kẹt của những cây tre bị gió đưa qua lại và va quẹt lẫn nhau.
Nhưng thời gian đã đi qua hơn 40 mươi năm có lẻ. Ngôi nhà ngoại tôi ngày xưa cũng có nhiều thứ thay đổi, cả hình thù lẫn vị trí. Nhưng cái ống tre to bên ngoài có đánh một lớp dầu rái để bảo quản toàn bộ gia phả đặt chính giữa bàn thờ tổ tiên thì vẫn còn nguyên đó. Bao thế hệ, bao cuộc đời đã nằm kín trong cái ống tre thiêng liêng mà gần gũi ấy khiến ta rơi nước mắt những khi lòng dông bão...
Tôi cưa từ những cây tre ở vườn ngoại và chọn ra 5 đoạn có độ cao thấp khác nhau, kết lại làm một bình hoa chưng tết ngoài phố. Tết ngồi nhớ quê và nhìn những bình hoa “không đụng hàng” này, lòng cũng thanh thản đi chút ít!
2. Nhà thơ Thu Bồn là người đồng hương của chúng tôi. Thuở nhỏ, nhà ông ở khuất sau những lũy tre ven con sông Ngũ Giáp. Lớn lên đi kháng chiến và làm thơ. Tre là một hình ảnh luôn ám lấy ông. Tập thơ đầu tiên viết vào đầu những năm 1960 lấy tên là Tre xanh lời lẽ dung dị mà giàu hình ảnh và cảm xúc:
Tôi bước đi dưới tre gió bồng chân sáo
đường hành quân những lần tre níu áo
lòng bồi hồi rộn bóng tre xưa...
Khi Thu Bồn tham gia kháng chiến, những hôm nằm hầm bí mật để tránh những cuộc càn, anh vẫn khao khát một bầu trời xanh. Qua lỗ thông hơi của căn hầm, vì vậy, vật đầu tiên mà anh nhìn thấy cũng chính là một cành tre (Nhìn qua lỗ nhỏ thấy cành tre non - Căn hầm bí mật của tôi).
Ngày hòa bình, anh vào ở tại quận 5 TP.Hồ Chí Minh, đất sân không nhiều, anh vẫn trồng một khóm tre ngà trước cổng và thường ngày vẫn ngủ trên chiếc chõng bằng tre với tấm vạt giường bện từ những nan tre cật láng mượt, trưa nằm ngủ trên chiếc chõng ấy, anh vẫn cầm chiếc quạt tre bồi bằng giấy bao xi măng rẻ tiền phe phẩy, nghêu ngao… cho dù nhà anh lúc nào cũng sẵn vài cái quạt máy...
“Cây tre và hình ảnh những lũy tre ven sông Thu Bồn, Vĩnh Điện, Tam Kỳ ở quê mình đẹp quá, ước gì người ta giữ được hoài!”. Khi nhắc đến quê hương, Thu Bồn lại nói về tre và mong ước giản dị của anh…
Nghe nói khi anh quyết định dời nhà lên suối Lồ Ồ (tên một loài tre) sau đó và sống đến cuối đời, một phần cũng là từ tình yêu ban đầu ấy!
Lại có một anh bạn Việt kiều gốc Quảng yêu... tre ở San Jose về quê sau nhiều năm kiếm tiền bằng nghề làm báo, viết văn, tổ chức các chương trình giải trí bên ấy. Về tay không, nhưng khi đi thì không biết bao nhiêu là những thứ “hàng hóa” mà một người ở nhà quê cũng không thèm sờ tới: Vài cái rổ, rá; mấy chục ống tre to bằng trái chân thẳng thớm, rồi gáo múc nước bằng sọ dừa và chiếc chum sành… Anh ta giải thích: “Văn hóa là cái gì nó... khốn nạn lắm ông ạ! Mấy chục năm bên ấy mà vẫn không quên được những câu ca dao, hình bóng cây tre quê mình. Tôi vừa làm nhà xong và mua mấy thứ này sang để thiết kế ngay trong phòng khách một đường ống dẫn nước bằng tre đổ vào chum sành. Một tấm liếp tre đậy hững hờ trên miệng chum, trên ấy không thể không có vài cái rá, cái rổ tre. Bên cạnh là một gốc tre có cái mắt dài để móc chiếc gáo dừa. Hồi nhỏ ở quê, cảnh nhà tôi nó vậy...”.
Anh bạn Việt kiều này với tôi và Thu Bồn đã từng có chung nhiều kỷ niệm những năm ở Sài Gòn, trong căn nhà “thơm mùi tre” ở quận 5 ấy.
3. Trước năm 1945, cụ thân sinh tôi kể rằng từ làng quê tôi ra đến Đà Nẵng phải đi bộ trên những con đường đất đá gồ ghề, có lúc phải băng qua những đám ruộng khô nẻ ngày hè. Đi đến phố Hội cũng vậy, tuy đường có ngắn hơn. Ông nội tôi đóng những chiếc giường tre, những rui-mè-kèo-cột bằng tre rồi vác đi trên những con đường ấy, để bán lấy tiền độ nhật sau những vụ mùa lúa khoai thất bát. Cha tôi, cậu tôi, chú tôi và những trai tráng trong làng lại nối gót những người đi trước cho đến khi các vật dụng bằng kim loại, bê tông cốt thép, bằng nhôm nhựa thay thế dần cây tre.
Khi mẹ tôi qua đời, cha tôi thỉnh thoảng lại hát lên từ những câu ca dao:
Đũa trui, đũa bếp có đôi
Cái ống thổi lửa mồ côi một mình…
Cụ ngồi trong gian nhà ở phố, chỉ cách những lũy tre ở quê làng non vài chục cây số thôi, mà như thể đang sống lại với cả miền ấu thơ theo ông tôi vác những món hàng bằng tre ra phố. Rồi cụ lại nhắc đến những “mánh lới” mà người thợ tre phải có, những dụng cụ tự chế để làm tre như chiếc khoan gio, cái đục dũm cong lưỡi, cái đục lá, cái chàng nghe lạ hoắc. “Bọn tao có một cuộc đời gắn bó với cây tre vậy đó. Cây tre là lẽ sống của mỗi người nông dân vậy đó và nuôi đàn con mấy đứa chúng mày ăn học tới giờ… Trong chiến tranh, mấy cái hầm đào sau bếp để tụi mày tránh bom đạn, ngủ tròn giấc mỗi đêm cũng nhờ những gốc tre già làm khung đỡ ấy… Vậy mà bây giờ về làng giỗ chạp, cứ thấy người ta đào bỏ hết tre, đúc trụ bê tông, rào lưới thép làm hàng rào, tao không chịu được…!”. Ông cụ tôi nhiều lần than trách rồi thở dài: “Ước gì tao còn trẻ!”.
Cứ mỗi lần nhớ lại tâm sự của cha tôi về cây tre, tôi cứ tự hỏi: Nếu không còn những cây tre, những lũy tre ấy, làng có còn là làng nữa không? Chúng ta công nghiệp hóa hiện đại hóa, nông thôn mới thì chúng ta cứ làm, chứ cây tre gắn bó ngàn đời kia có tội tình chi mà chặt bỏ?
TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG